Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:02 (GMT +7)
Xuống lò, tìm bối cảnh cho phim
Chủ nhật, 21/05/2023 | 14:31:06 [GMT +7] A A
Là người làm báo, tôi đã có nhiều dịp xuống lò ở các mỏ khác nhau. Tuy nhiên, xuống lò để tìm bối cảnh làm phim kỷ niệm 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh như dịp vừa qua ở Công ty Than Hà Lầm thì đây là lần đầu tiên.
Cuộc hành trình mới mẻ
Do đã liên hệ công tác từ trước nên sớm tinh mơ, nhóm chúng tôi gồm Bùi Hoài Thanh (đạo diễn), Nguyễn Việt Hùng (quay phim, đạo diễn hình ảnh), Phạm Công Trình (biên kịch) và tôi đã có mặt ở Văn phòng Công ty. Từ đây, anh Thông, Phó Văn phòng đã đợi sẵn, đón tất cả lên mỏ. Từ trụ sở Công ty lên mỏ chừng 5km. Sau cơn mưa, con đường nhão bùn đất, có lẽ xe số sàn, gầm thấp đi sẽ vất vả. Nhà ăn của Công ty, buổi sớm, những công nhân đang trật tự lấy khẩu phần ăn tự chọn buổi sáng. Giao ca đầu giờ. Nhận quần áo, dụng cụ sản xuất. Tất cả được thực hiện theo một dây chuyền của sản xuất công nghiệp như được lập trình sẵn.
Chúng tôi được bố trí đi ca một xuống lò cùng với thợ lò của Công ty CP Than Hà Lầm. Điểm đến là Công trường mặt bằng +75. Trước khi vào lò, theo quy định, chúng tôi được anh cán bộ phụ trách an toàn đi cùng truyền đạt những kiến thức về an toàn khi xuống lò tác nghiệp. Phạm Công Trình cho biết, đây là lần đầu tiên anh được trải nghiệm thế này, do đó Trình nhanh chóng ghi chú những thông tin cần thiết. Nào là thời điểm xe đón lên khai trường, ăn sáng ra sao, giao ca đầu giờ thế nào, rồi anh em di chuyển xuống lò ra sao. Tất cả với Trình đều mới mẻ hấp dẫn. Tôi nhìn ra sự háo hức trong ánh mắt của anh khi đợi ở cửa lò.
Trước khi xuống lò, anh Trần Văn Thế, Phó Trưởng phòng An toàn, Công ty CP Than Hà Lầm, đã đưa cho chúng tôi mỗi người một thanh sắt thiết kế rất đặc biệt. Tôi chưa hiểu gì thì được anh giải thích cứ cầm đi lát nó sẽ là người bạn đường hỗ trợ cho việc vào lò đỡ mỏi mệt.
Chúng tôi xuống lò mức -300 bằng cái mà các anh quen gọi là "thùng cũi". Thực ra, đây là hệ thống giếng đứng được thiết kế như thang máy 2 tầng để vận chuyển người, thiết bị lên xuống vận chuyển đất đá và than lên mặt đất. Anh Thế hạ cái xích sắt xuống và cuộc du hành vào lòng đất với thùng cũi bắt đầu. Nhìn anh làm, tôi xem như thể ngày xưa bà tôi hạ cái rèm mành bằng tre ở cửa xuống sau khi đón khách vào nhà. Thùng cũi càng xuống sâu thì nước ngầm càng nhiều. Nước róc rách trên nóc. Nước rơi cả vào vai áo vào mũ lò. Nước rơi càng mau như thể mưa rào mùa hạ. Tôi phải khom người để che chiếc máy ảnh vào bụng sợ nước làm ẩm máy không chụp được.
Khoảng chưa đầy chục phút thì thùng cũi đến sân ga. Đây là khoảng rất rộng hai bên sáng trưng như thành phố dưới lòng đất. Trước và sau nhà ga đều có hệ thống đường ray để cho xe goòng di chuyển ra vào thùng cũi. Trên cao có một công nhân vận hành đang túc trực để điều khiển hệ thống xe gòng và thùng cũi hai tầng. Từ sân ga giếng đứng chúng tôi đi bộ ở đường lò vận tải hay còn gọi là lò cái tầm vài chục mét là đến lối vào lò chợ. Lối lên lò chợ dốc đứng từ mức -300 đi ngược lên gọi là thượng ở mức -175. Quãng đường dốc đứng bậc đá rất khó đi. Đường đi được thiết kế bên trái sát vách lò.
Hai bên vách lò tôi nghe tiếng gì như tiếng ve sôi ồn ào. Anh Thế giải thích rằng đó là tiếng của hệ thống hơi bơm từ trên xuống. Hơi đó xuống lò để sử dụng cho hệ thống khoan. Áp lực đẩy hơi trong đường ống sẽ sinh ra tiếng động như thể ve kêu. Tôi nghe anh Thế nói mới nghiệm ra rằng, mà cũng đúng thôi chứ ở dưới lò nóng bức thế này thì mùa nào chả là mùa hè. Đi ca nào cũng là đi giữa đêm hè. Dù sao thì tiếng ve sôi ồn ào ấy cũng làm cho công việc của những người thợ lò quanh năm làm việc dưới âm phủ bớt đi phần tẻ nhạt. Và việc đưa nhịp điệu lao động sản xuất của người thợ lò vào phim cũng là cách thi vị hóa cuộc sống vất vả nặng nhọc của những người đang khơi dòng than cho Tổ quốc.
Ngang hông chúng tôi có hệ thống dây cáp tời chạy đều đều với tốc độ tương đương nhịp bước chân. Lúc này, tôi mới nhớ đến thanh sắt mình mang theo từ trên mặt đất. Anh Thế làm trước cho chúng tôi làm theo. Anh móc cái ngoằm ở đầu thanh sắt vào sợi cáp rồi bẻ ngang nó xuống. Rồi một tay bám vào thanh sắt. Chân thì bước lên bậc đá hướng lên lò thượng. Tôi làm theo anh, quả nhiên bước chân thấy nhẹ hơn rất nhiều.
Đào... những ý tưởng
Càng vào sâu trong đường lò không khí càng loãng. Gió cũng ít đi và hơi nước thì nhiều lên. Thời tiết nóng bức làm mặt ai nấy ướt đẫm mồ hôi lẫn bụi than đen nhẻm.
Mấy anh làm phim cứ đi được độ chục bậc leo dốc là lại phải ngồi xuống nghỉ vì mệt không chịu nổi. Chúng tôi đi mà không dám ngoái lại chỉ sợ bước trượt là tuột dốc không phanh. Anh Thế và một cán bộ kỹ thuật nữa phải đi kèm chúng tôi. Đảm bảo an toàn cho mọi người là nhiệm vụ số một của các anh lúc này.
Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc hình ảnh, bảo rằng, anh đã quay phim ở những vị trí trên cao khó khăn vất vả. Những đỉnh núi cao nhất ở Đông Nam Á này anh Hùng đều đã đi cả rồi. Nhưng đây là lần đầu tiên anh vào lò. Càng chứng kiến cái sự mệt nhọc đi đường này anh càng nể phục những người thợ. Họ đi trước anh cứ phăm phăm như trên đường bằng. Chỉ một loáng họ đã bỏ xa chúng tôi. Chúng tôi đi chậm vì một phần đường đi vất vả lại không quen đi lò, phần vì vừa đi vừa quan sát ghi chép lấy chất liệu cho phim.
Anh Hùng lắc đầu bảo, chúng ta vào thực tế để lấy chất liệu thôi chứ không thể quay phim ở vị trí này được. Lý do đưa ra là những chất liệu ở vị trí này rất quý rất sinh động nếu đưa vào kịch bản. Tuy nhiên, không thể đưa cả ê-kíp mấy chục con người vào vị trí đó được. Hàng tấn máy móc thiết bị mang vác lên sao nổi. Đến đi bộ người không cũng đã thở ra bằng tai rồi. Chưa kể vị trí tác nghiệp chật chội chỗ nào mà kê máy móc. Rồi việc tác nghiệp của ê kíp có đảm bảo an toàn hay không, có ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất than của thợ lò không. Nói chung, là hàng tá câu hỏi khó được đặt ra cho người phụ trách hình ảnh.
Chỉ mấy ông viết lách là thích bởi có khi cả đời mới được xuống lò như thế này một lần. Biên kịch Phạm Công Trình cố quan sát xung quanh ghi nhớ trong đầu rồi ghi chép lại cẩn thận từng tí một. Đối với người sáng tác thì đi tìm mỗi chi tiết mỗi câu chuyện trong lò này hệt như người thợ lò đi khai phá những vỉa than mới. Và trên hành trình đi tìm vỉa mới không có chỗ cho những bước chân lười nhác. Tìm được vỉa chữ như tìm được vỉa than cũng phải đào bới phải chuyển tải, phải sàng, phải tuyển, phải rửa, phải phân loại rồi sắp xếp. Làm ra thì có loại làng nhàng loại trung bình lại có thứ hảo hạng. Thứ tốt mới xuất khẩu được. Loại làng nhàng thì bán trong nước. Nếu đào phải xít tuyển lựa không cẩn thận than không chọn đi chọn xít thì cả mớ đốt lên chỉ khói um. Viết văn cũng vậy. Cũng vỉa đấy nhưng người này đi thì có tác phẩm hay người khác đi thì tác phẩm không hay. Có người đi rạc chân mà không đứa con tinh thần thì vẫn chỉ ở dạng hoài thai, ờ thì tương lai và mãi mãi không hoàn thành.
Anh Thế như hiểu được câu chuyện nên rất chia sẻ với anh em đoàn làm phim. Anh kể đã đưa nhiều đoàn quay phim xuống lò Hà Lầm nhưng tất cả những lần ấy đều là quay chương trình truyền hình hoặc là phim tài liệu chứ chưa từng có phim truyện điện ảnh hay phim truyền hình nào được quay ở đây.
Vậy thì phải quay ở đâu?. Địa điểm được chọn là cái lò vận tải. Nơi đó rộng rãi thoáng mát như hầm đường bộ Hải Vân. Thoải mái kê thiết bị. Thoải mái để diễn viên thể hiện và ít ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của thợ lò. Nhưng còn diễn viên quần chúng và hoạt động sản xuất thì làm thế nào?
Anh Hùng bảo với tôi rằng cái đó không khó. Anh bố trí được hết. Chỉ cần đưa một nhóm thợ về đây thao tác công việc nào đó của họ là được, sao cho phim làm xong khán giả vẫn cảm nhận được đây là lò than. Kia là người thợ đang làm việc. Cái không khí dưới lò này thì đặc trưng rồi chả ai làm giả cho được. Nhìn vào là khán giả sẽ thấy ngay người thợ đang làm việc hăng say.
Điều đáng nói hơn nữa là bộ phim các anh chuẩn bị bấm máy có đến hơn một phần ba là nội dung nói về ngành Than và người thợ mỏ. Bộ phim này là sản phẩm tinh thần, sản phẩm văn hóa đặc sắc chào mừng 60 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh. Mà nói đến Quảng Ninh là nói đến hòn than và người thợ mỏ. Ở nơi khai trường hay ở dưới hầm sâu trên mỗi tấc đất Vùng mỏ thân thương này, hòn than luôn lấp lánh sắc màu. Chỉ có điều những người nghệ sĩ có con mắt xanh để nhìn ra thứ ánh sáng lấp lánh đó và khai thác nó như thế nào thôi.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()