Thông tin được Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết tại Hội thảo Điều trị đa mô thức bệnh ung thư và quản lý bệnh viện trong kỷ nguyên số - Cập nhật ASCO 2024 do Bệnh viện K tổ chức ngày 31/10, tại Hà Nội.
"Ung thư đang trở thành gánh nặng lớn tại các quốc gia, đặc biệt với nước thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam", Thứ trưởng nói, thêm rằng dự báo đến năm 2030, khoảng 75% số ca tử vong do ung thư sẽ xảy ra tại các nước này. Trong khi chỉ 10% bệnh nhân ở nước thu nhập thấp, 50-60% ở các nước thu nhập trung bình có thể tiếp cận xạ trị.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 180.000 trường hợp mới mắc và hơn 120.000 ca tử vong. Ba loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới gan, phổi, dạ dày; còn nữ giới là vú, phổi, trực tràng. Việt Nam có tỷ suất mắc mới cao, xếp 101/185 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 20/47 quốc gia châu Á.
Điều trị ung thư là đa mô thức kết hợp nhiều phương pháp xạ trị, hóa trị, phẫu thuật, liệu pháp đích, miễn dịch. Hiện, hầu hết xét nghiệm, hóa chất, xạ trị, phẫu thuật đều được BHYT chi trả toàn bộ hoặc một phần, song chi phí điều trị ung thư hết sức tốn kém, đặc biệt là thuốc. Theo thống kê năm 2023, BHYT chi trả cho thuốc điều trị ung thư lên tới hơn 7.500 tỷ, chiếm 15,8% tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, con số này năm 2022 là hơn 6.600 tỷ, chiếm 14,5%.
"Các thuốc đích, miễn dịch giá đắt đỏ, BHYT chưa thanh toán nhiều, chủ yếu người bệnh tự chi trả, đây cũng là gánh nặng cho bệnh nhân và gia đình", GS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K nói, thêm rằng người bệnh đến viện hầu hết ở giai đoạn muộn, khiến chi phí càng cao. Một người điều trị thuốc đích hoặc liệu pháp miễn dịch có thể tốn từ 120-150 triệu đồng mỗi tháng.
Ý kiến ()