Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:46 (GMT +7)
Xử lý nghiêm hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe
Thứ 2, 26/12/2022 | 10:17:17 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, số vụ TNGT liên quan tới hành vi không chấp hành các quy định an toàn khi tham gia giao thông luôn chiếm từ 20% đến 30% tổng số vụ TNGT xảy ra trong năm. Một trong những hành vi luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, xảy ra TNGT cao, thế nhưng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn xem nhẹ đó là sử dụng điện thoại khi lái xe.
Sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi không khó để bắt gặp mỗi khi lưu thông trên đường phố. Theo thói quen, khi đang điều khiển xe máy, ô tô trên đường, bất chợt có cuộc gọi điện thoại, thì hầu như mọi người đều nghe mà không cần dừng xe dù đa phần đều biết sử dụng điện thoại khi đang lái xe luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Theo Đại uý Đỗ Thái Bảo, Đội phó Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh, rất nhiều lái xe cho rằng dù đang nghe điện thoại nhưng vẫn xử lý tốt các tình huống giao thông trên đường. Tuy nhiên, họ không biết rằng khi lái xe nghe điện thoại thì tầm quan sát và lắng nghe tiếng còi cảnh cáo của phương tiện khác sẽ bị hạn chế đi rất nhiều, nên nguy cơ xảy ra tai nạn thường cao hơn.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, với vận tốc 100 km/giờ, trong 14 giây, thời gian đủ để tự chụp ảnh bản thân, chiếc xe đã đi được quãng đường gần 400m, nếu có tình huống phát sinh, tai nạn rất dễ xảy ra. Qua thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, một người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông gấp 4 lần so với người không sử dụng điện thoại.
Để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân, đặc biệt là đối với các em học sinh thì việc tuyên truyền không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện như xe máy điện, xe mô tô dưới 50cc hoặc xe đạp là rất cần thiết, nên làm thường xuyên.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thịnh, Đội phó Đội CSGT Công an TP Cẩm Phả, cho biết: “Trong nội dung tuyên truyền chúng tôi tổ chức vào đầu năm học mới đều tập trung vào việc nhắc nhở các em nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông, trong đó có việc không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Qua đó trang bị cho các em học sinh những kiến thức căn bản nhất để tránh được tai nạn đáng tiếc từ một thói quen xấu”.
Theo quy định hiện hành, lỗi sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2022). Cụ thể, mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe với người điều khiển xe ô tô, như sau: - Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. - Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe ô tô hoặc các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 1 tháng đến 3 tháng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy quy định mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe như sau: - Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có hành vi sử dụng điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính. - Ngoài phạt tiền, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng; bị tước quyền sử dụng GPLX từ 2 tháng đến 4 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông. Riêng mức phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng điện thoại di động. (Theo điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019). |
Hiểu Trân
- Nguy cơ mất an toàn giao thông cao từ việc đăng kiểm nhộm nhoạm
- Móng Cái: Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn giao thông thủy
- Đảm bảo an toàn giao thông tuyến đường bao biển Trần Quốc Nghiễn
- Công ty CP Vận tải & Đưa đón Thợ mỏ: Đảm bảo an toàn giao thông trên những chuyến xe
- Đảm bảo an toàn giao thông khu vực miền núi
Liên kết website
Ý kiến ()