Bốn tuần sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel ngày 7/10 và chiến dịch đáp trả mạnh mẽ của Tel Aviv vào Dải Gaza, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải chịu sức ép ngày một lớn. Họ phải tìm cách duy trì ủng hộ với đồng minh truyền thống Israel, nhưng cũng cần kiềm chế các hành động quân sự tàn khốc có thể gây khủng hoảng nhân đạo tồi tệ ở Gaza.
Áp lực càng lớn hơn khi làn sóng phẫn nộ quốc tế gia tăng, đặc biệt là các đồng minh Arab của Mỹ, đối với thương vong và thảm cảnh của dân thường dưới làn bom đạn ở Dải Gaza.
Trong 10 ngày qua, chính quyền ông Biden đã thúc giục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý "tạm ngừng nhân đạo" trong vài ngày để tạo điều kiện đưa hàng viện trợ vào Dải Gaza, cũng như giúp Hamas và các nhóm vũ trang đồng minh có thời gian kiểm đếm hơn 240 con tin mà họ đang giam ở nhiều địa điểm khác nhau.
Giới chức Mỹ nói rằng các cuộc thảo luận giải cứu con tin vẫn tiếp tục với Qatar đóng vai trò trung gian đàm phán với Hamas. Nhưng họ không thể tiếp tục đàm phán về điều kiện thả con tin nếu Israel không ngừng tấn công vào Gaza.
Mỹ hy vọng mối quan hệ đồng minh thân thiết cùng khoản hỗ trợ an ninh 3,8 tỷ USD mỗi năm sẽ đủ sức thuyết phục các lãnh đạo Israel chấp nhận phương án này. Tuy nhiên, Thủ tướng Netanyahu ngày 3/11 tuyên bố Israel không đồng ý "tạm ngừng" theo lời kêu gọi từ Washington và nhiều bên khác, nếu Hamas chưa thả con tin tại Dải Gaza.
Điều kiện này của Israel khiến mọi thứ đi vào ngõ cụt, bởi Hamas tuyên bố họ không thể kiểm đếm và trao trả con tin nếu quân đội Israel không ngừng các cuộc không kích, tấn công liên tiếp.
"Lịch sử đã nhiều lần chỉ ra các tổng thống Mỹ không có nhiều đòn bẩy với Israel như họ tưởng", nghị sĩ Seth Moulton, thành viên đảng Dân chủ bang Massachusetts, nói.
Jon Finer, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã tranh luận trong chương trình Face the Nation của CBS ngày 5/11 rằng Washington đang sử dụng ảnh hưởng của mình với Tel Aviv một cách âm thầm. "Chúng tôi thiết lập các đảm bảo an ninh để sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ quốc gia nào, kể cả Israel", ông nói.
Nhưng ở phương diện công khai, lời từ chối thẳng thừng của ông Netanyahu được coi như một gáo nước lạnh dội vào nỗ lực duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông. Khi gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Amman, Jordan một ngày sau đó, các ngoại trưởng Arab đã bày tỏ thất vọng sâu sắc rằng Washington không thể tác động đến Tel Aviv để đạt thỏa thuận tạm ngừng vì lý do nhân đạo.
"Cuộc họp của các ngoại trưởng ở Jordan là lời cảnh tỉnh cho tất cả. Mọi người đều mong Mỹ có thể gây sức ép với Israel về động thái tạm ngừng nhân đạo, nhưng nó có vẻ khó khăn hơn dự kiến", một nhà ngoại giao Trung Đông biết về các cuộc thảo luận cho hay.
Trong nỗ lực ngoại giao mới nhất ở Trung Đông, ông Blinken đã cố trấn an các lãnh đạo khu vực rằng Mỹ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào ép buộc thường dân Gaza phải di dời tới Ai Cập, trong khi Israel tiến hành chiến dịch chống Hamas. Sau khi ông Blinken gặp Thủ tướng Iraq ngày 5/11, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai bên đã thảo luận về "sự cần thiết để đảm bảo người Palestine không bị buộc phải rời Gaza".
Ngay sau cuộc đột kích của Hamas đầu tháng trước, Tel Aviv để ngỏ ý tưởng chuyển hơn hai triệu người Gaza tới bán đảo Sinai của Ai Cập. Chính quyền ông Biden đã bác bỏ ý tưởng này, theo các nhà ngoại giao Trung Đông và châu Âu.
Tại cuộc họp báo tại Amman, ông Blinken cùng Ngoại trưởng Jordan và Ai Cập công khai thể hiện bất đồng về tương lai Gaza, khi Mỹ từ chối kêu gọi Israel ngừng bắn ngay lập tức vì cho rằng điều đó chỉ giúp Hamas có thêm thời gian củng cố lực lượng.
Trước sức ép lớn của dư luận, Tổng thống Biden ngày 6/11 điện đàm với Thủ tướng Netanyahu và tiếp tục đề nghị Israel "tạm ngừng chiến thuật" các cuộc tấn công, theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby.
"Đây là điều chúng tôi vẫn tích cực thảo luận với các đối tác Israel. Bạn có thể kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ ngừng bắn cục bộ và tạm thời trong cuộc xung đột này", ông Kirby nói.
Chính quyền ông Biden viện dẫn những bài học xương máu của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan để cố thuyết phục Israel rằng một chiến dịch quân sự có quy mô hạn chế sẽ hiệu quả hơn và giúp giảm áp lực từ cộng đồng quốc tế.
Nhưng Israel đến nay vẫn không thay đổi quan điểm. Tel Aviv hiện quan tâm nhiều hơn tới chiến dịch tấn công mà họ tuyên bố là đang "siết thòng lọng" xung quanh Hamas.
Chính quyền ông Biden trong khi đó lo lắng về những tác động chính trị của cuộc chiến ở Gaza và phản ứng quốc tế đối với hoàn cảnh của dân thường Palestine, theo Aaron David Miller, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế tại Mỹ.
Chính quyền ông Biden cũng cho thấy họ không thể tạo ra bất kỳ đồng thuận nào về thỏa thuận cho tương lai Gaza nếu Israel đánh bại Hamas trên chiến trường, theo giới quan sát.
Dù Israel muốn các nước Arab tham gia thiết lập và tài trợ cho một cơ quan quản lý Dải Gaza trong tương lai, các quốc gia này nhiều khả năng sẽ từ chối việc phải giải quyết hậu quả cho những hành động quân sự của Israel, theo một nhà ngoại giao châu Âu.
Các cường quốc phương Tây ủng hộ mục tiêu chống Hamas của Israel và muốn thấy các đối tác Arab đóng góp vai trò trong thỏa thuận tương lai. Tuy nhiên, họ cũng hiểu lý do các nước Arab không muốn làm điều đó, theo nhà ngoại giao này.
Ngoại trưởng Jordan Ayman al-Safadi nói rằng các giải pháp chính trị khả thi cho Gaza không thể được thảo luận khi bom đạn vẫn rơi trên dải đất của người Palestine. "Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Chúng ta cần thẳng thắn đưa ra các ưu tiên của mình", ông nói.
Sau khi ông Blinken rời Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/11, một quan chức cấp cao ở Ankara đã chỉ ra làn sóng phẫn nộ trong khu vực với chiến dịch của Israel, cáo buộc Washington trao cho Tel Aviv "quyền miễn trừ trách nhiệm hoàn toàn" với những hành động gây thương vong lớn cho dân thường.
Ngoại trưởng Blinken cũng thừa nhận ông đã chưa thể hoàn thành công việc thuyết phục Israel tạm ngừng chiến dịch. Tuy nhiên, ông nói rằng ngoại giao của Mỹ đang tiến hành trên nhiều mặt trận và các cuộc thảo luận của ông ở Trung Đông nhằm đảm bảo xung đột không lan sang các nước khác.
"Những điều tồi tệ không xảy ra có thể không phải là bằng chứng rõ ràng nhất về những tiến bộ đạt được, nhưng đôi khi nó đúng là như vậy", ông nói.
Ý kiến ()