Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:08 (GMT +7)
Xuất khẩu sầu riêng tăng 18 lần
Thứ 3, 20/06/2023 | 15:16:48 [GMT +7] A A
Tính chung trong 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu tới trên 503 triệu USD, tăng gấp hơn 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong các loại trái cây, sầu riêng đã là nông sản có sự sôi động nhất khi chính thức được xuất khẩu chính ngạch. Từ đầu năm đến nay trong tổng số xe chở nông sản lên cửa khẩu Lạng Sơn thì 2/3 là chở trái cây và sầu riêng chiếm chủ yếu bởi thị trường Trung Quốc hiện chiếm đến 95% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Báo cáo tháng 5 của Tổng cục Hải quan nhấn mạnh đóng góp chính cho tăng xuất khẩu nhóm hàng rau quả là xuất khẩu quả sầu riêng tăng cao đột biến. Trong tháng 5, trị giá xuất khẩu trái cây này đạt mức cao nhất từ trước tới nay, với 332 triệu USD, gấp hơn 10 lần so với tháng trước.
Chủ động tăng nguồn cung nông sản xuất khẩu
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu thuận lợi từ nay đến cuối năm xuất khẩu sầu riêng có thể đạt trên 1 tỷ USD. Để tận dụng cơ hội thị trường, giải pháp của Bộ NN-PTNT là phải tăng nhanh số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Trên cơ sở này, sầu riêng cùng gần 20 loại trái cây đã được các địa phương chịu trách nhiệm chủ động kiểm tra thực tế, hoàn thiện hồ sơ, cấp mã số và bảo đảm duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã cấp. Cách làm này đã và đang tạo ra nguồn cung nông sản lớn đáp ứng xuất khẩu.
Từ 39 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số vào cuối năm ngoái, chỉ sau 5 tháng đầu năm nay, tỉnh Đắk Lắk đã có 65 mã số vùng trồng. Giờ đây, 20% sản lượng, tức khoảng 40.000 tấn sầu riêng đã có "giấy thông hành" vào thị trường chính ngạch Trung Quốc. Việc Bộ NN-PTNT phân quyền đánh giá, giám sát mã số cho địa phương đã tạo hiệu quả rõ nét.
"Giao rất cụ thể, không giao chung chung, tức địa phương chịu trách nhiệm công việc nào. Chính vì vậy, địa phương rất chủ động. Trong 2 tháng qua số lượng mã số vùng trồng trên 20 loại cây cũng như cơ sở đóng gói tăng hơn 2.000 so với cùng kỳ hàng năm", ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, khối lượng sầu riêng quả tươi xuất khẩu đạt trên 65.000 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn thời điểm này, cùng vào mùa với các loại trái cây khác, sầu riêng tiếp tục duy trì sự sôi động với mức giá giao động 55.000 - 75.000 đồng/kg tùy loại. Đây là động lực để nông dân và doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện hồ sơ mới để được tiếp tục cấp mã số.
Ông Lê Văn Thành - Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk cho hay: "Công tác kiểm tra đánh giá, thiết lập mã số vùng trồng là việc bước đầu, nhưng để xuất khẩu được thì việc kiểm tra, giám sát công tác sản xuất cũng không kém quan trọng. Chính vì vậy, hiện nay có thuận lợi là các mã vùng trồng, thiết lập hồ sơ đang được triển khai rất mạnh".
Tỉnh Đắc Lắk hiện có 120.000 ha sầu riêng cho thu hoạch. Diện tích được công nhận đạt chuẩn tăng nhanh mở ra kỳ vọng xuất khẩu sầu riêng 6 tháng cuối năm với nhiều đột phá.
Giải pháp tăng sản lượng sầu riêng xuất khẩu
Cuối tháng 5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 47 mã số vùng và 18 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đạt yêu cầu xuất khẩu vào thị trường này, nâng tổng số vùng trồng và cơ sở đóng gói lên con số tương ứng là 293 và 115 cơ sở đã được phía Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu chính ngạch.
Tuy nhiên, hiện diện tích này mới chiếm 14% trên tổng diện tích sầu riêng của cả nước. Đại diện Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT có những dự báo về khả năng có thể thay đổi tỷ lệ này trong thời gian tới .
Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN- PTNT cho biết: "Cục Bảo vệ thực vật vừa gửi Hải quan Trung Quốc danh sách gần 600 mã vùng trồng và hơn 60 cơ sở đóng gói để kiểm tra trực tuyến trong thời gian tới. Nếu con số này được phê duyệt, nó sẽ nâng tỷ lệ lên khoảng 33% - 35% tổng diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam được Trung Quốc cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu. Như vậy có thể nói lệ này tăng tương đối nhanh…”.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()