Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:43 (GMT +7)
Xuất khẩu cá tra: Cơ hội mới sau 20 năm vướng vụ kiện bán phá giá
Thứ 4, 18/09/2024 | 16:00:00 [GMT +7] A A
Ngành cá tra Việt Nam nhận tin vui khi DOC công bố nhiều nhà xuất khẩu cá tra không bị áp thuế chống bán phá giá, đây là bước ngoặt giúp tăng trưởng xuất khẩu.
Sau hai thập kỷ phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa thông tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra hành chính xem xét lại lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi lê - đông lạnh của Việt Nam cho giai đoạn từ 1/8/2022 đến 31/7/2023 (POR20).
Kết quả cho thấy, 8 công ty xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam không có hành vi bán phá giá vào thị trường Mỹ, do đó sẽ không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào.
Danh sách các công ty này gồm: Công ty CP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp); Công ty TNHH Biển Đông (Bien Dong Seafood); Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (CASEAMEX); Công ty TNHH Thủy sản Đại Thành; Công ty TNHH Một thành viên thủy sản Đông Á (DONG A SEAFOOD); Công ty Hùng Cá 6; Công ty CP Nam Việt (NAVICO) và Công ty CP Thủy sản NTSF (NTSF SEAFOODS).
Hiện, Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vì vậy DOC đã sử dụng các giá trị thay thế của quốc gia thứ ba (Indonesia) để tính toán biên độ phá giá cho cá tra. Việc chọn Indonesia là do có sự tương đồng về kinh tế và sản xuất hàng hóa tương tự.
Theo quy định, sau 120 ngày công bố kết quả sơ bộ, DOC sẽ thông báo kết quả cuối cùng thuế POR20. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, kết quả cuối cùng có thể khác với đánh giá sơ bộ. Việc nhiều công ty không bị áp thuế sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành cá tra trong việc gia tăng xuất khẩu vào Mỹ, đặc biệt là vào các tháng cuối năm.
Ngành cá tra Việt Nam đang đối diện với cơ hội lớn khi nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng tại Mỹ đang tăng cao. Thị trường Mỹ cũng đang thiếu hụt một số loại cá thịt trắng, tạo điều kiện thuận lợi cho cá tra. Tuy nhiên, ngành này cũng cần phải chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía các nhà nhập khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cần chủ động nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới và đáp ứng nhu cầu thị trường. Việc chuẩn bị cho các lễ hội và sự kiện cuối năm cũng là yếu tố quan trọng giúp gia tăng đơn hàng.
Ông Trần Văn Quang - Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản Miền Nam (South Vina) - cho biết: "Tin vui này không chỉ mang lại hy vọng cho 8 công ty xuất khẩu cá tra trên mà còn là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường. Doanh nghiệp cần tận dụng thời điểm này để gia tăng sức cạnh tranh và tìm kiếm thêm khách hàng mới”.
Thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ được coi là bước ngoặt lịch sử cho ngành cá tra Việt Nam sau hai thập kỷ đầy khó khăn. Sự miễn thuế chống bán phá giá không chỉ giúp các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải duy trì sự chủ động và linh hoạt để thích ứng với biến động thị trường, từ đó khẳng định vị thế của cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 8 tháng năm 2024 đã tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là “điểm sáng” trong khi xuất khẩu cá tra sang thị trường hàng đầu khác là Trung Quốc trong 8 tháng qua đã sụt giảm 3% so với năm 2023.
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()