Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:32 (GMT +7)
Xuất siêu 1,4 tỷ USD, xuất nhập khẩu đạt kết quả khả quan trong tháng đầu tiên của năm mới
Thứ 3, 15/02/2022 | 17:07:03 [GMT +7] A A
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kết quả khả quan hơn rất nhiều so với ước tính trước đó.
Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa đạt 30,845 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ 2021. Có tới 7 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên ngay trong tháng đầu năm, trong đó một số nhóm hàng có tăng trưởng cao hai con số như dệt may, gỗ và sản phẩm từ gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản, cà phê, hạt tiêu, gạo…
Chiều ngược lại, tháng 1 kim ngạch nhập khẩu đạt 29,45 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 6 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD. Lớn nhất vẫn là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 7,12 tỷ USD, tăng 25,8%.
Đáng chú ý, chỉ trong 9 ngày Tết Âm lịch năm nay, hàng hóa của Việt Nam đã xuất khẩu sang tất cả 109 nước, vùng lãnh thổ (trong dịp Tết Tân Sửu năm 2021 hàng hóa Việt Nam chỉ có mặt ở 80 nước, vùng lãnh thổ). Trong đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc với trị giá 400 triệu USD. Tiếp theo là thị trường Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản...
Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu có tháng khởi đầu năm mới 2022 khá ấn tượng với quy mô kim ngạch đạt hơn 60 tỷ USD, trong đó nước ta xuất siêu gần 1,4 tỷ USD. Đây là kết quả khả quan hơn rất nhiều so với con số được Tổng cục Thống kê dự báo trước đó (xuất khẩu đạt 29 tỷ USD; nhập khẩu 29,5 tỷ USD; nhập siêu 500 triệu USD).
Phát huy những kết quả đã đạt được trong hoạt động xuất nhập khẩu năm 2021, năm 2022, Bộ Công Thương đặt mục tiêu tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Bên cạnh đó, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.
Đối với các doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương lưu ý, đã có rất nhiều FTA đã có hiệu lực trong thời gian qua, không chỉ mở ra những ưu đãi về thuế quan, tạo động lực để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài và vốn đầu tư trong nước giúp tăng năng lực sản xuất, mà còn khiến doanh nghiệp thận trọng hơn trong giao dịch quốc tế. Việc tận dụng ưu đãi từ các FTA trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tạo áp lực cho doanh nghiệp của chúng ta phải nhận thức rõ về những hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu có thể áp dụng như thuế chống phá giá, chống trợ cấp… Thậm chí các nước có thể đưa ra những vụ kiện và doanh nghiệp phải sẵn sàng tâm thế đối mặt, tham gia giải trình.
“Một điều nữa tôi cũng hết sức lưu ý đó là trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng, doanh nghiệp của chúng ta cần hiểu biết rõ để không tiếp tay cho hành vi vi phạm như hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá” – ông Hải khuyến cáo.
Theo congthuong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()