Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:24 (GMT +7)
Xuân Bắc “vạ miệng” và câu chuyện ứng xử văn minh
Thứ 6, 27/01/2023 | 16:12:11 [GMT +7] A A
Sòng phẳng nhìn nhận, Nam Tào Xuân Bắc đang vướng phải ồn ào chưa từng có trong sự nghiệp, khi câu chuyện ngụ ngôn anh kể phản tác dụng, khiến anh phải đối diện với làn sóng giận dữ khắp các diễn đàn, dư luận.
Ngụ ngôn phản tác dụng vì ẩn ý “Ai bảo mày chê con tao xấu”
Có rất nhiều giai thoại về tính tự ái cao của nghệ sĩ Việt. Trước Nam Tào Xuân Bắc, không hiếm đạo diễn, diễn viên, ca sĩ, người mẫu Việt “nổi đóa” trên mạng xã hội khi bị khán giả chê.
Bộ phim “578 - Phát đạn của kẻ điên” khi ra rạp phải đối diện với làn sóng chỉ trích từ khán giả và giới phê bình vì kịch bản lỏng lẻo, nam chính nói không rõ lời thoại, cả phim chỉ “lẩm bẩm” như trả bài, những cú bẻ lái vô lý... Đối diện với sự phản biện từ khán giả, đạo diễn Lương Đình Dũng đã có cả “status” (bài viết) dài trên trang cá nhân phân trần, giải thích về độ hay của phim và cho rằng, bản thân đang bị chơi xấu.
Thay vì nhìn thẳng vào những lỗ hổng của phim, đạo diễn nỗ lực giải thích phim hay ra sao, quay đẹp thế nào và cho rằng, những ai chê phim là do không hiểu hết những ẩn ý anh gửi gắm trong phim, việc kêu gọi nhau chê bai phim là “vùi dập” tác phẩm.
“578 - Phát đạn của kẻ điên” sau đó phải rút khỏi rạp sớm vì quá ế, gây thua lỗ trầm trọng. Câu chuyện của “Phát đạn kẻ điên” gợi nhắc đến rất nhiều “hài kịch” tương tự từng xảy ra ở phim Việt.
Đạo diễn Đỗ Minh Tuấn được giao làm phim “Ký ức Điện Biên” năm 2004 với số tiền kỷ lục được nhà nước rót vốn là 13 tỉ đồng (thời điểm cách đây 19 năm) để chào mừng 50 năm chiến thắng Điện Biên lịch sử. Phim được dư luận kỳ vọng bởi số tiền đầu tư lớn, nhưng khi ra rạp đã gây thất vọng lớn. Phim bị chê khô cứng, cách kể chuyện cũ kỹ, sáo mòn. Đằng sau ồn ào của chất lượng phim là cuộc khẩu chiến dữ dội giữa đạo diễn và các nhà báo, nhiều nhà báo còn nhận được tin nhắn “chửi bới” (đúng nghĩa đen của từ này) vì “dám” chê phim.
Nam Tào Xuân Bắc đã rơi vào hố đen muôn thuở vốn đã tồn tại lâu đời ở showbiz. Nhiều ca sĩ, người mẫu, diễn viên không ngại lên mạng xã hội cãi nhau tay đôi với khán giả, khi khán giả buông lời chê vai diễn, chê bộ phim, chê sản phẩm âm nhạc không hay.
Trong khi, chính những nghệ sĩ ấy, trước đó trả lời phỏng vấn vẫn tự tin khẳng định, “Làm nghệ thuật là làm dâu trăm họ, “9 người 10 ý”, người khen kẻ chê là điều không tránh khỏi. Chúng tôi sẽ lắng nghe mọi khen chê từ khán giả để hoàn thiện mình”.
Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn, “Tác phẩm khi bước ra trước công chúng đã mang một số phận khác, không còn phụ thuộc vào đạo diễn hay diễn viên. Sẽ có người thích, người không thích. Tôi không sợ phim mình bị chê, tôi chỉ sợ khi phim ra mắt - nhưng không ai nói câu nào”.
Để thấy, nghệ sĩ cần bản lĩnh lớn, cần sòng phẳng với dư luận, với mọi khen - chê khi tác phẩm ra mắt. Sau rất nhiều năm làm nghề, Nam Tào Xuân Bắc với một phút hơn thua mất kiểm soát đã tự đẩy mình vào làn sóng giận dữ chưa từng có.
Câu chuyện ngụ ngôn của Xuân Bắc phản tác dụng, bởi ý sâu xa đằng sau mỗi con chữ của anh là thông điệp: “Ai bảo mày chê con tao xấu”.
Vì đâu nên nỗi
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vốn nhiều lần phải hứng chịu làn sóng chỉ trích vì vạ miệng, trong một livestream, nam ca sĩ này giãi bày, với đại ý: “Tôi lăn lộn nhiều năm trong nghề, rất hiểu vai trò của khán giả, rất hiểu khen - chê là tất yếu, nhưng có những cách chê bai vượt quá giới hạn chịu đựng của nghệ sĩ. Chúng tôi cũng chỉ là những con người bình thường, biết vui buồn, biết giận dữ. Rất nhiều khán giả đôi khi không xem tác phẩm, nhưng hùa theo tâm lý đám đông, tràn vào trang cá nhân để lại những bình luận ác ý, xúc phạm, chửi bới nghệ sĩ nặng nề... Tại sao chúng tôi phải chịu đựng tất cả những điều này?”.
Trở lại với câu chuyện của Táo Quân, rất nhiều năm, cứ sau giao thừa, chương trình lại phải đối diện với sức ép rất lớn từ dư luận. Trong 20 năm lên sóng, Táo Quân luôn gây chú ý, luôn được chờ đợi và nhiều năm bị chê.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về việc Táo Quân bị chê cũ mòn, NSƯT Chí Trung nói: “Sẽ có năm Táo Quân làm tốt, sẽ có năm chưa tốt, chúng tôi chấp nhận khen - chê. Nhưng nhiều khán giả, họ chửi bới, chê bai từ khi chương trình chưa hết. Có người chỉ đợi hết giờ lên sóng là chê. Đôi khi tôi nghĩ, không ai dễ bị xúc phạm như nghệ sĩ, ai đi qua cũng có thể buông một câu mắng nhiếc, dù chẳng vì lý do gì. Ngay cả khi họ chưa xem, vẫn có thể nói sao chương trình năm nay nhạt thế, nhảm thế, thậm chí là... ngu thế”.
Câu chuyện phê bình văn minh và tiếp nhận phê bình một cách văn minh cũng đã được bàn đi bàn lại nhiều lần. Sự việc của Nam Tào Xuân Bắc tiếp tục là một ví dụ điển hình như thế. Nam Tào Xuân Bắc đang phải đối diện với làn sóng chỉ trích vì sự vạ miệng, nhưng sự phê bình thiếu văn minh của một bộ phận khán giả cũng đã trở thành “giọt nước làm tràn ly”, trở thành “ngòi nổ” để những ẩn ức bao năm về Táo Quân đã bùng nổ.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()