Bảy cảnh sát băng rừng, cột dây lội qua suối, rọi đèn trong màn sương dày đặc suốt đêm mới tìm thấy phượt thủ nằm co ro trong hốc đá.
22h17 ngày 28/1 (mùng 7 Tết), trực ban Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an quận Liên Chiểu nhận tin báo anh Bùi Xuân Huy, 27 tuổi, ngụ TP HCM, đi phượt bị trượt ngã, đa chấn thương ở bãi Sủng Cỏ dưới chân đèo Hải Vân, phường Hòa Hiệp Bắc.
Anh Huy nhắn tin cho người bạn ở TP HCM, gửi kèm bản chụp định vị nơi mình gặp nạn. Người bạn gọi điện báo cho anh trai nạn nhân, sau đó gia đình đã kết nối, nhờ Trung tâm chỉ huy 114 Công an Đà Nẵng tìm kiếm.
Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Liên Chiểu xuyên đêm tìm kiếm nạn nhân. Video: Công an cung cấp
Dù thông tin ban đầu còn mông lung, gọi điện cho nạn nhân không có tín hiệu, gọi cho anh trai nạn nhân không nghe máy, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an Liên Chiểu vẫn quyết định xuất xe chuyên dụng cùng 8 cán bộ, chiến sĩ đi cứu người.
Các chiến sĩ mang theo đèn pin, dây thừng, dụng cụ sơ cứu y tế, cáng cứu thương, nước lọc, mì tôm và một ít bánh kẹo Tết, đề phòng tìm kiếm người trong đêm tối sẽ kéo dài nhiều giờ. Chiếc xe xuyên màn đêm trực chỉ đèo Hải Vân trong mưa và gió lạnh, nhiệt độ ngoài trời chỉ 15-17 độ C.
Cư trú ở Hòa Hiệp Bắc, thượng úy Phan Thành Vương, 33 tuổi, được phân công dẫn đường. Muốn đi xuống Sủng Cỏ, nhóm cứu hộ phải vòng xe qua đỉnh đèo Hải Vân (địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế), rẽ vào một nhánh đường quốc phòng và theo lối mòn đi xuống phía biển ngược về Đà Nẵng.
Cảnh sát cứu hộ liên lạc với biên phòng Hải Vân để nhờ hỗ trợ bằng canô, nhưng do sóng lớn, phương tiện không thể di chuyển. Phương án duy nhất là đường bộ. Sau nhiều lần liên lạc với công an khu vực và biên phòng nhưng không có người thông thạo địa hình dẫn đường, cảnh sát phải mở định vị, so sánh với vị trí nạn nhân gửi để dò đường.
Anh Vương gọi cho chú ruột bên vợ là ông Đỗ Tấn Đấu, người thường ra Sủng Cỏ cạo rong mứt về bán, nhờ chỉ đường. Ông Đấu xung phong dẫn đường, nhưng vì bị khuyết tật chân, đi lại chậm chạp nên đành hướng dẫn qua điện thoại.
Nhờ ông Đấu giúp sức, nhóm cứu hộ tìm thấy ngã rẽ có cây bồ đề tán to che hết đường, dấu hiệu chỉ xuống Sủng Cỏ. Đi được vài trăm mét, xe chuyên dụng phải dừng lại vì đường đèo sạt lở, chỉ còn lối nhỏ dành cho xe máy. Một người ở lại trông ôtô, 7 người vác theo dây dù, đèn pin, dao đi rừng, thức ăn... tiếp tục hành trình tìm kiếm.
Đi bộ được chừng 5 km, anh Vương cùng đồng đội phát hiện xe máy tay ga biển TP HCM để bên đường. Để xác thực thông tin, cảnh sát gọi điện cho bạn của Huy, đọc kỹ biển số, mừng khi biết đó là xe của nạn nhân. Việc tìm kiếm từ đó không còn mông lung mà tập trung vào lối mòn từ chỗ xe máy xuống mép biển.
Trên đường đi, nhiều đoạn bị cây đổ chắn ngang, có đoạn qua ghềnh suối đá trơn trượt giữa trời mưa, nước lũ có thể tràn về bất ngờ. "Chúng tôi cử người có kinh nghiệm leo núi buộc dây dù ngang bụng để di chuyển trước, sau đó cố định dây để mọi người bám vào vượt qua", anh Vương kể. Trời Hải Vân mù mịt sương, rọi đèn pin chỉ thấy rõ ở khoảng cách chừng 4 m nên các chiến sĩ dàn thành hàng ngang, giữ cự ly gần nhau để khỏi lạc.
Đến khoảng 3h ngày 29/1, nhóm cứu hộ cách bờ biển khoảng 200 m thì gặp một vách đá đĩa cao ngang nhà hai tầng, nằm nghiêng chắn hết lối đi. Thiếu tá Nguyễn Văn Thạnh, Phó đội trưởng, đứng trên điểm cao, cầm đèn pin rà từ mép nước đến vách đá nhưng không có kết quả. Anh Thạnh sau đó dùng loa phóng thanh cầm tay gọi "Huy ơi! Huy ơi!". Đáp lại là âm "ớ ớ" yếu ớt vọng ra từ một hốc đá phía dưới.
Cảnh sát men theo vách đá đi xuống, thấy Huy khoác bộ áo mưa màu xanh, ngồi co ro trong hốc đá nhỏ, đôi tay nhăn nheo tím tái vì lạnh, nói không rõ tiếng. Quần và tay áo Huy đã thấm nước mưa. Trong balô mang theo của nạn nhân chỉ có một số đồ dùng cá nhân, không còn lương thực.
Bảy chiến sĩ vây quanh nạn nhân, người kiểm tra vết thương, phát hiện nhiều vết rách ngang dọc trên cánh tay trái và tiến hành sơ cứu. Người lấy nước pha thêm một chút bánh quy cho Huy uống. Người khác quấn thêm lớp chăn cho bớt lạnh.
Riêng anh Vương đi ra phía ghềnh đá giáp biển, tìm được chiếc nồi nhôm do những người đi cạo rong mứt bỏ lại, đem về nấu nước pha mì tôm cho Huy. Nhóm lửa giữa bãi đá trong đêm mưa không hề đơn giản. Anh Vương cùng đồng đội tìm nơi khuất gió, đi lượm những mảnh xốp dạt vào bờ biển để đốt, hong củi, chờ khi khói từ xốp bay hết mới bắc nồi nước lên để tránh khí độc.
Ăn được tô mì tôm nóng, Huy dần lấy lại sức và nói chuyện được. Nạn nhân cho biết bị trượt chân té ngã ở ghềnh đá khoảng mùng 3 Tết (24/1). Tay trái bị thương do mảnh sành cắt, vai trái và chân phải bị đau không thể di chuyển. Nhờ hốc đá che mưa và gió lạnh nên nạn nhân mới cầm cự được mấy ngày.
Để đưa nạn nhân về bờ, nhóm cứu hộ liên lạc với bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng hỗ trợ canô để di chuyển bằng đường biển. Trời vừa hửng sáng, canô neo tạm ngoài ghềnh đá Sủng Cỏ, các chiến sĩ cố định Huy lên cáng cứu thương, khiêng qua những viên đá bám đầy rêu trơn trượt.
Khi đến mép nước, anh Vương cùng đồng đội lội biển tiếp tục đưa cáng đến canô của biên phòng. "Lên được canô, ai cũng rét run, nhưng chúng tôi vui vì kịp cứu nạn nhân. Đó là trách nhiệm của chiến sĩ công an nhân dân", anh Vương nói.
Phượt thủ Huy được đưa về cảng sông Hàn lúc 6h30, chuyển vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng để băng bó vết thương ở cánh tay, sau đó chuyển lên Khoa Ngoại chấn thương. Đến ngày 30/1, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Sáng nay, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã thưởng nóng 5 triệu đồng cho Công an quận Liên Chiểu vì đã vượt khó, kịp thời cứu người bị nạn. Người thân của anh Huy đã đến đơn vị nhận lại căn cước công dân, xe máy và gửi lời cảm ơn đến nhóm cứu hộ.
Bãi Sủng Cỏ nằm dưới chân đèo Hải Vân, hướng ra vịnh Đà Nẵng. Đây là bãi biển biệt lập, còn hoang sơ, cách mép nước khoảng 200 m, địa hình hiểm trở nên được nhiều phượt thủ chọn để chinh phục.
Ý kiến ()