Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:06 (GMT +7)
Xuất khẩu qua nền tảng số: Đòn bẩy cho doanh nghiệp vượt khó khăn
Thứ 6, 25/03/2022 | 11:20:50 [GMT +7] A A
Đưa sản phẩm đến các thị trường xa; từng bước xây dựng thành công thương hiệu với chi phí thấp; thông suốt dòng chảy hàng hóa ngay trong giai đoạn đứt gãy do dịch bệnh… Các nền tảng số đã giúp nhiều doanh nghiệp thu được lợi nhuận ngay trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn vừa qua.
Quả ngọt từ nền tảng số
Hoạt động trong lĩnh vực nông sản, 3 năm qua, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW đã thực hiện xuất khẩu qua nền tảng số. Theo đại diện doanh nghiệp, ngay từ khi thành lập, doanh nghiệp này đã xác định phương thức kinh doanh chủ lực là bán hàng online. Nhờ xuất khẩu qua nền tảng số, chỉ sau 1 năm, doanh thu của DSW từ 3.000 USD đơn hàng đầu tiên đã đạt được 260 nghìn USD ngay trong mùa dịch.
Bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ DSW chia sẻ: “Trong những năm qua, công ty thực hiện kinh doanh qua sàn Thương mại điện tử 100% và tất cả doanh thu đều qua thương mại điện tử. Trong những năm qua, công ty tăng trưởng với tốc độ từ 150-200%. Trong năm 2022, công ty sẽ phát triển thêm các sản phẩm cho đa dạng để đem lại lợi ích kinh tế cho người nông dân. Và đánh vào những thị trường có nhu cầu tiêu thụ cao, ví dụ như Trung Quốc và cao hơn là thị trường EU. Dự kiến doanh thu đạt 3,6 triệu USD”
Đẩy mạnh xuất khẩu qua nền tảng số cũng là định hướng phát triển của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam trong năm 2022. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, họ xuất khẩu trực tuyến bởi đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất với chi phí tối ưu nhất để một doanh nghiệp tiếp cận khách hàng. Đặc biệt, công ty này còn đang tận dụng tốt nền tảng livestream (phát trực tiếp) để tương tác với khách hàng, từ đó tạo niềm tin và thúc đẩy doanh số tốt hơn.
Bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Proline Việt Nam chia sẻ, hiện tại, 100% doanh thu xuất khẩu của công ty đến từ hoạt động thương mại điện tử. Con số tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu đã “gánh” doanh thu cho cả thị trường trong nước năm vừa qua.
“Trước đây, tôi cứ nghĩ livestream chỉ dành cho khách hàng cá nhân. Nhưng khi áp dụng cho doanh nghiệp, chúng tôi thấy thực sự hiệu quả khi mà hẹn được khách hàng để giới thiệu cho khách hàng về cơ sở vật chất, công nghệ máy móc, sản phẩm của doanh nghiệp và có thể giao lưu với khách hàng và có được sự tin cậy của khách hàng và giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của khách hàng, để khách hàng có thể thấy được người thật việc thật”, bà Nguyễn Xuân Hải Yến cho hay.
Đó là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi không nhỏ từ hoạt động xuất khẩu trên nền tảng số. Thời gian qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ khá thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh xuất khẩu trực tuyến. Năm 2021, số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tiêu thụ trên sàn Amazon.com tăng 34% so với 2020. Đáng chú ý, trong năm 2021, có thêm 2 sàn thương mại điện tử quy mô nhất, nhì Trung Quốc là Alibaba.com và JD.com được Bộ Công thương kết nối vào thị trường Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng tới người tiêu dùng thế giới hoặc qua các sàn để quảng bá, tiếp cận đối tác nhập khẩu.
Ông Andrew Zheng, Phó Tổng Giám đốc Alibaba.com đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam khi đã và đang có được uy tín mạnh mẽ với khách hàng toàn cầu về năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích phải kể đến thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp.
Cũng theo ông Andrew Zheng, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và tăng trưởng thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ là ưu điểm và điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua phương tiện số. Từ đó, doanh nghiệp có thể tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững, giảm bớt rào cản xuất khẩu vào các thị trường mới.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Để nâng cao hiệu quả khai thác các sàn thương mại điện tử, mới đây, Bộ Công thương đã phối hợp nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com ra mắt “Gian hàng Việt Nam - Vietnam Pavilion” trên Alibaba.com. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, đây sẽ là một kênh hiệu quả để sản phẩm Việt Nam tiếp cận với thị trường tiềm năng. Các hoạt động cụ thể và dài hạn trên gian hàng sẽ được thiết kế theo thực tiễn và theo sát các hoạt động của doanh nghiệp trên sàn Alibaba.com.
Năm 2022, Alibaba.com tiếp tục dành riêng cho thị trường Việt Nam các dịch vụ riêng biệt giúp các doanh nghiệp tăng tốc. Cụ thể, nền tảng này sẽ phối hợp Cục Xúc tiến thương mại thực hiện chương trình hỗ trợ Covid-19 với các hội thảo trực tuyến cho hơn 2.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có tư duy và công cụ đúng đắn để vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh. Tuyển dụng các chuyên gia thương mại điện tử để tư vấn cho doanh nghiệp trong suốt quá trình tham gia thương mại điện tử. Đồng thời, Alibaba.com cũng sẽ ra mắt các sản phẩm hội viên mới, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội giới thiệu các sản phẩm đến người mua hàng toàn cầu tốt hơn.
“Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá tốt hơn nữa hình ảnh hàng hóa Việt Nam, trong đó chú trọng mở các gian hàng quốc gia trên nền tảng thương mại điện tử. Tất cả những sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới chúng tôi đều đã liên hệ với họ và đang trao đổi để mở thêm các gian hàng quốc gia Việt Nam”, ông Vũ Bá Phú cho hay.
Các nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết đã giúp dỡ bỏ phần lớn hàng rào thuế quan. Việc kinh doanh qua các nền tảng thương mại điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua các nền tảng số, từ đó giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho doanh nghiệp ngay trong giai đoạn khó khăn. Đồng thời, mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt Nam chinh phục tốt hơn thị trường thế giới khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()