Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:31 (GMT +7)
Yêu cầu Acecook Việt Nam làm rõ việc sử dụng Ethylen Oxide trong khử khuẩn nguyên liệu
Chủ nhật, 12/09/2021 | 16:37:44 [GMT +7] A A
Theo Bộ Công Thương, xung quanh việc sản phẩm mỳ ăn liền Hảo Hảo và miến Good của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam bị cảnh báo và thu hồi tại một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) do nhiễm chất Ethylene Oxide (EO) vượt ngưỡng quy định, Bộ đã vào cuộc xác minh, kiểm tra và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào ngày 6/9/2021.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Công ty cổ phần Acecook Việt Nam tiếp tục tập trung rà soát toàn bộ chuỗi cung ứng; điều tra, đánh giá chi tiết về chủng loại, thành phần nguyên liệu, quá trình khử khuẩn, nguồn gốc và lượng EO dùng khử khuẩn và tăng cường các biện pháp kiểm soát tương ứng nhằm ngăn chặn việc phơi nhiễm EO của thực phẩm.
Bộ Công Thương cho biết thêm, dựa trên kết quả kiểm nghiệm của Phòng thí nghiệm tại Stuttgart, Cộng hòa Liên bang Đức, RASFF (Hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU) đã phát đi cảnh báo về việc phát hiện ra chất 2-Chloroethanol (viết tắt là 2-CE, một trong những chất chuyển hóa của EO) vượt ngưỡng quy định tại EU đối với sản phẩm mỳ ăn liền Hảo Hảo và miến Good do Công ty cổ phần Acecook Việt Nam sản xuất và được nhập khẩu, phân phối tại EU thông qua đại lý ở Hà Lan.
Căn cứ cảnh báo này, một số quốc gia châu Âu; trong đó có Ireland đã tiến hành cảnh báo và thu hồi các sản phẩm đang lưu thông trên thị trường.
Mặc dù việc sử dụng thực phẩm có chứa EO không gây nguy hiểm cấp tính, nhưng có khả năng phát sinh các vấn đề về sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài, liên tục. Cùng với cảnh báo thu hồi, còn có sản phẩm mỳ ăn liền của một số quốc gia trong khu vực.
Nhằm kiểm tra, làm rõ và cung cấp thông tin một cách kịp thời, đầy đủ, chính xác và khách quan tới dư luận và người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của doanh nghiệp trên đối với sản phẩm đang lưu thông trên thị trường; đồng thời, đề nghị doanh nghiệp khẩn trương báo cáo về quy trình sản xuất các sản phẩm tương tự cùng loại do doanh nghiệp sản xuất để đánh giá khả năng xuất hiện chất EO trong sản phẩm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi tham vấn kỹ thuật với các nhà khoa học, tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước về khả năng xuất hiện của EO trong công nghệ sản xuất các sản phẩm chế biến bột, rau, củ sấy và gia vị.
Đặc biệt, rà soát lại các kết quả kiểm tra, hậu kiểm đã tiến hành từ giai đoạn 2019 đến nay đối với các sản phẩm tương tự. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đã khẩn trương, tích cực điều tra nguyên nhân phát sinh trong sản phẩm và đã gửi Bộ Công Thương 2 báo cáo vào các ngày 28/8 và 10/9/2021.
Theo đó, Công ty đã tiến hành rà soát toàn bộ quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào và lấy mẫu một số sản phẩm để tiến hành phân tích đối với chỉ tiêu EO tại đơn vị kiểm nghiệm là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Eurofins Sắc Ký Hải Đăng.
Kết quả cho thấy, tất cả các mẫu kiểm nghiệm đều không phát hiện EO với phép thử có giới hạn phát hiện là 0,003 mg/kg, nhưng phát hiện ra chất 2-CE với các giá trị phát hiện từ 0,62 mg/kg đến 5,98 mg/kg.
Hơn nữa, bước đầu phát hiện có nhà cung cấp sử dụng EO để khử khuẩn trong một số nguyên liệu và kết quả phân tích nguyên liệu của một số nhà cung cấp cũng phát hiện có chất 2-CE trong sản phẩm.
Tuy nhiên, để có thể xác minh đầy đủ, nghiên cứu triệt để nhằm làm rõ nguyên nhân, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam đề nghị tiếp tục cần thêm thời gian.
Cũng theo Bộ Công Thương, tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh và kiểm soát chặt chẽ nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm như phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách tổng thể, bài bản về những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người đối với những hóa chất mới, đa tính năng có khả năng xuất hiện trong thực phẩm để có biện pháp quản lý kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Ngoài ra, triển khai lấy mẫu giám sát chủ động trên diện rộng các sản phẩm chế biến bột nói chung và các sản phẩm mỳ ăn liền nói riêng tại Việt Nam, bao gồm 3 nhóm chính: nhóm sản phẩm sản xuất trong nước; nhóm sản phẩm nhập khẩu và nhóm sản phẩm xuất khẩu để kiểm nghiệm, đánh giá tính an toàn.
Bên cạnh đó, tăng cường cung cấp, trao đổi thông tin nhằm đảm bảo hàng hóa đáp ứng yêu cầu trước khi xuất khẩu; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe, môi trường và chuẩn hóa sản phẩm đầu ra theo yêu cầu từ phía các nước nhập khẩu.
Ethylene Oxide (EO) hay còn gọi là oxiran và epoxit là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử C2H4O; trong đó, nguyên tử O liên kết với cả hai nguyên tử C nên khá linh động, thường được tìm thấy ở dạng khí không màu và rất dễ cháy.
Sau khi tiếp xúc với thực phẩm, EO dễ dàng tạo thành một số chất chuyển hóa với sự có mặt của các phân tử H2O, ion Clorua và Bromua như Ethylene Glycol, 2-Chloroethanol (2-CE) và 2- Bromoetanol tương ứng. Các sản phẩm chuyển hóa này vẫn được gọi chung là EO khi định lượng.
EO được sử dụng làm sản phẩm khử trùng, hun trùng có hiệu quả cao, được phép sử dụng ở nhiều quốc gia cho mục đích kiểm soát côn trùng trong một số sản phẩm nông sản, khử khuẩn các nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm, đặc biệt cho gia vị và các loại thảo mộc như: ớt bột, tiêu , quế… nhằm diệt khuẩn Salmonella.
Đặc biệt, EO khi gặp các vi sinh vật sẽ xảy ra quá trình Alkyl hóa ADN và ARN, làm bất hoạt vi sinh vật nên EO trở thành thuốc khử trùng phổ rộng. Tuy nhiên, chính vì EO làm biến đổi vật chất di truyền ADN và ARN, tức là biến đổi gene nên tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Hiện nay, chỉ có một số ít quốc gia hay vùng lãnh thổ có quy định liên quan tới dư lượng EO trong thực phẩm và ngưỡng quy định của các quốc gia này cũng rất khác nhau. Tại EU, mức giới hạn của EO được tính là tổng của các sản phẩm chuyển hóa bao gồm cả 2-CE, trong khi tại một số quốc gia khác như Mỹ, Canada lại có mức giới hạn riêng đối với EO và 2-CE.
Chẳng hạn như tại EU, mức giới hạn dư lượng EO là 0,1 mg/kg đối với chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ; 0,05 mg/kg với các loại hạt có dầu; 0,02 mg/kg đối với trái cây, rau, cây đường, nấm và các loại khác; 0,02 mg/kg đối với ngũ cốc và các sản phẩm có nguồn gốc động vật; 0,05 mg/kg đối với các sản phẩm trồng trọt.
Tại Canada, mức giới hạn dư lượng cho phép đối với EO là 7 mg/kg và đối với 2-CE là 940 mg/kg đối với gia vị, hạt. Tại Mỹ, ngưỡng cho phép đối với EO là 7 mg/kg đối với gia vị, hạt; 50 mg/kg đối với hạt óc chó.
Riêng đối với 2-CE là 940 mg/kg. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Quốc tế (Ủy ban Codex; trong đó, Việt Nam là quốc gia thành viên) cũng như một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác hiện chưa có quy định kiểm soát đối với EO.
Theo Báo tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()