Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 08:21 (GMT +7)
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng
Thứ 5, 31/10/2024 | 18:33:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10, Quốc hội tiến hành phiên thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng và việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng là một sự bứt phá trong tư duy về tổ chức chính quyền đô thị. Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ phải phân định thật rõ ràng để đảm bảo sự thống nhất đồng bộ trong quản lý, giám sát, quyết định những vấn đề lớn của thành phố.
Đối với việc nâng cấp huyện Thủy Nguyên thành thành phố trực thuộc TP Hải Phòng, đại biểu đề nghị cần đánh giá một cách chi tiết và đối chiếu với TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh để phân tích những thuận lợi, khó khăn cũng như đưa ra được một mô hình thành phố trong thành phố, mô hình quản lý đô thị hợp lý nhất, đáp ứng được những chuyển đổi mới về phát triển trong tương lai.
Về nội dung thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu cho rằng đây là mô hình hướng tới thành phố di sản, tức là phát triển dựa trên văn hóa. Cho nên phải lấy mục tiêu chủ yếu là vấn đề bảo tồn, khơi dậy, phát huy để hoán chuyển các giá trị văn hóa cho sự phát triển và phải giữ được nét đặc sắc này như là một mô hình để phát triển rất nhiều địa phương khác cũng có những điều kiện tương tự sau này. Mặt khác, cần phải xác định rất rõ vai trò trung tâm của đô thị, di sản và các đô thị vệ tinh ở xung quanh.
Tham gia làm rõ nội dung dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng đối với mô hình của chính quyền đô thị TP Hải Phòng, về nội dung tỷ lệ đối với đại biểu HĐND thành phố, hiện nay đang so sánh, kể cả báo cáo của Ủy ban Pháp luật về thẩm tra đang là tương tự số lượng chuyên trách giống như Đà Nẵng nhưng quy mô của Hải Phòng và Đà Nẵng khác nhau cả về dân số và các điều kiện. Do vậy, cần xem xét quy định về bỏ HĐND quận và HĐND phường, phương án tăng số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND của cấp thành phố để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND, cũng như giúp cho việc các quận, các phường không có HĐND khi không tổ chức hoạt động, công tác giám sát của HĐND thành phố lúc này bao phủ đến tận cả phường chứ không chỉ dừng lại ở cấp thành phố hay cấp quận.
Thứ hai là trong mô hình của HĐND thành phố thì quyết định thành lập Hội thẩm, Hội thẩm nhân dân thành phố trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố phải ghi rõ là trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Tòa án Nhân dân cấp quận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố giới thiệu và đề nghị HĐND thành phố ra quyết định. Như vậy sẽ làm rõ thêm trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc cấp phường, cấp quận trong việc thành lập đoàn hội thẩm cấp quận thuộc Tòa án nhân dân quận.
Liên quan đến thành lập thành phố Thủy Nguyên và đưa trung tâm chính trị của TP Hải Phòng về thành phố Thủy Nguyên, gọi là Thủ phủ của Hải Phòng sau này, đây là một tư duy, tầm nhìn rất đột phá. Bởi vì Thủy Nguyên hiện nay đang là huyện, các điều kiện của Thủy Nguyên phát triển chưa thể bằng các quận trung tâm được. Nhưng Thủy Nguyên lại có một dư địa rất lớn và một cơ hội để phát triển cả về lực lượng lao động và tính kết nối vùng, Thủy Nguyên giáp với Quảng Ninh, Quảng Yên, Kinh Môn Hải Dương, dư địa cho phát triển rất lớn. Tuy nhiên, cần phải có các giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong phát triển đối với TP Thủy Nguyên trực thuộc thành phố Hải Phòng.
Đối với Nghị quyết về thành lập TP Huế, cần phải có tổng kết đối với việc các thành phố trực thuộc Trung ương, để có bức tranh toàn cảnh hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh cũng cần quan tâm chi tiết đến việc bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa và có những giải pháp chủ động, căn cơ.
Đồng quan điểm về việc tỉnh Thừa Thiên Huế nâng cấp lên thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Trần Thị Kim Nhung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, cũng với việc phát triển đảm bảo các yêu cầu về kinh tế xã hội nói chung thì cốt lõi là việc bảo tồn giá trị văn hóa của đất cố đô. Để phát triển Huế phải có những chính sách đột phá, có đổi mới tư duy hơn trong phát triển kinh tế; đặc biệt trong việc tuyên truyền, vận động người dân để đồng thuận và hiểu hơn, để sang một vai trò mới, tránh những phát sinh và những khiếu kiện kéo dài.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()