Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:53 (GMT +7)
Xuân về trên những đồi chè
Chủ nhật, 30/01/2022 | 09:02:45 [GMT +7] A A
Trong cái nắng hanh hao nhè nhẹ của những ngày giáp Tết, những đồi chè lúp xúp, xanh non lộc xuân càng thêm bắt mắt những người đặt chân đến Hải Hà dịp này. Sản phẩm chè Hải Hà hiện không chỉ tạo chỗ đứng trên thị trường tỉnh, trong nước, mà còn xuất khẩu sang một số nước trên thế giới.
Nồng ấm hương chè ngày Tết
Quê tôi ở Hải Hà. Ngày còn nhỏ, dịp gần Tết Nguyên đán, tôi và các em họ thường cùng ông nội ra hái những búp chè non trong vườn. Tối đến, các cháu lại quây quần bên bếp lửa xem ông sao chè. Chiếc chảo gang to, sâu lòng được ông đặt lên bếp cho thật nóng, sau đó thả những búp chè xanh tươi rói vào. Bàn tay gân guốc không ngừng đảo chè thật đều cho đến khi những cánh lá khô cong, cuộn lại chuyển màu nâu xanh là được mẻ chè thơm phức. Những ngày Tết, các cụ trong xã đến chơi, chúc Tết, thưởng (ngắm) đào... lại cùng ông tôi khề khà bên những ấm trà nóng tỏa hương ngan ngát.
Dịp gần Tết Nguyên đán 2022 này, tôi lại được hái chè xuân, nhưng là hái cùng với bà con ở thôn 5 (xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà). Trên những vườn chè san sát ở xã tràn ngập tiếng nói cười của bà con nông dân; không khí chuẩn bị đón một năm mới thật rôm rả. Mặc dù trò chuyện, hỏi thăm nhau, nhưng đôi tay họ vẫn thoăn thoắt hái những búp chè non.
Ông Hoàng Văn Thường, một trong những hộ có diện tích chè lớn (1ha) của huyện, cho biết: “Để có lứa chè xuân phục vụ vào dịp Tết, trước đó 2 tháng, bà con đã cắt bạt chè xuống thấp, sau đó chăm sóc, bón phân. Tầm mùng 10 đến 20 tháng Chạp, thu hoạch các búp chè. Chè giáp Tết Nguyên đán thường cho ra búp non, mềm, khi sao cong, lên màu đẹp hơn. Lúc thu hái, bà con chỉ hái 1 tôm 2 lá. Chè hái tay được sao chế để tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; vị chè xuân thường đậm đà hơn các mùa khác”. Mỗi vụ thu hoạch, ngoài lực lượng lao động của gia đình, ông Thường còn thuê 4-5 nhân công là lao động trên địa bàn thôn để thu hái, vận chuyển chè đi tiêu thụ.
Thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu ở Hải Hà rất hợp với cây chè. Trước kia, phần lớn diện tích chè nơi đây thuộc Nông trường chè Đường Hoa. Còn lại là một số hộ dân trồng diện tích nhỏ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của gia đình. Đến thời kỳ đổi mới, khi Nông trường được cổ phần thành Công ty, diện tích chè được giao lại cho các hộ công nhân để chăm sóc, tiêu thụ... Cùng với Công ty CP chè Đường Hoa, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè cũng được thành lập. Với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, của huyện, diện tích chè Hải Hà ngày càng tăng; nhất là khi huyện, tỉnh triển khai một số đề án phát triển vùng chè trên địa bàn; thay thế các giống chè cũ bằng giống mới cho năng suất cao, chất lượng ngon hơn. Không chỉ gia đình ông Thường, nhờ trồng chè, kinh tế của nhiều hộ dân huyện ngày càng khấm khá.
Khẳng định thương hiệu chè Đường Hoa
Được xác định là cây công nghiệp có chất lượng và giá trị kinh tế cao, nhưng cây chè nơi đây cũng trải qua một số giai đoạn lao đao. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền huyện, sự đồng lòng chung sức của các doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân, vùng chè Hải Hà tiếp tục được duy trì ổn định.
Hiện toàn huyện có hơn 2.000 hộ dân trồng chè, tổng diện tích 805ha; trong đó hơn 454ha giống chè trung du lá nhỏ (chè cũ), trên 528ha giống chè chất lượng cao, như LDP1, LDP2, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Ô Long, Ngọc Thuý... Thông qua công tác tập huấn, chuyển giao các quy trình kỹ thuật về giống mới, kỹ thuật thâm canh bền vững, năng suất cây chè được cải thiện, đạt 8-8,5 tấn/ha/năm. Sản lượng chè búp tươi của huyện năm 2021 đạt 6.350 tấn.
Hải Hà hiện có 4 cơ sở chế biến chè lớn, tập trung tại xã Quảng Long, công suất thực tế sản xuất từ 3-12 tấn búp tươi/ngày trong mùa sản xuất. Ngoài ra, một số hộ dân sử dụng các thùng sao mini với công suất 2-3 tạ búp tươi/ngày. Phần lớn hộ trồng chè bán chè tươi nguyên liệu cho những cơ sở chế biến lớn của huyện. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã hỗ trợ 32 máy hái chè cho người dân 2 xã Quảng Long, Quảng Thịnh; hỗ trợ nâng cấp 4 xưởng chế biến và lắp đặt dây chuyền chế biến tiên tiến, trong đó có 2 cơ sở thực hiện theo quy trình sản xuất an toàn thực phẩm (Cơ sở chế biến chè Dũng Nga, Cơ sở chế biến chè Lê Văn Toàn).
Việc nâng cấp các cơ sở và dây chuyền chế biến để sản xuất các sản phẩm chè chất lượng, có giá trị cao cũng làm thay đổi cơ cấu thị trường và giá thu mua nguyên liệu tươi của các cơ sở chế biến. Năm 2021, các cơ sở này thu mua nguyên liệu với giá từ 7.000-8.000 đồng/kg đối với chè trung du, 10.000-12.000 đồng/kg đối với chè Ngọc Thúy. Riêng sản phẩm chè hái tay đạt tiêu chuẩn được cơ sở chế biến đặt hàng, thu mua với giá 30.000 đồng/kg để chế biến sản phẩm chè xanh chất lượng cao. Sản phẩm chè của các cơ sở sản xuất chính với thương hiệu chè Đường Hoa được xếp hạng 3-4 sao trong chuỗi sản phẩm OCOP và nằm trong Danh mục 12 nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Ông Trần Sỹ Dũng, Giám đốc Cơ sở chế biến chè Dũng Nga (thôn 8, xã Quảng Long), cho biết: "Mỗi tháng chúng tôi thu mua khoảng 200 tấn búp tươi của bà con, qua đó sao chế được khoảng 40 tấn chè khô. 85% lượng này dưới dạng nguyên liệu thô để xuất khẩu sang Trung Quốc và một số nước Trung Đông; 15% còn lại thuộc giống chè cao cấp như Ngọc Thúy, Ô Long..., chúng tôi tinh chế để tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Cơ sở đang tích cực sản xuất chè xuân để phục vụ nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh đón Tết”.
Sản phẩm chè Hải Hà giờ đây đa dạng về phân khúc thị trường từ bình dân đến cận cao cấp... Sản phẩm chè của huyện ngày càng khẳng định thương hiệu, dần có chỗ đứng trên thị trường nội địa. 90% sản lượng chè trên địa bàn huyện được các cơ sở chế biến xuất sang thị trường Trung Quốc và một số nước thuộc khu vực Trung Đông dưới dạng nguyên liệu sơ chế thô. Đây là cơ sở vững chắc để cho ngành chè Hải Hà tiếp tục phát triển, tạo và tăng nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()