Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:22 (GMT +7)
Xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Australia tăng trưởng hơn 24,4%
Thứ 2, 23/12/2024 | 15:21:54 [GMT +7] A A
Nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia tăng mạnh như máy móc-thiết bị tăng 108,3%, nông sản rau quả tăng hơn 27%, thủy sản tăng hơn 10%, dệt may tăng 21,5%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 45%.
Tại Australia, những ngày trước lễ Giáng sinh và Năm mới 2025, ở các quán càphê không hiếm những cuộc trò chuyện về du lịch đến Việt Nam, kinh doanh ở Việt Nam.
Cụm từ “kỷ nguyên vươn mình” được nhắc đến với nhiều kỳ vọng về các cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Phú Hòa, Tham tán Thương mại tại Australia, trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Sydney.
Tham tán Nguyễn Phú Hòa cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, thời gian qua, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã tiến hành phân tích, đề ra kế hoạch hành động phát triển xuất khẩu dựa trên thúc đẩy chuỗi cung ứng, đồng thời nhất quán xây dựng thương hiệu “xuất xứ xanh," tạo tâm lý tiêu dùng tích cực.
Sau 11 tháng, xuất khẩu từ Việt Nam sang Australia đã tăng trưởng 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức xuất khẩu trung bình chung của cả nước là 14,4%. Nhiều mặt hàng tăng mạnh như máy móc-thiết bị tăng 108,3%, nông sản rau quả tăng hơn 27%, thủy sản tăng hơn 10%, dệt may tăng 21,5%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 45%, dây cáp điện tăng 58,8%, gạo tăng 18,75%, hạt tiêu tăng 48%, càphê tăng 58,4 %...
Australia dần trở thành nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho nền sản xuất lớn mạnh của Việt Nam, với khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu là nguyên, nhiên liệu vật tư đầu vào. Việt Nam xuất sang Australia sản phẩm đa dạng như máy móc thiết bị, phương tiện và phụ tùng vận tải, dệt may, giày da, nông-thủy sản, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyễn Phú Hòa chia sẻ Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia không chỉ tập trung vào công tác xuất nhập khẩu mà đang chủ động góp phần phục vụ các nhiệm vụ trong giai đoạn quan trọng của đất nước như nghiên cứu, đề xuất hợp tác công nghiệp bán dẫn, kinh tế số, trung tâm tài chính, chuỗi cung ứng khoáng sản, năng lượng, thúc đẩy đầu tư hạ tầng; hợp tác kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để hướng đến chuỗi cung ứng nguyên liệu xanh gắn kết hai nền kinh tế.
Theo báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Australia về ngành sản xuất bán dẫn Australia , quốc gia châu Đại Dương này có năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) mạnh mẽ, nhưng lĩnh vực này còn thiếu chiều sâu và nguồn nhân lực hạn chế. Vì vậy, Thương vụ nhận định và đề xuất ở 3 khía cạnh gồm đầu tư tài chính từ Australia vào Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn; Việt Nam cung cấp nguồn nhân lực sang Australia trong thời gian tới; Hợp tác 2+1 theo hướng Việt Nam Australia hợp tác dựa trên bổ sung thế mạnh đồng thời kết hợp với công nghệ của Mỹ (Australia nằm trong liên minh AUKUS với Mỹ nên có lợi thế về tiếp cận công nghệ).
Tham tán Nguyễn Phú Hòa cho biết, đối với quyết sách lớn của Đảng và Chính phủ về việc hình thành các trung tâm tài chính ở Việt Nam, ý thức Australia là trung tâm lớn thứ tư trên thế giới và lớn nhất châu Á về quy mô tài sản các quỹ đầu tư và là một trong những trung tâm tài chính vận hành hiệu quả nhất theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Cơ quan Thương vụ đã chủ động làm việc với các quỹ đầu tư, ngân hàng để thúc đẩy sự quan tâm đối với thị trường Việt Nam.
Ở chiều hợp tác ngược lại, Cơ quan Thương vụ có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết trên sàn chứng khoán tại Australia.
Trong năm 2024, Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã trực tiếp phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cùng Mạng lưới Đầu tư và Tài chính tại Australia (IFN-Australia.com - một mạng lưới liên kết tự nguyện của một số quỹ đầu tư tại Australia) góp phần hỗ trợ ITPC tổ chức 2 diễn đàn lớn tại thành phố Sydney và Melbourne để kêu gọi đầu tư.
Nhiều quỹ đầu tư làm việc với Cơ quan Thương vụ sau sự kiện đã bày tỏ mong muốn tham gia quá trình hình thành các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Mới đây, đoàn công tác của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Việt Nam và các tập đoàn lớn của Việt Nam đã tham gia bàn tròn đầu tư do IFN-Australia và Cơ quan Thương vụ tổ chức với sự tham dự của đại diện thành phố Melbourne gồm tổ chức Asia Society do con trai của tỷ phú Rockefeller sáng lập và các quỹ đầu tư tại Melbourne để thảo luận các giải pháp hợp tác đầu tư.
Về chuỗi cung ứng khai khoáng, năng lượng, ông Nguyễn Phú Hòa cho biết Cơ quan Thương vụ đã đề xuất, trao đổi với các bên liên quan như Hội đồng khoáng sản Australia, Ủy ban Thương mại và Đầu tư Australia (AUSTRADE) và một số quan chức Australia về việc hình thành chuỗi sản xuất khoáng sản giữa hai nước. Theo đó, Việt Nam có nguồn nhân lực, logistics, vị trí địa lý thuận lợi, các nguồn năng lượng mới dồi dào và là một trong những trung tâm sản xuất của thế giới, trong khi Australia có công nghệ, tài chính, trữ lượng quặng phong phú nên 2 nước có thể hợp tác xây dựng các khu công nghiệp chế biến khoáng sản theo công nghệ xanh tại Việt Nam theo hướng vận chuyển quặng từ Australia (sau khi đã chế biến đảm bảo tiêu chuẩn môi trường) để tinh chế tại Việt Nam và xuất khẩu. Đặc biệt Australia rất quan tâm đến việc tham gia lĩnh vực đất hiếm tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Hòa cho rằng cần đẩy nhanh hợp tác về đất hiếm để mau chóng có sản phẩm tinh chế xuất khẩu để có lợi thế sớm trên thị trường vì thị trường và công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng.
Ở lĩnh vực năng lượng Cơ quan Thương vụ hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp Việt tham gia đấu thầu, xây lắp, hoặc tham gia góp vốn vào các mỏ ở Australia, nhất là các mỏ LNG để chủ động đảm bảo an ninh năng lượng. Trong lĩnh vực công nghệ mỏ, Thương vụ có quan hệ với các đối tác lớn tại Australia, thời gian qua cũng đã kết nối chia sẻ học tập kinh nghiệm giữa 2 nước.
Tương tự Việt Nam, Australia đang nhận ra tầm quan trọng của nhà máy điện hạt nhân. Ông Nguyễn Phú Hòa cho rằng, hai bên có thể chia sẻ tầm nhìn và các giải pháp tài chính, đồng thời kết hợp công nghệ của bên thứ ba.
Về logistis, hạ tầng, Cơ quan Thương vụ đang hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước quan tâm đầu tư, mua bán cổ phần đầu tư cảng, đường, kho bãi tại hai quốc gia.
Tháng 5/2024, Cơ quan Thương vụ đã phục vụ kết nối đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Nam Định tại Sydney và Melbourne. Các quỹ đầu tư tại Australia đánh giá rất cao các dự án, chiến lược phát triển của lãnh đạo tỉnh Nam Định và mong muốn đầu tư vào hạ tầng tại đây.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 tại Melbourne do Cơ quan Thương vụ thu xếp, các quỹ đầu tư tại Australia cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án năng lượng tại Việt Nam và sẽ cập nhật thông tin các dự án hạ tầng tới quỹ Macquarie.
Về kinh tế số, Cơ quan Thương vụ đã triển khai nghiên cứu mô hình hợp tác kinh tế số giữa Australia và Singapore và rút ra kinh nghiệm cho Việt Nam, đồng thời tham vấn cho nhiều doanh nghiệp hai nước kết nối trong lĩnh vực IT.
Về đầu tư, bên cạnh dự án Trung tâm dữ liệu mà Cơ quan Thương vụ đang làm việc, công nghệ blockchain do doanh nghiệp Việt Nam có tên Auschain mở tại Australia đang được Thương vụ giới thiệu đến ngành nông nghiệp của Australia trong việc truy xuất các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, đồng thời đang kỳ vọng kết nối để thúc đẩy sàn giao dịch tín chỉ carbon bằng công nghệ blockchain, cũng như đang tư vấn các doanh nghiệp fintech Australia tham gia thị trường Việt Nam.
Theo Tham tán Nguyễn Phú Hòa, Việt Nam và Australia đều quan tâm đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó nhiều dự án đang được Thương vụ kết nối. Về hướng hợp tác lớn, ông cho rằng việc thúc đẩy hợp tác chuỗi sản xuất nguyên phụ liệu xanh sẽ mang lại ý nghĩa lâu dài. Ví dụ, gần đây Cơ quan Thương vụ đẩy mạnh quảng bá vải và sản phẩm dệt may thân thiện với môi trường tại Australia cũng như các sản phẩm của nông nghiệp tuần hoàn.
Tham tán Nguyễn Phú Hòa vui mừng cho biết, trong những ngày cuối năm, khi vận động các nhà hàng Việt dùng chuỗi nguyên liệu từ Việt Nam, cầm trong tay chén đĩa Bát Tràng ở hệ thống nhà hàng An Việt, bà con kiều bào không khỏi tự hào. Ông kỳ vọng đề án công nghiệp văn hóa sẽ cung cấp được “bộ nhận diện văn hóa dân tộc” để có thể quảng bá hình ảnh quốc gia trước, sau đó quảng bá sản vật./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()