4
18
/
1100407
Xuân mới Khe Liêu
longform
Xuân mới Khe Liêu

Cover

Ảnh trong văn bản

Còn nhớ cách đây hơn chục năm về trước, từ trung tâm xã Bằng Cả (huyện Hoành Bồ cũ), để đến được Khe Liêu chúng tôi phải đi mất hàng giờ đồng hồ; lội qua suối, đi bộ qua những đường đất lầy lội mới đến được nhà dân. Khe Liêu nằm lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ, tứ bề là rừng núi trùng điệp. Khi ấy, Khe Liêu là một điển hình với nhiều cái “không” và nhiều cái “nhất” (không đường bê tông, không điện lưới, không nước sạch, không sóng điện thoại; nhiều hộ nghèo nhất, nhiều người không biết chữ nhất…). 100% dân cư trong thôn là đồng bào dân tộc Dao sống rải rác bên những sườn đồi; chủ yếu sống tự cung, tự cấp, trông chờ vào ruộng đồng, nương rẫy.

Ảnh với chú thích
Sông Thuỷ Văn một thời ngăn cách người dân thôn Khe Liêu với các thôn, bản khác của xã Bằng Cả (TP Hạ Long).

Cái khó nhất thời điểm đó với đối Khe Liêu là giao thông cách trở. Mùa khô, để ra được xã, bà con trong thôn không cách nào khác phải lội qua con suối lớn gập ghềnh đá sỏi, hoặc trèo qua những vạt đồi vài tiếng đồng hồ; còn mùa mưa bà con phải đi đò. Khó khăn, hiểm nguy hơn khi vào những ngày bão lũ, Khe Liêu trở thành ốc đảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khe Liêu biệt lập hẳn với các thôn, bản khác.

Tại thôn Khe Liêu, chúng tôi đã nghe nhiều câu chuyện tưởng chừng như ở thời kỳ nào xa xôi lắm. Đó là về những người phụ nữ mang thai đến ngày sinh nở đều tự sinh con tại nhà; những đứa trẻ đến tuổi đi học nhưng không đến trường, hoặc bỏ học giữa chừng cũng bởi giao thông đi lại khó khăn; chuyện về những thanh niên bỏ đi biệt xứ làm ăn nhưng mãi không trở về… Và những câu chuyện buồn từ những đợt lũ tràn về đã cướp đi người thân của nhiều gia đình trong thôn, khi họ cố gắng vượt suối để trở về nhà...

Ảnh với chú thích
Cây cầu nối 2 bờ sông Thuỷ Văn được xây dựng đã tạo thuận lợi cho người dân thôn Khe Liêu (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) đi lại, giao thương hàng hoá.

Giao thông không thuận lợi, đồng ruộng không có nước tưới tiêu, ruộng nương được trồng cấy nhưng cũng thường xuyên mất mùa, năng suất thấp; nhiều gia đình đành phải bỏ không đồng ruộng, lên rừng đốn củi, săn bắn kiếm sống qua ngày; nhiều gia đình luôn thiếu ăn, đứt bữa... Cái đói, cái nghèo cứ đeo bám bà con. 30 hộ dân Khe Liêu khi ấy hầu hết là hộ nghèo. Nhiều người đành bỏ xứ đi tìm cuộc sống nơi vùng đất mới…

Ảnh trong văn bản

Đến Khe Liêu hôm nay ai cũng dễ nhận ra sự đổi thay đáng kể của địa phương này. Những tuyến đường bê tông chạy tít tắp, dịp giáp tết càng trở nên nhộn nhịp bởi ô tô, xe máy ngược xuôi lưu thông hàng hoá. Nhiều nhà cao tầng kiên cố đã hiện hữu kề sát nhau; những cánh rừng keo, quế bạt ngàn xanh mướt và nhiều mô hình kinh tế vườn - chuồng đang hình thành tại đây…

Theo Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Liêu Đặng Thị Mơ, trước thực trạng cuộc sống khốn khó của bà con Khe Liêu khi xưa, chính quyền địa phương xác định giải pháp trước mắt, cốt lõi nhất cần ưu tiên triển khai là đầu tư hệ thống giao thông kết nối thuận tiện Khe Liêu với các thôn, bản khác. Năm 2011, cầu Khe Liêu bắc qua sông Thuỷ Văn được khởi công xây dựng, đến năm 2014 chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng. Sự kiện cầu Khe Liêu khánh thành như một ngày hội của người dân nơi đây, ai ai cũng phấn khởi và hy vọng có cầu, đường, Khe Liêu sẽ đổi khác, người dân sẽ thoát khỏi cảnh nghèo đói...

Ảnh với chú thích

Cùng thời điểm đó, triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống giao thông trục chính của thôn cũng được đầu tư, từng bước hoàn thiện; kênh mương nội đồng được xây dựng dẫn nước đến chân ruộng, tạo thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp của bà con. Bên cạnh huy động tổng hợp các nguồn lực cho Khe Liêu, chính quyền địa phương cũng giao đất, giao rừng và có nhiều chương trình hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất…

“Nhờ có cầu, đường bê tông thông suốt, thời gian đi lại của bà con được rút ngắn và an toàn. Trong thôn hiện nay hầu như nhà nào cũng có xe máy, có nhà còn mua được ô tô, mua sắm được nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền” - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Liêu cho biết.

Ảnh với chú thích
Đường thôn Khe Liêu (xã Bằng Cả, TP Hạ Long) được bê tông hoá, thuận tiện cho người dân đi lại.

Giao thông kết nối, nhiều mô hình kinh tế phát triển và cuộc sống của bà con cứ thế khấm khá lên. Càng đi sâu vào thôn, chúng tôi càng cảm nhận được sự thay đổi đáng kể của mảnh đất mà trước đây có quá nhiều khó khăn. Chúng tôi vào thăm ngôi nhà khá khang trang nằm sát bên đường bê tông rộng đẹp, chủ nhà là chị Lý Thị Sen đang tỉa lá cho cây đào trước ngõ. Chị Sen đon đả chia sẻ: Trước đây đào trong thôn mọc như cây dại, đến Tết hoa nở rộ làng. Đào phù hợp với đất này nên bông rất to và đẹp, nhưng do đi lại khó khăn, nên chẳng nhà nào mang đi bán được. Những năm gần đây có cầu và đường bê tông rộng đẹp, ô tô chạy vào tận ngõ, nên người ngoài thành phố vào tận nơi đặt mua, đợi giáp Tết đến mang về chơi. Mấy năm nay, nhiều nhà trong thôn rất phấn khởi bởi có thêm thu nhập từ bán đào Tết...

Ảnh với chú thích
Trồng đào tại Khe Liêu đã giúp người dân có thêm thu nhập dịp cuối năm.

Còn bà Bàn Thị Tư, nhà kế bên tâm sự: Tôi có 5 người con đều đang làm ăn ở xã và ngoài thành phố. Trước đây các con tôi ra khỏi thôn là vài ngày, thậm chí vài tuần mới về. Từ ngày có cầu Khe Liêu, đường sá được mở rộng, đi lại thuận tiện, nên ngày nào chúng cũng đi về. Trẻ con có thể đạp xe ra xã học mà không còn phải lo lắng qua sông, qua đò nguy hiểm như trước...

Khe Liêu từ ngày có cầu, có đường, cùng với việc người dân được giao đất lâm nghiệp để trồng trọt, canh tác, chính quyền địa phương cũng tổ chức hướng dẫn bà con đầu tư chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò và triển khai hỗ trợ nhiều mô hình phát triển kinh tế.

Chị Bàn Thị Nhung (người dân thôn Khe Liêu) cho biết, trước đây cũng vì quá nghèo đói mà đã theo một người quen rủ sang Hải Phòng làm ăn, sau đó bị lừa bán sang Trung Quốc. Sau hơn 20 năm chị mới được trở về với gia đình, thấy mọi thứ nơi quê nhà nay đã đổi khác rất nhiều. "Quê hương đã có cầu, có đường bê tông, người dân đi ra trung tâm xã, thành phố dễ dàng, giới trẻ được ra ngoài học tập, làm việc. Tôi trở về được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền làm nhà, hỗ trợ giống gà để chăn nuôi, cuộc sống cứ thế ổn định, mừng lắm. Hiện tôi đang nuôi 100 con gà, dự định xuất bán dịp Tết này” - Chị Nhung cho hay.

Ảnh với chú thích
Đàn gà chăn thả của chị Bàn Thị Nhung (thôn Khe Liêu) dự định xuất bán dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Có thêm những điều kiện thuận lợi, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế và đến nay phát triển khá ổn định. Điển hình là mô hình nuôi bò của hộ anh Đặng Văn Hiền, mỗi năm thu nhập gần 200 triệu đồng; mô hình chăn nuôi lợn rừng của hộ anh Lý Văn Thêm, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm...

"Hiện nay Khe Liêu có 63 hộ, thì duy nhất một hộ nghèo. Đời sống nhân dân khấm khá, mọi phong trào khi phát động được bà con hưởng ứng rất nhiệt tình, chung tay cùng địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển KT-XH, giữ địa bàn an toàn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay" - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Liêu Đặng Thị Mơ phấn khởi cho biết.

Nguyễn Huế

Đồ họa: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu