Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:37 (GMT +7)
Xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri
Thứ 3, 21/02/2023 | 15:49:38 [GMT +7] A A
Ngày 21/2, tại TP Hạ Long, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023.
Trong khuôn khổ hội nghị, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã ghi lại những ý kiến tâm huyết, chia sẻ kinh nghiệm đạt được trong hoạt động của HĐND của các địa phương.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn: Chủ động tham mưu cấp ủy trong công tác chỉ đạo hoạt động của HĐND các cấp
Thực hiện sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, HĐND các cấp TP Hà Nội đã được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng hiệu quả, phát huy và nâng cao vai trò cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 15/ĐA-TU (ngày 12/5/2022) về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026, gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại TP Hà Nội. Đây là cơ sở quan trọng để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vị thế, vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp ở thành phố trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án, Thường trực HĐND thành phố ban hành Chương trình hoạt động của HĐND thành phố; có các văn bản để định hướng hoạt động cho các tổ đại biểu HĐND thành phố, HĐND các quận, huyện trong đảm bảo thực hiện hoạt động giám sát. Theo tổng hợp báo cáo, cũng như việc theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND thành phố, đến nay 100% ban, tổ đại biểu HĐND thành phố, Thường trực HĐND, các ban, tổ đại biểu HĐND cấp huyện nghiêm túc thực hiện xây dựng và ban hành kế hoạch giám sát.
Trong năm 2022, bên cạnh xây dựng và ban hành quy trình tổ chức kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND thành phố đã chỉ đạo các ban HĐND rà soát, xây dựng quy trình thẩm tra của các ban HĐND thành phố và chủ động tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, phối hợp tốt, nhằm quy chuẩn hóa, nâng cao chất lượng tổ chức kỳ họp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm tra của các ban HĐND.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng: Đổi mới quy trình, thủ tục, nội quy hoạt động của HĐND
Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định của pháp luật có liên quan, ngay từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định đã cụ thể hóa các quy định của pháp luật và ban hành 17 quy chế, quy trình, nội quy để làm cơ sở triển khai, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định.
Kế thừa những kết quả, kinh nghiệm đạt được của nhiệm kỳ trước, nhằm tiếp tục cải tiến nội dung, đổi mới cách thức hoạt động đảm bảo chất lượng và hiệu quả, Thường trực HĐND tỉnh Bình Định ban hành một số quy trình, thủ tục, như: Quy trình tiếp nhận đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc văn bản quy phạm pháp luật; quy trình thẩm tra của các ban HĐND tỉnh đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp HĐND tỉnh; quy trình giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh; quy trình thỏa thuận của Thường trực HĐND tỉnh với UBND tỉnh trong thời gian giữa 2 kỳ họp đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Thường trực HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Các quy chế, quy định, quy trình, thủ tục, nội quy Thường trực HĐND ban hành đã góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong quá trình hoạt động, rõ nhất là qua triển khai quy trình tiếp nhận đề nghị xây dựng và ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh thuộc văn bản quy phạm pháp luật và quy trình thẩm tra của các ban đối với các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp HĐND tỉnh, cơ bản đã khắc phục được tình trạng chậm trễ trong việc gửi dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án, tờ trình trình tại kỳ họp. Qua đó, các ban HĐND tỉnh có nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu và tổ chức khảo sát thực tế để có cơ sở thẩm tra tốt hơn.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan: Chủ động phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát
Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nghiêm túc, trách nhiệm phối hợp với các đoàn giám sát của Quốc hội trong thực hiện các chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến Thường trực HĐND, các ban HĐND, tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.
Đối với nội dung giám sát, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao HĐND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức giám sát và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát. Ngay sau khi nhận được kế hoạch giám sát, Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát ngay từ giai đoạn thành lập đoàn giám sát và xây dựng kế hoạch giám sát; điều hòa bảo đảm cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực; điều hòa đối tượng giám sát tại các cơ quan, đơn vị và địa phương; hạn chế tối đa trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời gian, địa điểm giám sát.
Đối với nội dung giám sát chuyên đề có tính chuyên môn cao, Thường trực HĐND tỉnh giao các ban HĐND tổ chức giám sát và báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để xây dựng và gửi báo cáo kết quả đến Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; những vấn đề nóng được đưa vào thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái Tạ Văn Long: Tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của HĐND
Tiếp tục phát huy hiệu quả của kỳ họp không giấy, tài liệu các kỳ họp được các cơ quan soạn thảo gửi sớm qua ứng dụng họp HĐND tỉnh trên máy tính cá nhân của các đại biểu HĐND tỉnh và thông qua quét mã QR-Code để đại biểu có thời gian nghiên cứu sâu, lựa chọn những vấn đề cần thảo luận tại kỳ họp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các kỳ họp, đồng thời giảm chi phí in, phô tô, phát hành tài liệu.
Đến nay, 100% HĐND cấp huyện và nhiều HĐND cấp xã của Yên Bái đã triển khai kỳ họp không giấy tại các kỳ họp HĐND. Các phiên khai mạc, phiên chất vấn và bế mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài PT-TH tỉnh (chiếm 50% thời gian kỳ họp), thu hút đông cử tri và nhân dân theo dõi. Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về hoạt động của HĐND tỉnh trên trang thông tin điện tử của HĐND tỉnh, Báo Yên Bái, Đài PT-TH tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được: Đổi mới, nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh
Để nâng cao chất lượng kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Long An đã chú trọng ban hành các nghị quyết đảm bảo chất lượng, khả thi. Trong đó, chủ động chỉ đạo xây dựng Chương trình ban hành nghị quyết toàn khóa, hằng năm, trình HĐND tỉnh xem xét thông qua, để chủ động trong công tác chuẩn bị, phối hợp từ sớm, từ xa với các cơ quan có liên quan; phân công các ban của HĐND tỉnh chủ động nghiên cứu các chính sách, pháp luật, mô hình hay và nắm bắt thực tế đời sống địa phương để sẵn sàng tham gia chuẩn bị nội dung kỳ họp; có kế hoạch, lộ trình chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành thẩm tra.
Trước kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp ý kiến cử tri, ý kiến thảo luận tổ liên quan đến dự thảo nghị quyết gửi đến UBND tỉnh và cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nghị quyết để có nhiều thời gian nghiên cứu, tiếp thu giải trình đầy đủ, thỏa đáng. Tại kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh chỉ tổng hợp các vấn đề còn có ý kiến khác nhau và những nội dung mới bổ sung, cập nhật chưa được thảo luận tại cụm để gợi ý, đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường sau khi UBND tỉnh và cơ quan liên quan có báo cáo tiếp thu, giải trình.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích: Nâng cao chất lượng thẩm tra báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết của các ban HĐND tỉnh
Đổi mới và nâng cao chất lượng kỳ họp HĐND tỉnh là yêu cầu khách quan, mục tiêu quan trọng thường xuyên đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh. Chất lượng ban hành các nghị quyết chính là yếu tố quyết định thành công của các kỳ họp, trong đó hoạt động thẩm tra là cơ sở phản biện quan trọng để đại biểu HĐND thảo luận và quyết nghị.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết về chương trình giám sát của HĐND tỉnh, chương trình công tác của Thường trực và các ban của HĐND tỉnh hằng năm. Trên cơ sở đó, các ban chủ động xây dựng kế hoạch công tác năm và phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên ban. Ngay sau mỗi hội nghị liên tịch chuẩn bị cho kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh chỉ đạo chuẩn bị nội dung báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho chủ trương về nội dung, chương trình kỳ họp, nhất là các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách... thuộc thẩm quyền trước khi trình HĐND tỉnh để đảm bảo công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của chính quyền cấp tỉnh. Đồng thời, thống nhất rõ thời hạn để UBND tỉnh và các cơ quan chức năng gửi tài liệu theo đúng quy định pháp luật.
Để các ban thực hiện tốt công tác thẩm tra, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh trong quá trình chuẩn bị kỳ họp và chỉ đạo, điều hòa các ban HĐND để việc thẩm tra đạt được hiệu quả cao nhất. Với sự đổi mới trong quy trình thẩm tra trên cơ sở bám sát quy định của pháp luật, các báo cáo thẩm tra của các ban HĐND tỉnh ngày càng có chất lượng, khẳng định được sự cần thiết, có căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền của HĐND tỉnh trong việc thông qua các dự thảo nghị quyết, đề án.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Vũ Ngọc Trì: Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri
Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh Thái Bình ngày càng được quan tâm và có nhiều đổi mới. Năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ tỉnh, Thường trực HĐND huyện, thành phố, tổ chức thành công 4 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp. Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh tiến hành nghiêm túc, đúng quy định dưới nhiều hình thức phù hợp tình hình thực tế và được thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các đại biểu HĐND tỉnh luôn tâm niệm, hoạt động tiếp xúc cử tri là kênh thông tin quan trọng để cử tri đánh giá về đại biểu, người mà họ gửi gắm niềm tin, đại diện tại cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, đồng thời giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND làm cho trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND ngày một nâng cao. Từ đó, việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri được HĐND tỉnh thực hiện đầy đủ, trung thực, phản ánh kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội; các kiến nghị của cử tri và nhân dân đều được nghiên cứu, phân loại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
Việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được tiến hành chặt chẽ, thường xuyên, theo quy định. Về cơ bản, các kiến nghị của cử tri và nhân dân được các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết, trả lời kịp thời.
Nhóm PV
Liên kết website
Ý kiến ()