Báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy nửa đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã đạt 4,4 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ đều có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ.
Cụ thể, xuất khẩu tôm đạt 1,6 tỷ USD, cá tra khoảng 918 triệu USD, và cá ngừ đạt 472 triệu USD, lần lượt tăng 6%, 5%, và 23% so với nửa đầu năm 2023. Đặc biệt, cua ghẹ và giáp xác đạt mức tăng trưởng ngoạn mục, với kim ngạch hơn 125 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VASEP, sự phục hồi này chủ yếu nhờ các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU và Australia đã tăng cường mua hàng, với mức tăng từ 6-9%.
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết Trung Quốc - một thị trường tỷ dân - đã nhập khẩu tôm mạnh mẽ trong nửa đầu năm, với kim ngạch đạt 328 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tại thị trường EU, xuất khẩu tôm đạt 217 triệu USD, tăng 13% trong 6 tháng đầu năm và dự kiến tăng tiếp trong những tháng tới.
Báo cáo tài chính quý I của Công ty cổ phần Thủy Sản Minh Phú - doanh nghiệp lớn nhất về xuất khẩu tôm - cho thấy lợi nhuận đã đạt 7,2 tỷ đồng, so với khoản lỗ 98 tỷ đồng năm ngoái. CEO Lê Văn Quang chia sẻ rằng xuất khẩu thủy sản dù phục hồi chậm, đã có nhiều đơn hàng hơn so với năm ngoái. Công ty đang mở rộng thị trường sang Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Đối với cá ngừ, ngoài hàng tươi và đông lạnh, các sản phẩm chế biến cũng đang có tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Tại các thị trường chính như Mỹ, EU và Israel, kim ngạch xuất khẩu tăng lần lượt 18%, 56% và 50%.
Dự báo nửa cuối năm, các doanh nghiệp cho rằng xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu lễ, Tết. Đặc biệt, các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng.
Tuy nhiên, VASEP cũng cảnh báo rằng ngành thủy sản vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Ngành tôm đang cạnh tranh hàng Ecuador và Ấn Độ, cùng với dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn diễn biến phức tạp. Ngành cá ngừ cũng gặp khó khăn do quy định mới của Chính phủ về khai thác cá ngừ vằn, có thể dẫn đến thiếu hụt nguyên liệu sản xuất.
Trước những thách thức này, VASEP kiến nghị các cơ quan liên quan điều chỉnh quy định phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế, đồng thời, doanh nghiệp cần kiểm soát chi phí trong bối cảnh cước vận tải tăng cao.
Ý kiến ()