Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 28/01/2025 08:50 (GMT +7)
Xu hướng tuyển dụng không dựa vào điểm số
Thứ 2, 28/11/2022 | 16:47:46 [GMT +7] A A
Các nhà tuyển dụng đang ngày càng giảm bớt sự chú ý vào điểm số của sinh viên tốt nghiệp trong quá trình tuyển dụng.
Theo khảo sát mới nhất do Hiệp hội các trường đại học và nhà tuyển dụng Mỹ (NACE) thực hiện, số nhà tuyển dụng sàng lọc ứng viên bằng điểm GPA, ACT (điểm trung bình chung và điểm kiểm tra) đã giảm từ 73% giai đoạn 2018-2019 xuống còn 37% ở giai đoạn 2022-2023. Điều này cho thấy, các nhà tuyển dụng không còn quá coi trọng điểm số trong tuyển dụng. Một số nguyên nhân đã được chỉ ra đó là:
- Sự mất niềm tin vào chất lượng thực sự của điểm trung bình chung do tình trạng mà các nhà nghiên cứu Mỹ gọi là lạm phát điểm số. Theo một báo cáo vừa mới được công bố hồi tháng 5, điểm trung bình trung của sinh viên các trường đại học Mỹ đã tăng từ 2,83 trong năm 1983 lên 3,15 trong năm 2013. Khoảng những năm 2000, điểm A trở thành điểm số phổ biến. Riêng tại ĐH Harvard, điểm trung bình chung của sinh viên đã tăng từ 2,8 vào năm 1966 lên 3,8 trong năm 2022.
- Khảo sát cho thấy điểm số và kết quả học tập nói chung không có mối tương quan với kỹ năng đáp ứng công việc tương lai. Cụ thể, chưa đến 1/3 sinh viên tốt nghiệp đại học Mỹ cho biết có thể áp dụng kiến thức đã học vào công việc. Chỉ 26% sinh viên tốt nghiệp đại học hoàn toàn đồng ý rằng trình độ học vấn phù hợp với công việc của họ. Vì thế, chỉ 13% người Mỹ và 11% lãnh đạo cấp cao của Mỹ tin rằng sinh viên tốt nghiệp đã chuẩn bị tốt cho công việc tương lai.
Khi mà điểm số không còn là ưu tiên hàng đầu thì tiêu chí đánh giá của các nhà tuyển dụng sẽ là gì? Mục tiêu chính của các nhà tuyển dụng là lựa chọn được những người đáp ứng được tốt nhất yêu cầu công việc của vị trí tuyển dụng. Vì thế xu hướng tuyển dụng dựa trên kỹ năng thực hành và kinh nghiệm của ứng cử viên đang ngày càng trở nên phổ biến.
Giám đốc một công ty chuyên tuyển dụng lớn của Mỹ chia sẻ rằng một bộ hồ sơ xin việc chuẩn mực giờ khó có thể nhận được cái gật đầu. Nhưng nếu bạn kèm theo đó một đoạn video ngắn giới thiệu về những công việc mình đã làm, những ý tưởng mới hay thậm chí mang tới buổi phỏng vấn một cái máy quay đĩa kết nối với một con robot biết nhảy múa theo nhạc thì mọi chuyện sẽ khác.
Hay Google giờ đã ngừng sử dụng các câu hỏi hóc búa trong các cuộc phỏng vấn mà thay vào đó là giao cho các ứng cử viên nhiệm vụ viết những đoạn mã để giải quyết một yêu cầu cụ thể hay để cải thiện một thuật toán đã có. Quá trình này giúp Google thể nắm được kỹ năng và hiệu suất công việc của mỗi ứng cử viên. Điều này đòi hỏi sinh viên đại học phải chú trọng hơn đến việc chuẩn bị và rèn luyện kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm thay vì chỉ tập trung học để đạt được điểm số cao nhất như trước.
Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, ở Việt Nam có khá nhiều đơn vị tuyển dụng cũng không còn đặt tiêu chí điểm số học tập của các ứng viên lên hàng đầu, hầu hết đó là những doanh nghiệp tư nhân. Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hiện tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành khoảng 60%. Điều này cho thấy, quan điểm một sinh viên phải có một kết quả học tập tốt thì mới làm việc tốt trong lĩnh vực đó cũng không còn hoàn toàn đúng trong thời điểm hiện tại.
Với câu chuyện tuyển dụng ở Mỹ cũng như ở Việt Nam, có lẽ không ít người sẽ nghĩ bây giờ cũng không cần phải cố gắng để đạt được một điểm số cao hay là một tấm bằng đẹp. Thế nhưng thực tế, với những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường, họ vẫn không ngừng nỗ lực.
''Tôi học ở Viện Kỹ thuật hóa học và sau 5 năm ra trường, tôi đạt loại giỏi. Cơ hội việc làm rất rộng mở, tại buổi lễ bảo vệ tốt nghiệp, tôi đã được doanh nghiệp mời về đó'', sinh viên Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, K62, Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
Theo sinh viên Vũ Quý Dương, Ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng, Viện Kinh tế và Quản lý, ĐH Bách khoa Hà Nội: ''Em nghĩ điểm số không phải tất cả nhưng nó vẫn là thước đo về thái độ trong học tập cũng như là sự nghiêm túc, mức độ nhận thức của mình trong việc tiếp thu ở giảng đường''.
Tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay thuộc hàng cao nhất cả nước, điểm số vẫn là một kênh phản ánh năng lực chính xác và khách quan.
PGS.TS. Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: ''Có khoảng trên 70% sinh viên đã có việc làm từ năm cuối và doanh nghiệp luôn yêu cầu các bạn phải có năng lực tối thiểu là ở mức khá. Ở góc độ nào đó cũng phản ánh trước khi người ta đánh giá kỹ năng khác thì điểm số ở trường vẫn là tiêu chí ban đầu để có xem xét hồ sơ ở các bước tiếp theo không''
Đối với khối ngành xã hội, điểm số không chỉ phản ánh năng lực mà còn có thể đánh giá phương pháp học tập, các kỹ năng mềm thông qua cách nhìn nhận và xử lý các vấn đề xã hội - những điều không có trong bất cứ giáo trình nào.
Điểm số không chỉ để đánh giá năng lực mà nó còn thể hiện nỗ lực, ý chí của các sinh viên ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường. Điểm số có thể không phải là tiêu chí quyết định nhưng rõ ràng, một kết quả học tập tốt sẽ mở ra nhiều cơ hội tốt. Việc các nhà tuyển dụng không còn đặt tiêu chí điểm số lên hàng đầu là nhằm khuyến khích các ứng viên hoàn thiện thêm nhiều kỹ năng khác.
Theo VTV
Liên kết website
Ý kiến ()