Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:09 (GMT +7)
Xuân về ký ức xa xăm
Thứ 6, 09/02/2024 | 08:21:56 [GMT +7] A A
Lại một mùa xuân nữa sang. Lại một cái Tết nữa đến. Thời gian chảy một dòng thác vô tận. Biết rằng nó vẫn mang năm nối năm theo quy luật bốn mùa, song người Việt ta, làng Việt ta bao giờ cũng vẫn một cảm giác bồi hồi đón đợi. Mùa xuân đổi mới đất trời, đổi mới cả thể xác và tâm hồn con người cùng vạn vật...
Xuân về, tựa một quyển sách mới mở ra. Tết đến, tựa những câu chuyện được kể lại. Trước hết, đón xuân, ngôi nhà, cái tổ ấm mình ở ai cũng muốn mới ra. Vùng quê tôi, nhà cửa, bàn thờ ngày tết được đặc biệt chú trọng. Tết đến xuân về, người ta muốn dành cho nó sự chăm sóc thật đầy đặn, thiêng liêng. Đó là bộ mặt, là chiếc "vương miện" của mỗi gia đình. Ngày xưa, bàn thờ bao giờ cũng được đặt ở gian giữa, một vị trí trang trọng nhất. Thời “Làng hóa phố” xây cất nhiều nhà cao tầng thì người ta đặt hẳn một gian hoặc một cái "tum" tầng trên cùng.
Giàu hay khó, chiều ba mươi tết, dù sang hay nghèo, thì nhà nào cũng cố trưng bày sao cho gian thờ đẹp đẽ, phong phú sắc màu, thơm thảo hương vị. Cách bày biện thì cơ bản chung motip: Trên tường treo bức đại tự hoặc cuốn thư, đôi câu đối với chữ nghĩa hợp theo gia cảnh. Dưới là bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy, trưng bày mâm quả tươi tốt, ống hương, lộc bình, lọ hoa rực rỡ. Bàn thờ không chỉ có ý nghĩa tôn phụng tổ tiên, nâng cao thẩm mĩ thờ cúng, mà còn có ý nghĩa giao tiếp, đón đợi người xông nhà và bạn bè khách khứa đến thăm chúc Tết.
Trước bàn thờ Tết bày đầy đặn mâm ngũ quả và mâm cỗ cúng tất niên, thắp năm nén nhang, tôi run run cúi đầu vái lạy. Lặng đi trong giây lát quyện hòa tâm hồn với những nét khói nhang trầm tỏa lan, tôi chợt bâng khuâng nhớ về cha mẹ những ngày này xa mấy chục năm...
Những ngày tháng ấy trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đời sống khó khăn lắm vì thiếu thốn đủ thứ. Mâm quả ngày Tết cũng khó bói được nải chuối, đến nỗi một thời người ta phải vẽ cả cái mâm bồng có nải chuối, quả bưởi để treo trên tường giữa ban thờ. Nhà tôi, cha tôi vẫn dành dụm từng đồng để mua một quyển lịch nhỏ chỉ cỡ bàn tay in bằng giấy rơm mỏng còn dính bã. Ông đóng quyển lịch lên lưng chừng cây cột nhà gần góc bộ tràng kỷ, hằng ngày chúng tôi cũng có thể nghển chân lên bóc được.
Chỉ còn vài ngày áp Tết. Gà gáy, đêm cuối năm lạnh ngắt. Cha đã dậy ngồi đọc sách trên bộ tràng kỷ, cạnh ngọn đèn con, bên ấm trà vân hoặc trà vối ủ nóng trong chiếc giỏ tre. Ánh mắt của người đằm sâu trong những điển tích. Những điển tích ấy ông thường đem lồng kể trong những bữa cơm cho anh em chúng tôi nghe. Chuyện cụ Nguyễn Du viết Truyện Kiều. Chuyện Nguyễn Trãi giúp Lê Lợi đánh giặc Minh. Chuyện Mạc Đĩnh Chi đi sứ bên Tàu nhanh trí vò nát bức tranh thêu chim tước đậu trên cây trúc. Chuyện bên Trung Quốc, đời Tấn, ông Vương Nhung làm tới chức tể tướng. Nhà có cây mận quý, ông ta sai gia nhân dùi giập hạt mận trước khi đem ra chợ bán vì sợ thiên hạ lấy mất giống... Cha tôi bảo: Ông ta thâm hóm thế thôi nhưng làm sao ngăn nổi sự phát triển của thiên hạ! Thiên hạ đến nay nơi đâu cũng vẫn đầy giống mận quý.
Lần nào tôi cũng thấy cha tôi ngồi tư lự một lúc lâu ngẫm ngợi trước những trang sách. Có những lúc hai khóe mắt ông ướt lệ. Hạ quyển sách xuống mặt kỷ chè, cẩn thận cầm chiếc xe điếu đè lên giữa hai trang, cha tôi lấy con rựa cùng những khúc tre giây đã chặt sẵn để dưới gầm chiếc sập cổ, ra hiên chẻ lạt. Những sợi lạt tre óng và mỏng được chuốt ra xếp tăm tắp trên nền gạch.
Khi mảnh sân đã sáng ánh ban mai, cha đem lạt ra rải đón nắng để phơi. Liệu cơ, về chiều cha xặm lại thành từng bó trăm một, cất lên giàn bếp. Bó để dành buộc mạ, buộc lúa vụ chiêm. Bó đợi buộc bánh chưng ngày Tết. Những sợi lạt tre giây khô giòn khi ngâm nước sẽ rất dẻo mềm, gói bánh đã mịn, buộc mạ đã chặt, lại chẳng đau tay. Cha tôi, thoạt trông ai cũng tưởng thư sinh, lúc nào cũng thấy đọc sách, nhưng ông lại rất thạo việc ruộng đồng. Cha gói bánh chưng rất khéo, cái nào cũng vuông đều chằn chặn; bó mạ cũng vậy, cái nào cũng tầm tầm như những đứa trẻ lên ba ngồi xếp hàng trên bờ ruộng...
Mẹ tôi, nhiều lúc tôi cứ nghĩ trên đời này chỉ có bà là một, một người đàn bà hiền lành, nhân hậu và chịu khó, chịu khổ. Cả ngày mẹ bám lấy công việc đồng áng, bếp núc, chợ búa rồi đan lát, khâu vá. Sáng sớm còn tối đất, mẹ đã cho lợn cho gà ăn xong, đã gói mo cơm hoặc những nắm cơm chim nho nhỏ để sẵn trong chạn bát cho anh em chúng tôi trưa đi học về ăn khỏi đói. Hình như lúc nào bà cũng sợ chồng con bị đói. Đói thì khó đọc sách, khó học được chữ vào đầu!
Mọi thứ nội trợ thu xếp đâu đấy bà mới ra đồng nhổ cỏ, tát nước, khom lưng trên mảnh ruộng xanh non lúa con gái. Nắng mưa dãi dầu, chịu đựng, mẹ nhặt từng gié lúa, gom từng chiếc lá khô, cành củi cho nồi cơm chín cho con được ấm bụng. Từng sợi tóc sau khi chải đầu buổi sớm bà cũng vo tròn lại đem giấu lên mõ tre mái nhà bếp để đợi bán cho “hàng chè chai lông vịt”, gom lấy tiền mua sách cho chúng tôi tới trường... Cơm làm ruộng, cá kiếm sông. Bữa cơm nhà tôi thường ngày chỉ rau muống chấm mắm cáy, bát tép đồng rang lá chanh, mớ cá rô nấu canh rau cải, lâu lâu mới có con cá biển mua ngoài chợ làng, món thịt lợn rang hành... Đã bao nhiêu năm rồi mà hương vị những món ăn quê kiểng ấy còn thơm ngon béo ngậy đến kỳ lạ. Nhiều khi mẹ tôi ngồi bên mâm nhịn vậy, dành cho cha con chúng tôi từng muôi cơm trắng nguyên. Còn khoai khô, hạt ngô, miếng sắn... mẹ dồn vào bát của mình.
Lo cho Tết sắp đến, mẹ tôi dọn đám củi khô gọn lại, chất đống ở góc vườn rồi lấy rơm đậy lên. Mẹ bảo: Củi này để luộc bánh chưng đêm giao thừa, lửa cháy đượm, bánh mới rền ngon!
Suốt chiều ba mươi anh em chúng tôi thường thức cùng mẹ đến tận khuya. Dưới nồi bánh chưng, củi tiếp không ngơi cho ngọn lửa. Ngọn lửa cháy rất đều đun cho nồi bánh sôi sùng sục, tỏa hơi. Liệu cơ đoán chừng bánh đã chín rền, chúng tôi xúm vào cùng mẹ bắc ra. Nồi bánh chưng nghi ngút khói hơi, nóng hôi hổi. Mẹ vớt những chiếc bánh nhúng vào chậu nước lạnh để sẵn bên cạnh rồi xếp lên chiếc mâm gỗ cho ráo nước. Xong đâu đấy, bà lấy hai tấm ván cùng mấy viên gạch chỉ hoặc chiếc cối đá giã cua đè lên, ép bánh cho chặt. Và thế nào anh em tôi cũng được cha gói dành sẵn cho mỗi đứa một chiếc bánh con con.
Tôi không quên hình ảnh mẹ tôi sau khi vớt xong nồi bánh chưng, đến gần giao thừa, mẹ thường sai hai anh em tôi ra đường nhặt một viên gạch hoặc ra sào ruộng ven làng xới một hòn đất nhỏ, sau đó mang về ngay. Lúc về, đã thấy mẹ đợi sẵn, mở rộng hai cánh cổng đón chúng tôi. Làn gió xuân lành lạnh cũng đâu đó theo vào. Bà vội vàng nói: Sang canh rồi! U mừng tuổi cho anh em các con hay ăn chóng lớn, vô bệnh, vô tật, học năm biết mười!. Từ ấy quen lệ, cứ đến sắp giao thừa, liệu cơ mẹ bảo, chúng tôi hiểu ý, liền rủ nhau đi, rồi về chúc phúc cha mẹ và cả nhà. Chúng tôi được ra vốn những đồng hai xu, năm xu mới toanh (hồi đó đồng xu kẽm giá trị lắm).
Khi tiếng pháo tép nổ râm ran khắp đất trời, cả nhà tôi rộn rực hẳn lên. Mẹ tôi bưng lên mâm cỗ cúng giao thừa. Mâm cỗ bày đủ thứ: Đĩa thịt lợn, thịt gà, có bánh chưng, bánh gio bóc sẵn, có đĩa bánh rán, bánh chánh gừng, bánh gai bánh mật. (Sau này cho đến bây giờ, vợ tôi cũng vẫn làm theo nếp mẹ tôi như thế khi soạn cỗ cúng giao thừa). Cha tôi thắp nén hương lầm rầm khấn vái. Khói hương trầm vấn vít. Mùi hương trầm ấm áp. Cả ngôi nhà như chợt đổi sang một không gian nao nao mới lạ. Cha bảo tôi: "Con đến bóc tờ lịch ngày cũ đi cho thầy!" Tờ lịch mới ngày mồng một Tết đỏ chói màu chữ hiện ra, cha tôi trịnh trọng thắp năm nén hương quỳ xuống trước bàn thờ khấn vái tổ tiên. Có lần tôi tò mò hỏi:
- Sao thầy lại đốt năm nén, mà không thắp ba nén như thường ngày?
- Năm nén để cầu ngũ phúc con ạ! Rồi ông giải thích: Ngũ phúc gồm năm điều Phúc con người phấn đấu để có được trong gia đình: Phú, quý, thọ, khang, ninh...
Cha tôi ra sân, giơ bàn tay hứng lên vòm trời. Ông bảo: Giao thừa mà có bụi mưa bay lất phất rồi trời sáng thế này là năm nay bàn dân thiên hạ sẽ được mùa, sẽ bớt nạn binh đao...
Không gian buổi sáng đầu tiên trong trẻo của mùa xuân mở ra.
Sáng mồng một Tết, mẹ tôi đã chuẩn bị nồi nước nấu cây mùi già gọi chúng tôi ra chạn nước rửa mặt. Chiếc khăn mặt ngâm trong thau nước ấm được vắt khô mà khi lau lên mặt vẫn sực nức hương cây mùi già bốc hơi như khói mỏng, thật thú vị. Nó loang thơm cả mảnh sân lành lạnh gió xuân. Cành đào ngoài vườn ghé vào, la đà khoe những nụ hoa như những đốm giấy lụa hồng.
Cả nhà tôi ai cũng háo hức chờ đón người đến mở ngõ xông nhà. Người dân quê tôi rất coi trọng tục xông nhà, chúc Tết. Ngày xưa, người ta thường đề cao “một vía trai bằng hai vía gái”. Sáng mồng một Tết có vía trai đến nhà đầu tiên: Một đứa bé, một cậu học trò, một thanh niên, một lão nông khoẻ mạnh... là y như gia chủ mặt mày rạng rỡ, cảm thấy năm đó làm ăn dễ chịu, may mắn, phát tài. Chả thế mà nhiều người còn dặn trước, còn thuê trước trong năm một thằng bé hàng xóm sang xông nhà...
Sáng mồng một, mẹ thường dắt anh em chúng tôi ra chùa làng. Bà đội một mâm oản cùng hoa quả. Anh em tôi lẽo đẽo theo sau. Trong mắt trẻ thơ sáng nay nhìn cái gì trong làng trong xóm cũng mới. Mới từ bức tường quét vôi, tiếng chim hót trên rặng tre, cây khế. Mới từ mái ngói, mảnh sân, hàng cau, cành đào nhà ai run rẩy thò ra ngoài đường khoe những chấm hoa. Mải nhìn hai bên đường xóm thỉnh thoảng tôi lại vấp ngã chúi về phía trước.
Đã tới cổng chùa. Hương trầm cùng tiếng mõ đều đều vọng ra, khiến tôi chợt nghĩ tới tiếng gõ phàng bằng ống tre gọi cá của ông bác rể tôi hay đi đánh lưới cá rô trên dòng sông cắt ngang qua cánh đồng. Ngôi chùa nhỏ nằm ẩn trong khu vườn xung quanh bọc bởi những rặng tre xanh. Ngọn tre mùa này cong rủ như những ngọn cầu vồng ôm lấy mái ngói lá đa rêu phong cổ kính. Lá tre già rụng bay chấp chới nhẹ nhàng rơi xuống nom như những cánh én sang mùa. Chờ mẹ đặt mâm lễ và thắp những nén hương, chúng tôi chắp tay nhìn lên tượng Phật. Em tôi vừa giơ tay định trỏ, tôi vội ấn tay nó cụp xuống: Mẹ bảo không được trỏ tay vào bụt, biết chưa? Phải tội đấy! Rồi chúng tôi cúi lạy, đúng là những cái cúi lạy của trẻ con cứ lia lịa, lia lịa, quá đỗi vô tư!
Đi lễ chùa về, mẹ lại dắt chúng tôi vào nhà thờ họ. Cha tôi đã đến từ lúc nào. Ông đang thắp hương, khấn vái. Cha bảo: Đây là nhà thờ họ nội của các con. Nhà thờ thờ phụng tổ tiên là các vị thủy tổ và tiên công đầu tiên của họ ta từ kinh thành Thăng Long xuống đây lấn biển đắp đê, lập ấp dựng làng. Từ đốm lửa chài của các cụ đốt giữa đêm hoang, qua gần 600 năm rồi, ta mới có vùng quê Hà Nam với xóm làng, ruộng đồng trù phú cho dân cày cấy, "an cư lạc nghiệp" đến ngày nay. Hà Nam là vùng đảo thấp hơn mực nước biển, với vòng đê 34 cây số bao quanh, là vựa lúa của huyện Yên Hưng ta... Nên các con phải luôn nhớ công đức khai canh lập nghiệp của các cụ. Cha tôi còn dạy: Từ các cụ tổ mà nên dòng họ. Có họ mới có làng. Họ là tế bào nhỏ của làng. Làng là tế bào của Tổ quốc. Các con phải tu thân cho dòng họ, cho làng, cho Tổ quốc mình...
Những hình ảnh xuân tết những ngày xưa ấy đã thoắt đi qua một quãng đời. Ôi! Chỉ còn trong trí nhớ hương vị xa ngái của xóm thôn, cánh đồng, của những mẩu chuyện dân dã. Tình làng quê khoai lúa, tình cha cao vời vợi, tình mẹ rộng bao la. Tất cả vừa bừng thức trong không gian tiễn mùa đông đi, đón ngày xuân tết tới.
Thành thói quen như cha tôi, sáng mồng một, tôi rút trên giá sách một quyển sách bất kỳ của các bạn văn để đọc. Vừa đọc những con chữ tôi vừa bâng khuâng ngẫm ngợi: Tất cả theo thời gian sẽ hóa dần thành cổ tích. Tết bây giờ thời @ với đầy đủ tiện nghi và dư thừa hương vị hiện đại. Nhưng sao vẫn tiếc nuối những ký ức đã mang những phong tục tập quán tốt đẹp đi qua! Theo dòng thời gian chảy, rồi chúng ta và tất cả cái không gian xuân tết thời @ cũng sẽ thành cổ tích. Cổ tích ấy có thành trầm tích trong nỗi nhớ thời sau, sau nữa hay không khi bao nhiêu thú vui xuân tết của trẻ con ngày càng đơn điệu và vô cảm với văn hóa truyền thố ng dân tộc, vùng miền?
Chợt ngoài ngõ có tiếng những đứa trẻ gọi đứa cháu gái tôi ra mở ngõ. Tôi giật mình bỏ quyển sách xuống bàn, ra hiên đón chúng. Bọn trẻ như một bầy chim sẻ ríu rít đang vào mảnh sân nhỏ lấm tấm mấy cánh hoa đào la đà theo ngọn gió đông, để... xông nhà!
Nắng xuân hừng lên. Làng quê như một bức tranh lụa hừng lên.
Dương Phượng Toại
Liên kết website
Ý kiến ()