Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:34 (GMT +7)
Xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông, không chấp nhận sự can thiệp
Thứ 5, 06/04/2023 | 22:57:38 [GMT +7] A A
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị các lực lượng chức năng, trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình, phải xử lý rất nghiêm các vi phạm về an toàn giao thông và không chấp nhận sự can thiệp vào quá trình xử lý.
Chiều ngày 6/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT trong quý I/2023 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang – Chủ tịch Ủy ban.
Tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người.
Có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 14 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Đà Nẵng, Đắk Nông, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Tiền Giang, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu.
Đặc biệt, Đà Nẵng, Đắk Nông, Long An và Cà Mau giảm trên 60% số người chết do TNGT. Bên cạnh đó TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỉ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
Tuy nhiên còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Báo cáo đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Giảm 428 vụ (-15,43%), giảm 258 người chết (-15,23%) và giảm 148 người bị thương (-8,57%).
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20 - 26/1/2023), số vụ và số người chết do TNGT đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (số vụ giảm 7,3% và số người chết giảm 3,3%).
Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết giảm sâu so với các năm trước. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương.
Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời; tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép vẫn còn xảy ra tại một số tỉnh, thành phố.
Tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để; ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng.
80% TNGT do lỗi người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định pháp luật
Theo ông Khuất Việt Hùng, nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên là do hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự ATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.
Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém. Cấp uỷ, chính quyền và lực lượng chức năng ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, trong số 11 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong quý I, có 4 vụ có nguyên nhân do không chấp hành quy định về tốc độ, 2 vụ do sử dụng rượu bia, 2 vụ do không chú ý quan sát, và 2 vụ do phương tiện không đảm bảo.
Từ số liệu trên cho thấy nguyên nhân các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn tập trung do lỗi người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành quy định của pháp luật, chiếm đến hơn 80%.
Các vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra nhiều trên các tuyến đường tỉnh và đường quốc lộ, thời gian xảy ra nhiều vào đêm tối đến rạng sáng.
Bên cạnh đó, lượng phương tiện đưa vào sử dụng tiếp tục tăng, làm tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông. Trong 3 tháng đầu, toàn quốc đăng ký mới trên 100.000 xe ô tô, gần 740.000 xe mô tô và 30.000 xe máy điện; nâng tổng số xe đã đăng ký tính đến ngày 14/3/2023 là gần 6 triệu ô tô, 73 triệu xe mô tô và 2 triệu xe máy điện.
Việc đầu tư xử lý các điểm đen về TNGT còn hạn chế do ngân sách Trung ương mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu vì thế tỉ lệ khắc phục, giải quyết những bất cập về tổ chức giao thông, điểm đen TNGT trong những năm gần đây mới đạt khoảng 20% so với nhu cầu.
Từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe"
Theo lãnh đạo Cục cảnh sát giao thông, việc triển khai 5 chuyên đề để bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa qua đã và đang phát huy tác dụng rất tích cực, góp phần kéo giảm TNGT trên toàn quốc.
Các chuyên đề đang được triển khai bao gồm: Chuyên đề "Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn"; Chuyên đề "Kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng; phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm"; Chuyên đề "Cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ"; Chuyên đề "Vi phạm tốc độ"; Chuyên đề "Sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện".
Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, xử lý trên 750.000 trường hợp vi phạm TTATGT trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền gần 1.400 tỷ đồng, tước 139.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 225.000 phương tiện các loại.
Trong 5 chuyên đề triển khai, chuyên đề về nồng độ cồn nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của các cơ quan báo chí và quần chúng nhân dân. Việc kiên quyết xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn không chỉ tạo ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn giao thông mà còn làm giảm TNGT, giảm gây rối trật tự công cộng, góp phần giúp người dân bớt nỗi lo khi ra đường và đang từng bước hình thành văn hóa "đã uống rượu bia không lái xe".
Xử lý rất nghiêm các vi phạm, không chấp nhận sự can thiệp
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực để kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, đặc biệt TNGT do vi phạm nồng độ cồn giảm rất sâu.
Phó Thủ tướng đặc biệt biểu dương nỗ lực cố gắng của 14 địa phương giảm trên 40% số người chết do TNGT; 4 địa phương giảm trên 60% số người chết do TNGT; và hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỉ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
Phó Thủ tướng đánh giá, số vụ ùn tắc giao thông giảm đáng kể sau khi áp dụng biện pháp thu phí không dừng, nhất là trong dịp lễ, Tết; tình hình vi phạm về chở quá tải và thay đổi kết cấu thùng xe được xử lý cơ bản.
Các đợt cao điểm, đặc biệt là các chuyên đề đã phát huy kết quả tích cực; việc xử lý các điểm đen, sát hạch cấp giấy phép lái xe, khắc phục sai sót của hệ thống đăng kiểm đã có những chuyển biến bước đầu, mong muốn những việc này sẽ được xử lý quyết liệt trong thời gian tới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ TNGT, vi phạm trật tự an toàn giao thông, và điểm đen tiềm ẩn TNGT còn nhiều do việc thực thi chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng cũng như ý thức của người dân còn hạn chế, thậm chí có nơi chưa quan tâm.
Từ những nguyên nhân trên, Phó Thủ tướng mong rằng các bộ, ngành, địa phương nên nhìn nhận trách nhiệm của mình là cao nhất vì xét cho cùng ý thức của người dân chưa cao cũng có trách nhiệm rất lớn của chúng ta, để từ có hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
Phó Thủ tướng đề nghị các lực lượng chức năng, trong thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình, "xử lý rất nghiêm các vi phạm và không chấp nhận sự can thiệp" vào quá trình xử lý.
Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng tham gia trực tiếp, giữa các địa phương và Trung ương; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương với trách nhiệm rạch ròi.
Phó Thủ tướng mong muốn các phương tiện thông tin đại chúng tích cực tìm ra những phương thức tuyên truyền hấp dẫn hơn nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Các địa phương tăng cường trao đổi học tập lẫn nhau, các cơ quan báo chí lan tỏa những mô hình, cách làm hay về bảo đảm an toàn giao thông, điển hình như xây dựng mô hình tỉnh an toàn giao thông tại Bắc Ninh, Phó Thủ tướng gợi ý.
Theo Baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()