Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:31 (GMT +7)
Xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp
Thứ 3, 22/08/2023 | 14:51:15 [GMT +7] A A
Nhằm gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản theo khuyến cáo của Ủy ban châu Âu (EC), thời gian qua tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ số lượng tàu cá, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh có 6.005 tàu cá các loại, trong đó 1.431 tàu cá có chiều dài dưới 6m do UBND cấp xã quản lý; 3.768 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ do UBND cấp huyện quản lý; 806 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên do cấp tỉnh quản lý.
Để đảm bảo các tiêu chí trong khai thác thủy sản nói chung và vùng khơi nói riêng theo khuyến cáo của EC, 100% tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên do cấp huyện, cấp tỉnh quản lý đều được cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase và được đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Riêng đối với tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên cơ bản đã được cấp phép khai thác, ký cam kết an toàn thực phẩm và được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm.
Số lượng tàu cá này đều được kiểm tra, kiểm soát quá trình cập, rời cảng theo đúng quy định. Định kỳ 10 ngày, các ngành chức năng lập danh sách, đánh giá các tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, mất kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS) 10 ngày trở lên gửi các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý; tổ chức vận hành có hiệu quả hệ thống VMS để thông báo, cảnh báo về các hoạt động vượt ranh giới trên biển. Chi cục Thủy sản tỉnh đã thành lập nhóm zalo gồm 233 chủ tàu cá vùng khơi để thường xuyên thông tin, hướng dẫn tàu cá cập, rời cảng, cảnh báo, duy trì kết nối VMS, nhắc nhở các tàu vượt ranh giới trong quá trình hoạt động trên biển.
Với nhiều nỗ lực, từ năm 2017 đến nay, Quảng Ninh không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Tuy nhiên, trong một thông báo mới đây của Bộ NN&PTNT sau khi làm việc tại Quảng Ninh có khuyến cáo đối với một loạt các tàu cá của tỉnh có thời điểm mất kết nối VMS, ảnh hưởng ít nhiều đến quá trình gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản của EC đối với Việt Nam.
Trước thực trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung hoàn thành 7 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản cho tất cả tàu cá; kiểm tra, kiểm soát và truy suất nguồn gốc sản lượng thủy sản khai thác; tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản, các quy định về khai thác IUU trên biển và tại các cảng cá, bến cá; triển khai quy chế phối hợp đã ký kết giữa 6 tỉnh (Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Hải Phòng) trong việc ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU; thành lập, tổ chức hoạt động hiệu quả lực lượng kiểm ngư địa phương; các lực lượng kiểm ngư vùng và lực lượng chức năng trong tỉnh tuyên truyền, xử lý nghiêm những vi phạm về khai thác IUU trên biển; chuẩn bị tốt kế hoạch làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, ngành chức năng và chính quyền địa phương có biển đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, chủ phương tiện khai thác am hiểu pháp luật, nắm rõ về chủ trương, quan điểm của Trung ương, của tỉnh về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không theo quy định. Từ đó tạo điều kiện, hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, phấn đấu đến 30/8/2023 hoàn thành toàn bộ cấp đăng ký, đăng kiểm cho tàu cá theo quy định. Quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh, sau 31/8/2023, ngư dân, chủ phương tiện không chấp hành nghiêm việc đăng ký, đăng kiểm, khai báo theo quy định thì sản phẩm thủy sản khai thác được coi là bất hợp pháp, sẽ tịch thu phương tiện, sản phẩm theo đúng quy định.
Hiện nay lực lượng biên phòng, công an, kiểm ngư đang tích cực phối hợp, tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về khai thác IUU, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản khu vực biển của tỉnh, các vùng biển giáp ranh; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm khai thác IUU, trong đó, tập trung vào các hành vi: Tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác); không đánh dấu tàu cá; kẻ vẽ biển số sai quy định; không giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; không lắp đặt hoặc duy trì kết nối thiết bị giám sát hành trình theo quy định; hoạt động sai vùng, nghề cấm, không cập cảng chỉ định.
Cùng với đó, sẽ điều tra, xác minh các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Quảng Ninh đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; xử lý tàu cá không ghi, nộp nhật ký, báo cáo khai thác thuỷ sản, không chấp hành việc kiểm tra, kiểm soát khi tàu cập cảng, rời cảng theo quy định. Nếu chủ tàu khai thác thủy sản cố tình vi phạm, sẽ xử lý hình sự, tước mọi giấy phép hoạt động theo quy định với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Mạnh Trường
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT làm việc với Quảng Ninh về chống khai thác IUU
- BĐBP tỉnh quyết liệt, đồng bộ các biện pháp chống khai thác IUU
- BĐBP tỉnh: Rút kinh nghiệm thực hiện đợt cao điểm 180 ngày hành động chống khai thác IUU
- Ký kết về kiểm tra, kiểm soát tàu cá, thủy sản khai thác và chống khai thác IUU
- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; chống khai thác hải sản IUU
- Khắc phục những tồn tại trong chống khai thác hải sản IUU
Liên kết website
Ý kiến ()