Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:40 (GMT +7)
Xúc tiến thương mại thay 'áo mới'
Thứ 5, 20/01/2022 | 11:13:24 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp, năm 2022 Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu trên cơ sở những thành công ấn tượng của năm thứ 2 đại dịch vừa qua.
Lửa thử vàng
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: Nhìn lại năm 2021, đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung - cầu, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa trực tuyến kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước được diễn ra; hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện các phiên giao thương và xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã trực tiếp tổ chức 5 hội chợ, triển lãm trực tuyến tại Việt Nam với sự tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp; tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng trăm triển lãm, hội chợ quốc tế ở nước ngoài dưới hình thức trực tuyến hoặc từ xa…
Bà Nguyễn Việt Hồng, phụ trách Ban Kinh tế Xúc tiến thương mại, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay: Xúc tiến thương mại trực tuyến giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường khá nhanh và an toàn trong bối cảnh đại dịch.
Nếu như trước kia, hội chợ xúc tiến thương mại trực tiếp thường chuyên ngành, chỉ có thể áp dụng cho một nhóm sản phẩm nhưng với hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, nếu được tổ chức quy mô, cùng một lúc nhiều ngành hàng khác nhau có thể tham gia.
Hơn nữa, xúc tiến thương mại trực tuyến cũng rất hữu ích cho các doanh nghiệp và địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, để có kết quả tốt hơn doanh nghiệp, địa phương phải có sự chuẩn bị nhất định bên cạnh sự đồng hành hỗ trợ của cơ quan xúc tiến thương mại.
Theo ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, Thương vụ đã hỗ trợ tích cực hoạt động của doanh nghiệp thông qua hơn 20 hội nghị xúc tiến thương mại, phiên tư vấn thị trường trực tuyến cũng như kết nối, quảng bá và xác minh thông tin doanh nghiệp.
Điều này đã góp phần không nhỏ thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại song phương, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu song phương lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD, tăng trưởng khá ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.
Hơn nữa, qua đây còn tiếp tục củng cố vị trí của Hoa Kỳ - là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Thực hiện những chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ động xúc tiến thương mại trên môi trường số giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ giao thương, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng phạm vi cùng số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng.
Vì thế, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các thị trường khó tính, nhất là với nhóm hàng nông sản và thủy sản, nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh. Đây tiếp tục là lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng tốt hơn trong thời gian tới.
Cơ hội rộng mở
Để vượt qua được thách thức, nắm bắt cơ hội và thành công với xúc tiến thương mại trực tuyến, bà Nguyễn Việt Hồng khuyến cáo: Khi vào sân chơi, các doanh nghiệp cần xác định được mảng dịch vụ hay mảng sản phẩm của mình để quyết định hình thức giao thương.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị một hành trang khi giao dịch quốc tế cũng như có chiến lược marketing; đầu tư, định hình cho sản phẩm.
Hơn nữa, việc thiết kế đóng gói bao bì sản phẩm, cách thức thể hiện thương hiệu cũng cần được chú trọng, điều đó thể hiện sự khác biệt của doanh nghiệp để tìm kiếm được đối tượng khách hàng tiềm năng.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Việt Hồng kiến nghị với cơ quan quản lý xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có cơ sở dữ liệu nhất định để thuận tiện cho việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin đối tác nhằm thực hiện các giao dịch an toàn, hiệu quả.
Cùng với đó, là sự thống nhất làm đầu mối giữa các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Sở Công Thương các tỉnh, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài để hoạt động xúc tiến thương mại đạt hiệu quả cao và đúng trọng tâm, trọng điểm.
Đại diện cho khối Sở Công Thương địa phương, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đề xuất: Năm 2022, Bộ Công Thương cần tăng cường phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo hình thức trực tiếp và trực tuyến vào thị trường truyền thống và tiềm năng.
Đáng lưu ý, Bộ nên tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn kịp thời về chủ trương chính sách và cập nhật thường xuyên về thị trường quốc tế để Sở Công Thương và doanh nghiệp có biện pháp thích nghi, phù hợp với hoàn cảnh mới.
Ông Bùi Huy Sơn cho biết, bước sang năm 2022, trên cơ sở bám sát diễn biến thực tế, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hỗ trợ triển khai các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với đối tác Hoa Kỳ khi điều kiện cho phép.
Mặt khác, Thương vụ sẽ tích cực phối hợp với các bộ,ngành, hiệp hội ngành hàng triển khai phiên tư vấn thị trường, hội nghị xúc tiến thương mại tập trung vào nhóm mặt hàng khác nhau; đẩy mạnh hoạt động dự báo chính sách, thị trường để các cơ quan thực thi chính sách cũng như doanh nghiệp có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Theo bà Võ Thị Ngọc Diệp - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, năm 2022, Thương vụ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu cho bưởi Vĩnh Long, dừa Bến Tre, vải Hải Dương, Bắc Giang, chanh leo Gia Lai, cà phê Arabica Lâm Đồng… vào thị trường Hà Lan. Đồng thời, Thương vụ sẽ mở rộng thị trường cho mặt hàng gốm sứ, sản phẩm từ cao su, vật liệu xây dựng, thực phẩm chế biến.
Đặc biệt, Thương vụ cũng chủ động tìm hiểu khả năng hợp tác đầu tư giữa hai nước trong lĩnh vực mà Bộ Công Thương quản lý như công nghiệp chế tạo, năng lượng mới, công nghiệp phụ trợ… từ đó có những hoạt động hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()