Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:00 (GMT +7)
Xuất khẩu chuyển hướng vào sân nhà
Thứ 6, 23/06/2023 | 09:27:00 [GMT +7] A A
Trong khi nhiều ngành xuất khẩu gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng, vẫn có nhiều doanh nghiệp (DN) ở TPHCM tìm cách thay đổi phương thức sản xuất, đặc biệt là quan tâm đầu tư vào thị trường nội địa.
Củng cố thị trường nội địa
Mặc dù có thị trường tới 28 quốc gia nhưng Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food) chuyên xuất khẩu nha đam và thạch dừa vẫn chú trọng đầu tư nhiều sản phẩm chất lượng phục vụ nội địa. Trên nông trại đặt ở tỉnh Ninh Thuận, DN này trồng đủ loại trái cây như dưa lưới, nho, táo, ổi, thanh long… theo phương thức hữu cơ và bán trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty G.C Food, khẳng định: “Chúng tôi chưa xuất khẩu các dòng sản phẩm này mà chủ yếu chú trọng thị trường trong nước. Công ty đầu tư vào chất lượng, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và các chế phẩm sinh học trong canh tác nên trái cây rất ngon và sạch; thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Bên cạnh đó, mẫu mã, bao bì cũng được chúng tôi đầu tư kĩ lưỡng. Tôi cho rằng nên tận dụng lợi thế sân nhà để bán hàng, không chỉ chăm chăm vào xuất khẩu”.
G.C Food đang xây dựng nhà máy nước ép tại các tỉnh Nam Trung bộ, góp thêm kênh tiêu thụ trái cây nội địa, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, bà Vưu Lệ Quyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên (Biti’s), cho biết, để vượt qua khó khăn, DN tập trung vào phân khúc giới trẻ, mở rộng thêm các kênh phân phối ở thị trường nội địa. Bên cạnh đó, công ty nỗ lực hướng tới phát triển bền vững với việc nghiên cứu, tái chế vật tư dư thừa, góp phần xanh hóa sản xuất. Biti’s cũng chủ động tìm thêm đối tác cung ứng nguyên liệu và mở rộng đầu ra để tiếp tục phục hồi sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.
Chờ kinh tế đảo chiều
Trao đổi với PV Tiền Phong về tình hình đơn hàng, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Nhựa - Cao su TPHCM, cho biết, 6 tháng đầu năm, đơn hàng rất kém. Phần lớn DN giảm đơn hàng từ 20 - 30%, thậm chí có nơi giảm tới 50%, chủ yếu rơi vào các sản phẩm không thiết yếu. Hiện nay, đơn hàng 6 tháng cuối năm chưa khởi sắc, có thể tình hình khó khăn sẽ tiếp tục kéo dài thêm một quý nữa trước khi có những tín hiệu tốt hơn.
“Để DN có thêm thị trường, đơn hàng… đòi hỏi họ phải đi nhiều hơn, tham gia các triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, tìm cách chinh phục khách hàng. Phải bán cái thị trường cần, không ngừng sáng tạo đổi mới sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng nếu muốn tham gia vào thị trường thế giới”, ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Thông tin tình hình kinh tế - xã hội TPHCM 5 tháng đầu năm, ông Trần Phước Tường, Phó cục trưởng Cục Thống kê TPHCM, cho biết, thành phố có nhiều tín hiệu đáng mừng như sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hoá 5 tháng tăng 9,4% so cùng kỳ. Sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của kinh tế TPHCM khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn còn không ít khó khăn. Tốc độ tăng trưởng đã tăng lên 5,87% nhưng thành phố vẫn nằm trong mức trung bình thấp của cả nước. Tình hình xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do thị trường châu Âu, châu Mỹ vẫn chưa phục hồi mặc dù tiêu dùng trong nước đã dần đi vào ổn định. “Từ nay đến cuối năm, TPHCM cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, thành phố tập trung hỗ trợ DN, kiềm chế lạm pháp, tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công. Ngoài ra, TPHCM nên có giải pháp để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tăng cường xúc tiến đầu tư, thay thế, bổ sung các thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống đang gặp khó khăn…”, ông Tường nói.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()