Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:22 (GMT +7)
Xuất khẩu nông lâm thủy sản vượt mục tiêu năm 2024
Thứ 4, 18/12/2024 | 10:25:48 [GMT +7] A A
Năm 2024 xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023. Con số này cao hơn nhiều so với với mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 55-57 tỷ USD.
Ghi nhận các kết quả tích cực
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt trên 62 tỷ USD tăng trên 18% so năm 2023. Đáng chú ý, thặng dư thương mại ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng trưởng 53,1%.
Trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,1 tỷ USD; rau quả ước 7,1 tỷ USD; gạo ước 5,7 tỷ USD; cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm 3,8 tỷ USD và cao su ước 3,2 tỷ USD.
Đặc biệt, xuất khẩu rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có mức tăng trưởng hai con số. Trong đó, cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Theo ông Lê Thanh Hoà, kết quả này có được là nhờ sự đóng góp tích cực của các Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Song song đó, công tác đàm phát mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp nông sản, đặc biệt là trái cây Việt Nam ngày càng vươn xa.
Đánh giá tình hình xuất khẩu trong năm 2025, ông Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: “Sản xuất nông nghiệp trong nước duy trì ổn định, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Bối cảnh đưa ra là nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới dự báo có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn...”
Cần tiếp tục khẳng định vị trí
Đến nay, Hoa Kỳ đã vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, Trung Quốc đứng thứ hai, tiếp đến EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Tuy nhiên, tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc cho hay, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam, cơ hội để sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu… Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu…
Đồng tình với ý kiến, ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là mà phải làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.
“Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn. Nếu chúng ta không cố gắng, để tuột mất cơ hội thì sẽ rất khó để mở lại. Theo đó, các doanh nghiệp cần phải làm ăn bài bản, chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu”, ông Thiệt chia sẻ.
Theo Báo Đầu tư
Liên kết website
Ý kiến ()