Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:40 (GMT +7)
Yên Tử trong văn thơ trung đại
Chủ nhật, 10/09/2023 | 14:36:09 [GMT +7] A A
Miền non thiêng Yên Tử gắn với Thiền phái Trúc Lâm đã xuất hiện trong thơ ca chí ít từ thế kỷ XIII và nối dài qua suốt thời trung đại và cho đến tận giai đoạn hiện đại sau này.
Từ xưa đến nay, non thiêng Yên Tử luôn là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca. Đầu tiên là những bài kệ dạng thơ của thiền sư Hiện Quang, chưa rõ năm sinh, mất năm 1221, viết về non thiêng Yên Tử. Những bài kệ của nhà sư Hiện Quang có thể coi là những nét bút thơ văn Phật giáo đầu tiên đóng góp vào văn học Phật giáo Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều nhất phải nhắc đến thơ của vị tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Thơ ngài còn lưu lại 31 bài, sáng tác theo nhiều đề tài khác nhau: Thơ thiên nhiên, thơ chiến trận, thơ tiếp sứ, thơ giảng giải Thiền tông… Trong thơ thiên nhiên của ngài có rất nhiều thi phẩm được viết ở Yên Tử, hoặc có thi hứng cảm quan Phật giáo, hoặc những nhân vật có liên quan đến vùng đất này, như: "Đăng Bảo Đài Sơn", "Sơn phòng xuân sự", "Mai", "Tảo mai", "Tán Tuệ Trung thượng sĩ", "Cư trần lạc đạo phú", "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca"...
Khi viết "Cư trần lạc đạo phú", Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng đã khuyên mọi người đi tìm Phật trong tâm tính của mình: "Áng tư tài, tính sáng chẳng tham/ Há vì ở Cánh Diều Yên Tử/ Rần thanh sắc, niệm dừng chẳng chuyển/ Lọ chi ngồi am Sạn non Đông". Tuy nhiên, Phật hoàng không phủ nhận lợi ích của rừng núi và cuộc sống ở rừng núi vì ông vào sống những nơi rừng núi hoang dã như Yên Tử. Ngược lại, trong bài phú "Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca", ngài đã tả lại cuộc sống rừng núi. Một con người lạc quan, yêu đời, nhập thế tích cực như Trần Nhân Tông, lẽ dĩ nhiên dễ hòa hợp với thiên nhiên, hoa cỏ, chim chóc tươi vui và dạt dào sức sống.
Sau Phật hoàng Trần Nhân Tông, Thiền sư Huyền Quang và các vị chân tu đã có bao bài thơ minh triết về Thiền, Đạo, Đời. Bài thơ "Xuân nhật tức sự" của Huyền Quang miêu tả cảnh xuân rực rỡ và con người tràn đầy sức sống: “Thêu gấm thưa tay dáng mỹ nhân/ Líu lo oanh hót khóm hoa gần/ Đáng thương vô hạn thương xuân ý/ Chỉ tại dừng kim chẳng mở lời”. Hay như bài thơ ngài tả hoa mai cuối xuân mang về cắm cho người đời bớt buồn: “Muốn hỏi trời xanh hoa tự đâu/ Một mình gội tuyết chốn non sâu/ Bẻ về, đâu muốn lừa tri kỷ/ Chỉ mượn tình hoa giải bệnh sầu” (Hoa mai).
Trong bài thơ "Vịnh cảnh chùa Vân Yên", ngài không nói một chữ "xuân" nào nhưng người đọc vẫn nhận ra mùa xuân qua cảnh sắc: “Cảnh tốt hòa lành/ Đồ tựa vẽ tranh/ Chỉn ấy trời thiêng mở khéo/ Hèn chi vua Bụt tu hành/ Hồ sen giương tán lục/ Suối trúc bấm đàn tranh”.
Giống như Huyền Quang, Thiền sư Chân Nguyên không nói thẳng mùa xuân nhưng vẫn nhận ra tín hiệu xuân qua hoa lá: “Suối đàn tiếng nhạc rành rành/ Chim kêu vượn hót đã thanh lòng thiền/ Bước lên đến chùa Hoa Yên/ Bốn bề cảnh giới động tiên khác thường/ Trăm hoa đua nở mùi hương”.
Tiếp nối dòng mạch thơ về Yên Tử, người đời sau đã góp phần bồi đắp, làm phong phú thêm dòng thơ văn về chốn non thiêng. Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370) là một tác giả lớn ở đời Trần, đến Yên Tử, đắm mình trong cảm hứng thiền với tâm trạng thư thái, yên bình: “Xuân triều mạc mạc trướng bình xuyên/ Bồ bái hoa thâm thủy điểu miên/ Sơn Bắc sơn Nam tình cảnh hảo/ Giang sơn vô hạn cách quy thuyền”. Tạm dịch: "Triều xuân mênh mông, nước sông lên/ Trong chốn hoa lau sâu, có chim nước ngủ/ Núi ở phía Bắc, núi ở phía Nam, phong cảnh đẹp/ Núi sông đầy khắp, cách xa thuyền về".
Danh nhân Nguyễn Trãi, đại thi hào dân tộc tất nhiên là không thể không có thơ về non thiêng Yên Tử, vùng đất mà ông từng được giao thống lĩnh. Bài thơ "Đề ở chùa Hoa Yên trên núi Yên Tử" cho thấy Nguyễn Trãi cũng thuộc Yên Tử hệt như Côn Sơn.
Sau Nguyễn Trãi, Thái Thuận biệt hiệu Lữ Đường, là một thành viên của hội thơ Tao Đàn nhị thập bát tú cũng đã viết về Yên Tử, hiện còn lại 2 bài thơ in trong tập "Lữ Đường thi di cảo" là "Lên núi Yên Tử" và "Đề ở am Vân Tiêu". Hơn 250 năm sau, khi đến với Hồ Thiên thuộc dãy Yên Tử, chúa Trịnh Cương cũng có bài thơ "Ngự chế Hồ Thiên tự thi" nghĩa là bài thơ làm ở chùa Hồ Thiên. Bài thơ này sau khi chúa tạ thế đã được khắc lại trên bia đá của chùa vào năm 1736.
Đi trong cõi thiên nhiên cây cỏ của Yên Tử, thi nhân đã tìm được nguồn thi hứng dồi dào. Bởi vậy, Yên Tử không chỉ là một danh sơn hùng vĩ và tươi đẹp mà còn là ngọn nguồn của thi ca. Và rõ ràng, so với văn xuôi thì thơ viết về Yên Tử có thế mạnh hơn nên chiếm đại đa số. Chỉ đến giai đoạn cuối văn học trung đại chuyển sang cận hiện đại thì những tác phẩm văn xuôi mới xuất hiện nhiều hơn.
Bước sang tận đầu thế kỷ XX, nhiều tác giả như: Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu, Vũ Ngọc Lâm, Nguyễn Trọng Thuật đã có bài viết theo thể tài du ký ghi chép về những chuyến du ngoạn Yên Tử, phác vẽ hiện thực cuộc sống người dân bản địa và cảnh quan thiên nhiên non thiêng đất Phật một thời. Những tác phẩm đó cho thấy một thời giao thông còn khó khăn, đường lên Yên Tử chủ yếu là lối mòn, quanh co trèo đèo vượt suối, thường phải mất cả tuần. Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu kể lại trong du ký "Hành trình chơi núi An Tử" (in trên Nam phong Tạp chí, 1926), trải qua sáu ngày du ngoạn Yên Tử.
Điểm qua một vài gương mặt văn học Việt Nam trung đại cũng đủ nhận ra rằng, Yên Tử là nguồn thiêng của văn chương. Đến với Yên Tử, hồn thơ bung nở thành những đóa hoa văn chương đẹp đẽ. Dù là nhà thơ có phong cách, theo trường phái nào thì trước Yên Tử, những tâm hồn vốn lắng đọng, nhiều suy tư, những trái tim giàu yêu thương nhân thế sẽ được dẫn dắt cảm hứng, nâng cánh thi ca.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()