Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:44 (GMT +7)
Xuất khẩu gạo và rau quả tăng đột biến
Thứ 5, 20/07/2023 | 09:35:34 [GMT +7] A A
Ngày 19/7, tại cuộc họp sơ kết công tác phát triển thị trường 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, bên cạnh sự suy giảm xuất khẩu nhóm lâm sản và thủy sản ở mức tương ứng khá cao là 28,2% và 27,4%, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt cơ hội để gia tăng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc và các thị trường khác nên xuất khẩu gạo và rau quả có sự gia tăng đột biến với mức tương ứng là 34,7% và 64,2%.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, nhu cầu gạo của một số nước thời gian tới tăng cao, nhưng khả năng khó đáp ứng được nhu cầu. Sản lượng lúa hàng hóa chỉ đạt 6,5 triệu tấn, song đến nay đã xuất khẩu được 4,5 triệu tấn. Do tình hình nguồn cung không cao, các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với số lượng lớn.
Với rau quả, trong 6 tháng cuối năm, dự báo xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng nếu các doanh nghiệp chú trọng chất lượng, cải tiến mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường Trung Quốc nửa đầu năm tăng trưởng khá (7,7%), với những mặt hàng tăng mạnh về giá trị là rau quả, gạo, hạt điều và chè. Dự báo từ nay tới cuối năm, xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ duy trì tăng trưởng nhẹ khi một số nhóm hàng như rau quả, gạo, điều vẫn có thể duy trì tăng trưởng. Các mặt hàng suy giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm như gỗ, thủy sản, sắn có thể phục hồi nhẹ trong 3 tháng cuối năm.
Với thị trường này, ông Nguyễn Như Tiệp cho biết sẽ triển khai các kết quả của Đoàn công tác lãnh đạo Bộ sang làm việc với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Đặc biệt, tập trung vào việc ký Bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) vào tháng 9 tới nhân dịp Hội chợ CAEXPO diễn ra tại Quảng Tây; xem xét phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) để tổ chức kết nối, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Hội chợ này.
Bên cạnh đó, xúc tiến thành lập “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Quảng Tây” và “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Vân Nam”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thúc đẩy kỹ thuật để sớm ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường ASEAN cũng có sự tăng trưởng khá (12,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Điển hình xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Indonesia tăng trưởng vượt bậc (300,3%) nhờ mặt hàng gạo, cà phê…
Nhìn từ sản phẩm thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, tín hiệu xuất khẩu của thị trường châu Á có thể cao hơn châu Âu và Hoa Kỳ. Hy vọng nửa cuối năm, xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Á sẽ “đỡ” cho các thị trường khác.
Trái ngược với sự khả quan của thị trường Trung Quốc và ASEAN thì xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản vẫn sụt giảm mạnh. Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giảm 32,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực, chỉ có mặt hàng cà phê tăng trưởng.
Tiêu dùng của người dân thị trường Hoa Kỳ đã phục hồi nhưng còn chậm, các nhóm hàng chiếm thị phần xuất khẩu lớn như gỗ và thủy sản có thể có nhu cầu tăng nhẹ vào 3 tháng cuối năm. Hoa Kỳ đã trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 5/2023 và điều đó cho thấy tín hiệu tốt từ thị trường này.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, Bộ sẽ tập trung triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối phát triển thị trường nhằm thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Với thị trường Hoa Kỳ, thông qua hệ thống Tham tán nông nghiệp, Tham tán thương mại để kết nối giao thương với các doanh nghiệp logistic, đầu mối phân phối nông sản tại thị trường này với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức “Diễn đàn trực tuyến kết nối sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm nước lợ” vào ngày 21/7/2023; thông qua các Hiệp hội của Hoa Kỳ để tìm kiếm các tiểu bang nhập khẩu nhiều nông sản Việt để tổ chức làm việc, trao đổi, kết nối xúc tiến sản phẩm nông sản vào thị trường này.
Với thị trường Nhật Bản, Bộ sẽ xem xét tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm trái cây bên lề các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản và Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản vào tháng 12/2023 tại Tokyo.
Để cập nhật phổ biến thông tin, quy định, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS Việt Nam) tiếp tục chủ trì họp thường xuyên, định kỳ với các cơ quan chuyên ngành để nắm bắt, trao đổi thông tin về các quy định, cảnh báo và xử lý các rào cản của thị trường xuất khẩu.
Định kỳ hàng quý, các đơn vị của Bộ tổ chức các hoạt động phổ biến quy định của thị trường, thông tin về thị hiếu tiêu dùng thông qua các Tham tán thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại các thị trường, định hướng sản xuất đến các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()