Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:23 (GMT +7)
Xuất khẩu gừng, nghệ và gia vị khác giảm 28,3% về lượng, tăng 9,9% về kim ngạch
Thứ 2, 04/11/2024 | 09:50:32 [GMT +7] A A
9 tháng, Việt Nam đã xuất khẩu được 21.841 tấn gừng, nghệ và gia vị với kim ngạch đạt gần 45 triệu USD, giảm 28,3% về lượng nhưng tăng 9,9% về kim ngạch.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 9 tháng năm 2024 Việt Nam đã xuất khẩu được 21.841 tấn gừng, nghệ và gia vị, tổng kim ngạch đạt gần 45 triệu USD, giảm 28,3% về lượng nhưng tăng mạnh 9,9% về kim ngạch.
Các thị trường xuất khẩu chính của gừng, nghệ và gia vị của Việt Nam lần lượt là Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia.
Hiện nay, nước ta đứng thứ 3 thế giới về cung cấp và chế biến gia vị sau Ấn Độ và Trung Quốc, toàn ngành gia vị Việt Nam có 14 nhà máy có trình độ công nghệ chế biến sâu. Trước đó trong năm 2023, xuất khẩu gừng nghệ và một số gia vị khác đạt 34.976 tấn với trị giá xuất khẩu đạt 49,3 triệu USD, tăng mạnh 222,4% so với năm 2022. Hiện có 30 doanh nghiệp thành viên của VPSA tham gia xuất khẩu gừng, nghệ, cùng với khoảng 80 doanh nghiệp khác ngoài VPSA.
Đặc biệt, đối với củ gừng, là mặt hàng quen thuộc, bình dân với người Việt Nam nhưng ra nước ngoài, gừng lại rất được săn lùng, ưa chuộng và được giá.
Gừng Việt Nam thường được xuất khẩu dưới dạng đông lạnh, ngoài ra gừng chế biến của Việt Nam cũng được tiêu thụ khá mạnh, thường được dùng để làm gia vị và được sử dụng để hỗ trợ hoạt động hệ tiêu hóa, giảm buồn nôn, giúp chống lại bệnh cúm và cảm lạnh thông thường.
Đặc biệt, mứt gừng là sản phẩm rất được ưa chuộng tại các nước xứ lạnh. Ngoài chất lượng thơm, ngon, gừng Việt giá cũng rẻ hơn so với hàng nội địa tại các nước.
Cùng nhóm gia vị với gừng là củ nghệ. Nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ, và dù phổ biến tại Việt Nam là vậy nhưng đây lại là một loại củ gia vị hiếm có khó tìm trên thế giới, chỉ có tại một số quốc gia nhiệt đới như Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Nilgeria.
Việt Nam là một trong những quốc gia có diện tích trồng nghệ lớn nhất thế giới, với hơn 50.000 ha (tính đến năm 2021), chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông... Nghệ Việt Nam có chất lượng tốt, hàm lượng curcumin cao, từ 3-5%.
Đối với nghệ, tinh bột nghệ là mặt hàng được nhiều quốc gia săn đón nhất. Tinh bột nghệ của Việt Nam được đánh giá có màu sắc đẹp, mùi thơm dễ chịu, giữ nguyên được hàm lượng curcumin trong nghệ, là hoạt chất có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và làm đẹp; chống ung thư, hỗ trợ tiêu hóa, bảo vệ gan, tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện trí nhớ và làm trắng da.
Dự kiến tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gia vị của Việt Nam đến năm 2025 có thể đạt khoảng 2 tỷ USD, với khối lượng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()