Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:18 (GMT +7)
Y tế học đường- Cần những giải pháp tháo gỡ khó khăn
Thứ 5, 15/10/2020 | 08:12:17 [GMT +7] A A
Hiện nay, nhiều trường trên địa bàn tỉnh không còn nhân viên y tế trường học, mà chỉ có cán bộ kiêm nhiệm công tác này; đồng thời ký hợp đồng với trạm y tế tuyến xã để thực hiện công tác y tế trường học. Tuy nhiên, do bố trí người theo dõi về công tác y tế chưa hợp lý, nên y tế học đường ở nhiều trường khá khó khăn.
Trường PTDT bán trú TH-THCS Đồng Văn (Bình Liêu) có 544 học sinh, trong đó 226 học sinh ăn, ở bán trú và 23 học sinh tiểu học ăn bán trú trưa tại trường. Theo Hiệu trưởng Trịnh Khắc Đông, may mắn trường có nhân viên y tế, nên công tác y tế học đường rất thuận lợi. Ngoài chủ động những việc làm thường xuyên, việc xử lý những phát sinh như có học sinh bị thương do quá trình đùa nghịch hay phòng chống dịch bệnh trường học trong những đợt dịch cũng được kịp thời, hiệu quả hơn.
Nhân viên y tế Trường PTDT bán trú TH-THCS Đồng Văn (Bình Liêu) kiểm tra sức khỏe ban đầu cho học sinh của trường bị đau bụng. |
Tuy nhiên, không phải trường học nào cũng có nhân viên có trình độ y tế như ở Trường PTDT bán trú TH-THCS Đồng Văn. Ngay tại TP Hạ Long, chỉ 38/47 trường mầm non, 8/56 trường tiểu học có nhân viên y tế. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long, cho biết: Công tác y tế trường học rất vất vả, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa có học sinh bán trú, nội trú và trường tiểu học có tổ chức ăn bán trú. Hiện nay, do nhân viên phụ trách công tác y tế ở nhiều trường trên địa bàn không có trình độ chuyên môn y tế, nên đã giao về cho các trạm theo chương trình ký hợp đồng giữa nhà trường và trạm y tế tuyến xã. Nhưng lực lượng y tế các trạm mỏng, không thể bố trí nhân viên đến xử lý ngay những vấn đề phát sinh.
Theo Thông tư số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT giữa Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT về y tế trường học, người phụ trách công tác y tế trường học có nhiệm vụ khá nặng, như: Giám sát vệ sinh môi trường nước uống, nước sinh hoạt, công trình vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải; giám sát các điều kiện về an toàn thực phẩm; quản lý bảo vệ chăm sóc sức khỏe học sinh; phát hiện một số bệnh ở học sinh để xử trí, chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe; sơ cứu, cấp cứu cho học sinh; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh; hướng dẫn tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; triển khai các biện pháp chống dịch; tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe...
Nhân viên y tế Trường Mầm non thị trấn Quảng Hà (Hải Hà) kiểm tra sức khỏe về răng cho trẻ mầm non tại trường. |
Hằng năm, CDC tỉnh phối hợp cùng phòng y tế, trung tâm y tế, phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị duy trì thực hiện công tác y tế trường học. Các trường học trên địa bàn tỉnh duy trì thực hiện những quy định tại Thông tư liên tịch 13/TTLT/BYT-BGDĐT. Thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, đa số các trường không còn nhân viên y tế mà ký hợp đồng với trạm y tế tuyến xã để chăm sóc sức khỏe học sinh; đồng thời chỉ phân công cán bộ, nhân viên kiêm nhiệm thêm công tác y tế học đường.
Tuy nhiên, lực lượng nhân viên y tế trường học ngày càng ít đi. Năm học 2020-2021, toàn tỉnh chỉ còn 308/ 646 trường học có nhân viên y tế. 338 trường còn lại bố trí nhân viên là thủ quỹ, kế toán, nhân viên thư viện, thậm chí cả giáo viên phụ trách công tác y tế. Hiện nay, hầu hết các trường mầm non, tiểu học đều tổ chức cho học sinh ăn, nghỉ bán trú trưa tại trường nên việc giám sát sức khỏe của học sinh, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm cực kỳ quan trọng, đòi hỏi người phụ trách công tác y tế học đường phải có chuyên môn y tế. Nhưng thực tế, trong 162 trường tiểu học chỉ 32 trường có nhân viên y tế.
Cán bộ, nhân viên Trạm Y tế phường Hồng Hải, TP Hạ Long tổ chức khám sàng lọc để tiêm vắc xin phòng bệnh Bạch hầu, Uốn ván cho học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (TP Hạ Long). |
Mặc dù các trường cũng đã hợp đồng với các trạm y tế về công tác y tế học đường, tuy nhiên, do lực lượng y tế tuyến xã hiện nay cũng rất ít người nên việc phối hợp với các trường xử lý những tình huống phát sinh còn chậm trễ. Bản thân nhân viên các trạm không thể xuống các trường học giám sát thường xuyên mà chỉ mỗi năm được vài đợt. Do đó, các trường đều phải chủ động về công tác y tế học đường. Tuy nhiên, do không có trình độ chuyên môn nên khi xử lý các vấn đề phát sinh như chẳng may có học sinh bị thương, bị sốt đột ngột, cán bộ, nhân viên được phân công theo dõi công tác y tế rất lúng túng, thậm chí xử lý không đúng quy cách.
Qua những đợt dịch bệnh lớn, dịch bệnh nguy hiểm như Covid-19 càng cho thấy nhân viên y tế trường học có vai trò rất quan trọng đối với chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Mong rằng, vấn đề chuyên môn trong y tế trường học sẽ được các cấp, các ngành quan tâm, tháo gỡ, nhất là với những trường có học sinh nội trú, tổ chức ăn, nghỉ bán trú... để đảm bảo môi trường học đường luôn an toàn nhất đối với học sinh.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()