Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:22 (GMT +7)
Xuất khẩu rau quả khởi sắc
Thứ 6, 23/06/2023 | 15:06:52 [GMT +7] A A
Sau nhiều biến động thị trường trong quý I/2023, sang quý II/2023, xuất khẩu rau quả khởi sắc rõ rệt. Điều này tạo nên niềm vui và động lực cho toàn ngành rau quả nói riêng, xuất khẩu nông sản nói chung.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 6/2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam ước đạt hơn 1 tỷ USD, cộng dồn 6 tháng của năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu 2,75 tỷ USD, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong 1 tháng mà kết quả xuất khẩu rau quả vượt con số tỷ đô la là kỷ lục từ trước đến nay. Sở dĩ ngành rau quả Việt Nam chạm được kỷ lục này là do thị trường Trung Quốc mở cửa với nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, bưởi,… trong thời điểm tháng 6/2023.
Trung Quốc dẫn đầu trong top 5 thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, chiếm hơn 63% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp đến là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan. Ngoài thị trường Mỹ có sự sụt giảm 12% so với cùng kỳ 2022 thì các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan có mức tăng lần lượt là 12%, 0,5% và 70%. Với sức bật này, nếu ngành rau quả giữ vững cho đến cuối năm 2023, thì kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 5 tỷ USD như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra cho năm 2025 - ông Nguyễn Phúc Nguyên nhấn mạnh.
Lý giải cho sự tăng trưởng này, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Trung Quốc đang thực thi chủ trương đưa hoạt động thương mại vào chính quy nên hàng hóa Việt Nam cần hướng đến xuất khẩu chính ngạch. Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc nên việc lưu hành vào thị trường này có thể đáp ứng được. Tiềm năng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc rất lớn. Người tiêu dùng nơi đây cũng hướng tới chất lượng, mẫu mã sản phẩm và có sự cạnh tranh, nên cả nông dân lẫn doanh nghiệp đều phải đồng lòng mới đạt được con số xuất khẩu bất ngờ.
Về phía doanh nghiệp, muốn xuất khẩu rau quả vào thị trường Trung Quốc, đều thường xuyên cập nhật, tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc; đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường.
Ngành rau quả Việt Nam được cấp "visa" lưu hành sang Trung Quốc - thị trường có nhiều dư địa tăng trưởng lớn cho rau quả, trái cây Việt Nam và cả sự cạnh tranh sản phẩm cùng loại của các thị trường khác. Ngay từ những tháng cuối năm 2022, trái bưởi da xanh đã được cấp mã số vùng trồng đi thị trường nay. Gần đây nhất là khoai lang, sầu riêng cũng được cấp mã số cho thị trường Trung Quốc. Điều này chứng tỏ, ngành rau quả Việt Nam ngày càng có thêm động lực đầu tư cho sản xuất và xuất khẩu.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, việc xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc là cơ hội để tổ chức phát triển các ngành hàng rau quả Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Từ đó, nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Riêng với trái sầu riêng, Trung Quốc mỗi năm chi khoảng trên dưới 4 tỷ USD để nhập khẩu. Dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, quốc gia này nhập khẩu 821.500 tấn sầu riêng tươi vào năm 2021, tăng gấp 4 lần so với năm 2017. Năm 2022, dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID nhưng Trung Quốc vẫn nhập khoảng 800.000 tấn sầu riêng. Mới đây là sự kiện Trung Quốc nhập khẩu 360 tấn sầu riêng của Việt Nam theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Là đơn vị chuyên xuất khẩu trái cây, bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, doanh nghiệp này sẽ xuất khẩu 20.000-30.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc trong năm 2023. Tuy nhiên, để ngành hàng sầu riêng Việt Nam có thể cạnh tranh với các thị trường khác như Thái Lan, Philippines thì cả doanh nghiệp và nông dân đều phải tập trung chất lượng.
Hiện nay, sầu riêng Việt đang có nhiều lợi thế cạnh tranh so với sầu Thái Lan và Philippines. Sản lượng sầu riêng của Việt Nam hiện tăng lên trên dưới 1 triệu tấn, cho thu hoạch gần như quanh năm, trong khi Thái Lan và Philippines chỉ thu theo mùa. Thêm vào đó, đoạn đường vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc ngắn hơn cũng là một lợi thế giúp sầu riêng Việt Nam tươi ngon, chi phí vận chuyển tính vào giá thành sẽ rẻ hơn hàng các đối thủ.
Để rau quả tăng tốc xuất khẩu nhiều hơn nữa, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đàm phán ký kết thêm nghị định thư cho một số mặt hàng đã xuất khẩu chính ngạch như: thanh long, xoài, dưa hấu, mít, chôm chôm... Thị trường Trung Quốc cần mở cửa thêm cho các mặt hàng như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa. Thêm vào đó, cần đẩy mạnh thêm các hoạt động để mở cửa thị trường khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ… để tạo động lực cho ngành rau quả Việt Nam.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()