Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:38 (GMT +7)
Xứng đáng với niềm tin của nhân dân
Thứ 6, 21/05/2021 | 08:19:12 [GMT +7] A A
Nhiệm kỳ qua, mặc dù có nhiều biến động, khó khăn, thách thức, song các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XIV đã đoàn kết, tâm huyết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, từng thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát huy vai trò người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo được niềm tin đối với cử tri, góp phần vào thành công chung của Quốc hội khóa XIV, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Khẳng định vai trò người đại biểu nhân dân
Bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV đã phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của các đại biểu phối hợp với bộ, ngành, cấp uỷ chính quyền địa phương, đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, bám sát tình hình cử tri để tổ chức hoạt động đạt nhiều kết quả. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, nhận định: Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh là một trong những đoàn đại biểu mạnh của Quốc hội, không có phiên nào, kỳ họp nào là không có sự tham gia phát biểu, đóng góp ý kiến của các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri của Đoàn Quảng Ninh có nhiều đổi mới, đạt kết quả cao, là kinh nghiệm để các đoàn đại biểu khác học tập, đúc rút kinh nghiệm từ những minh chứng thực tiễn của Quảng Ninh.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh trong nhiệm kỳ qua phải kể đến việc tham gia công tác lập pháp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, là pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, hợp tác quốc tế. Việc lấy ý kiến tham gia vào các dự án luật đã được Đoàn tổ chức bằng nhiều hình thức như: Lấy ý kiến bằng văn bản, tham gia hội nghị, hội thảo, giám sát thực tế, đặc biệt là lấy ý kiến của các chuyên gia nhà khoa học, sở, ban, ngành, địa phương.... Vì vậy, tại các kỳ họp Quốc hội khóa XIV, nhiều ý kiến tham gia đóng góp xây dựng pháp luật của Đoàn ĐBQH tỉnh với những lập luận sắc sảo, có cơ sở lý luận, khoa học, thực tiễn, nhiều ý kiến được Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp thu, ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó có 28 luật được Quốc hội thông qua như: Luật Đầu tư theo hình thức công tư; Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Luật Lao động sửa đổi; Luật Quản lý thuế sửa đổi...
ĐBQH tỉnh khóa XIII, khóa XIV Đỗ Thị Lan, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chia sẻ: Nêu cao trọng trách trước cử tri, tại các kỳ họp của Quốc hội, tôi đã thẳng thắn chất vấn những vấn đề mà cử tri Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung quan tâm tại phiên chất vấn trong mỗi kỳ họp và đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều kiến nghị đã được Chính phủ quan tâm giải quyết. Như trong Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, ngay sau phiên chất vấn, Quốc hội đã đưa vào nghị quyết và đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể về nội dung đầu tư kè biên giới tại tỉnh Quảng Ninh, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều ý kiến đề xuất đóng góp của tôi cũng đã được Quốc hội tiếp thu, điều chỉnh trong các dự án luật như: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đầu tư công tư…
Không những vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều đổi mới trong hoạt động giám sát thực hiện chính sách pháp luật trong các lĩnh vực, tập trung ở các cuộc giám sát do đoàn tổ chức cũng như các cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các ủy ban Quốc hội. Đáng chú ý, 14 cuộc giám sát do Đoàn tổ chức trong nhiệm kỳ qua đều tập trung vào vấn đề lớn, nội dung nhạy cảm được nhiều cử tri quan tâm. Qua giám sát đã phát hiện nhiều hạn chế, bất cập, trong cơ chế, chính sách của Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh. Trên cơ sở đó, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về thực hiện các chính sách trên địa bàn. Một trong cuộc giám sát hiệu quả là về thực hiện chính sách pháp luật, bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Đối với hoạt động địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh luôn gắn bó với các uỷ ban của Quốc hội, phục vụ các cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội để làm rõ những vấn đề mà tỉnh Quảng Ninh đi trước đón đầu và thể hiện kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì lẽ đó mà nhiều chính sách, cơ chế đã được đúc rút từ thực tiễn của Quảng ninh, góp phần hoàn thiện sửa đổi hệ thống chính sách pháp luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh còn tham gia nhiều đoàn giám sát, khảo sát do Quốc hội, các uỷ ban Quốc hội tổ chức tại Quảng Ninh và những hoạt động tối cao tại kỳ họp Quốc hội. Qua đó, kịp thời đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc, điều chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước thực sự đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tâm huyết, trách nhiệm với cử tri
Phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước cử tri, tại nghị trường Quốc hội, các ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần chất vấn Chính phủ, thành viên Chính phủ những nhóm vấn đề cử tri quan tâm, tập trung vào khó khăn của ngành Than trong sản xuất, tiêu thụ; biện pháp giải quyết các dự án chậm tiến độ; chính sách thuế, phí và phát triển doanh nghiệp; nguồn thu ngân sách, hoàn thiện thể chế theo hình thức đầu tư BOT đối với các dự án… và đã được các bộ, ngành, cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo.
Điển hình như đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh về việc sớm quan tâm đầu tư các tuyến kè biên giới. Sau khi nội dung này được ĐBQH tỉnh chất vấn các thành viên Chính phủ tại nghị trường, Quốc hội đã ghi nhận, chỉ đạo một số giải pháp tại Nghị quyết 135/2020/QH14 Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, lưu ý bố trí vốn cho một số dự án phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển; gia cố hệ thống đê sung yếu, kè sông biên giới; giao Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tỉnh, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội khoá XV xem xét quyết định. Không những vậy, các nội dung chất vấn của ĐBQH tỉnh Quảng Ninh về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục; bố trí người làm công tác trẻ em ở cấp xã... cũng đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và các tư lệnh ngành tiếp thu trả lời bằng văn bản, qua đó được cử tri nhân dân đánh giá cao… Có thể thấy, những nội dung tranh luận, đối thoại trực tiếp tại nghị trường đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của các ĐBQH tỉnh, chứng tỏ hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh ngày càng sâu sát thực tế, đáp ứng mong đợi của cử tri.
Điểm nhấn trong kết quả đổi mới phương thức hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XIV còn phải kể đến việc đổi mới tổ chức 237 cuộc tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có 227 cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ và 10 cuộc chuyên đề, với gần 50.000 lượt cử tri tham dự. Hoạt động tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh được quan tâm, có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh và chính quyền địa phương để đảm bảo thực chất, hiệu quả, được cử tri đồng tình, đánh giá cao, giúp ổn định trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo điều kiện phát triển KT-XH củng cố niềm tin giữa cử tri với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử và chính quyền các cấp trên địa bàn. Nhiều ĐBQH đã thực hiện tiếp xúc cử tri tại xã, thôn bản địa bàn vùng khó khăn, hải đảo, miền núi, biên giới; tăng cường tiếp xúc trực tiếp với người dân, người lao động… Thông qua đó, hàng trăm lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri đã kịp thời chuyển đến UBND, đến các cơ quan Trung ương xem xét trả lời thỏa đáng và nhận được sự đánh giá cao của cử tri, nhân dân trên địa bàn.
Cử tri Phạm Ngọc Sơn, phường Hà Tu, TP Hạ Long, chia sẻ: Các vị ĐBQH tỉnh đã mang đến nghị trường Quốc hội những vấn đề mà cử tri chúng tôi quan tâm, vấn đề nóng trong cuộc sống. Qua đó được Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương quan tâm giải quyết. Cử tri chúng tôi rất yên tâm, phấn khởi.
Có thể nói, tất cả các ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh rất sâu sát và đáp ứng chuyển tải đầy đủ nội dung tâm tư, nguyện vọng của nhân đân trên tất cả các lĩnh vực. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, đoàn ĐBQH tỉnh đã tổng hợp 292 nhóm kiến nghị gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan Trung ương; 248 kiến nghị gửi tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, 100% kiến nghị tại tỉnh đã được giải quyết; hầu hết các ý kiến, kiến nghị tại Trung ương đã được các cơ quan quan tâm.
Đồng chí Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ĐHQH tỉnh, khẳng định: Những năm qua, các ĐBQH tỉnh đã làm tròn trách nhiệm của một đại biểu nhân dân, đóng góp tích cực, hiệu quả thiết thực vào việc phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và đất nước nói chung. Đoàn ĐBQH Quảng Ninh cũng đã bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phát huy trí tuệ, kinh nghiệm của từng ĐBQH, nắm sát tình hình cử tri nhân dân để tổ chức hoạt động đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả chung của Quốc hội cả nước, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.
Với Đoàn ĐBQH tỉnh, đây là nhiệm kỳ thành công để lại nhiều dấu ấn tại Quốc hội cũng như sự tin tưởng của cử tri. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đang dần khép lại, một nhiệm kỳ Quốc hội mới sắp mở ra. Ngày 23/5/2021 tới đây, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ trở thành ngày hội của toàn dân. Cùng với cả nước, mỗi công dân Quảng Ninh tham gia bầu cử lần này không chỉ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, mà còn thể hiện niềm tin vào Đảng, Nhà nước, Quốc hội, đặt kỳ vọng vào tương lai tươi đẹp hơn của đất nước, địa phương mình. Mỗi lá phiếu của cử tri mang theo sứ mệnh cao cả là góp phần tiếp tục đổi mới phương thức và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu ngày càng giàu đẹp, văn minh, cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ.
Trúc Linh
Liên kết website
Ý kiến ()