Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:21 (GMT +7)
Xúc tiến thành lập 3 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao
Thứ 3, 14/09/2021 | 13:55:05 [GMT +7] A A
Bộ LĐTB&XH đang xúc tiến thành lập 3 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐTB&XH) Phạm Vũ Quốc Bình, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội, nhưng cũng có nhiều thách thức đối với nền kinh tế nói chung và hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nói riêng. Điều này đặt ra yêu cầu GDNN cần đổi mới về nội dung, ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hệ thống GDNN đang cung cấp gần 70% lực lượng lao động có tay nghề trên thị trường. Ông Phạm Vũ Quốc Bình cho rằng, để thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, cần ưu tiên tập trung đầu tư các dự án về đào tạo và thực hành nghề.
Hiện nay, Bộ LĐTB&XH đang xúc tiến chủ trương thành lập 3 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, dự kiến đặt tại 3 miền.
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, mô hình này phải là trung tâm chất lượng cao về đào tạo nghề, có tính dẫn dắt, lan tỏa đối với các cơ sở GDNN; có đổi mới công nghệ và kỹ thuật số, thúc đẩy sáng tạo và đi đầu trong phương pháp thiết kế, chuyển giao các chương trình giảng dạy mới. Trung tâm được kỳ vọng sẽ cung cấp các kỹ năng chất lượng cao theo quan điểm học tập suốt đời, thúc đẩy nghiên cứu và sự đổi mới.
Trung tâm được thành lập trên cơ sở đầu tư, cấu trúc lại 3 trường cao đẳng của Bộ LĐTB&XH, gồm: Trường cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, Trường cao đẳng Kỹ nghệ Dung Quất (Quãng Ngãi), Trường cao đẳng Kỹ nghệ II (TPHCM). Các trung tâm này được đặt trong mạng lưới trường cao đẳng chất lượng cao, có tính chất dẫn dắt trong hệ thống GDNN.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ hình thành 3 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đồng thời có 70 trường cao đẳng chất lượng cao, trong đó 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4 và 3 trường tiếp cận các nước phát triển trong G20. Đến năm 2030, hình thành thêm 3 đến 5 trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, có 90 trường chất lượng cao...
Chia sẻ với Tổng cục GDNN về mô hình đào tạo tại Australia, ông John Tucker, đại diện mô hình trường cao đẳng nghề chất lượng cao của Australia cho hay, hệ thống GDNN cần dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, xác định kết quả chuẩn đầu ra cho đào tạo. Đồng thời, xem khách hàng của hệ thống GDNN - doanh nghiệp, người sử dụng lao động - là trung tâm để đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, giảng viên cần có kinh nghiệm làm việc trên thực tế, có kỹ năng đào tạo về thực hành. Một năm giảng viên có ít nhất 2 tuần đi đến doanh nghiệp làm việc, từ đó để làm mới kỹ năng giảng dạy, sát với thực tiễn.
"Việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo rất cần thiết. Doanh nghiệp có thể cung cấp trang thiết bị, kinh nghiệm đào tạo. Còn thầy cô giáo cũng có thể thông qua doanh nghiệp để phát triển bản thân dựa trên kinh nghiệm và trải nghiệm của mình", ông John Tucker nhận định.
Chuyên gia Gabriel, đại diện Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị hệ thống GDNN Việt Nam cần xem xét điểm mạnh, điểm yếu của các mô hình đào tạo nghề chất lượng cao trên thế giới. Xem xét các khuyến nghị quốc tế từ góc cạnh khác nhau.
Ông Gabriel cũng cho rằng, đào tạo nghề cần đáp ứng các yêu cầu thị trường, đưa doanh nghiệp trở thành đối tác trong đào tạo nghề, cũng như nâng cao vai trò của GDNN trong suy nghĩ của phụ huynh và học sinh.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()