Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:53 (GMT +7)
Xu hướng sống "xanh" bền vững lên ngôi
Chủ nhật, 19/11/2023 | 14:09:46 [GMT +7] A A
Đang trở thành xu hướng ở nhiều quốc gia, sống xanh được lan tỏa ở các lĩnh vực, nhất là tiêu dùng, du lịch và trở thành xu hướng rất được quan tâm. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Sống xanh hay hẹp hơn là tiêu dùng xanh (green consumption) được hiểu là một phần của tiêu dùng bền vững, là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe, đến hệ sinh thái tự nhiên. Đáng chú ý và được quan tâm nhất hiện tại là thực phẩm "xanh" sản xuất theo quy trình sạch, hữu cơ.
Có thể thấy, xu hướng tiêu dùng xanh đang phát triển nhanh theo các quy mô, mức độ khác nhau. Anh Bùi Sĩ Tuyến, chủ trang trại Tuyết Tuyến Farm (phường Hà Phong, TP Hạ Long) cho biết: Sau nhiều năm bôn ba khắp nơi, năm 2018 tôi quyết định trở về quê hương nuôi giun quế, làm nông nghiệp sạch. Sau khi thành công nuôi giun quế, có thể xuất 5-7 tấn giun quế/tháng, tôi mở rộng trang trại lên 8.000m2, vừa nuôi giun vừa cung cấp rau xanh và các sản phẩm thực phẩm sạch, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Ở quy mô lớn hơn, nhiều doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư sản phẩm an toàn theo quy trình sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long, cho biết: Trong chặng đường phát triển 16 năm nay, chúng tôi có hơn 10 năm định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ... Hiện đơn vị có gần 20 sản phẩm OCOP là các sản phẩm nông nghiệp, tiêu dùng. Với nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, chúng tôi hiện đã mở rộng 22 đầu mối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn ở các đô thị lớn trong tỉnh như: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái... đồng thời định hướng canh tác sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ bằng chính nguyên liệu của mình.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều những doanh nghiệp, trang trại đang phát triển và đưa đến tay người tiêu dùng “thực phẩm xanh”. Theo thống kê sơ bộ, trong toàn tỉnh hiện đã có hàng chục thương hiệu thúc đẩy sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, tiêu biểu như: Khu nông nghiệp công nghệ cao Evinco và trang trại rau thủy canh 188 đều tại TX Đông Triều; vùng nuôi tôm thương phẩm (BIM) và khu phức hợp sản xuất tôm giống, nuôi tôm thương phẩm (Tập đoàn Việt - Úc) tại huyện Đầm Hà; mô hình trồng chè ở huyện Hải Hà; mô hình trồng na, vải ở TX Đông Triều và TP Uông Bí theo chương trình VietGAP... Nhiều nơi trong số này đã được cấp mã số vùng trồng, đủ các điều kiện cơ bản để vươn ra thị trường quốc tế.
Không chỉ vậy, xu thế này còn đang lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt trong du lịch. Điển hình là du lịch "xanh" với thông điệp: Nói không với rác thải nhựa, được triển khai ở huyện đảo Cô Tô. Theo đó, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn chung tay giảm thiểu rác thải nhựa ngay từ đầu nguồn, không mang đồ nhựa ra đảo.
Trước đó, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, từ năm 2019, cũng đã “phủ sóng” thông điệp "xanh" tới mọi du khách không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi đi du lịch ở Vịnh Hạ Long; tổ chức ký cam kết nói không với rác thải nhựa với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh liên quan. Hành động trên đã góp phần làm giảm trên 90% rác thải nhựa trong các hoạt động tham quan, du lịch trên vịnh; thay đổi nhận thức của du khách, cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng VH-TT huyện Cô Tô, thì dù du lịch "xanh" còn chưa phổ rộng nhưng đang tạo hiệu ứng rất tốt với các hoạt động du lịch, cộng đồng và du khách. Quả thật, cách làm này đã thúc đẩy doanh nghiệp thiết kế một số tour du lịch dọn rác; sử dụng 200 xe điện phục vụ du lịch thay cho xe sử dụng năng lượng hóa thạch; lắp đặt nhiều máy lọc nước phục vụ khách thay vì sử dụng chai nước nhựa...
Rộng hơn, ở nhiều đơn vị lưu trú, như khách sạn Citadines Marina cùng chuỗi khách sạn do Tập đoàn Escott quản lý; khách sạn Novotel, Vinpearl... đã và đang thực hiện tái sử dụng chai lọ thủy tinh, tái chế nhựa tại chỗ... Trong đời sống, ở các siêu thị, cửa hàng Nông sản sạch, Dasala, Siêu thị GO!, Winmart... dễ thấy hàng loạt chương trình tích điểm khi không sử dụng túi nilon; sử dụng túi tự hủy sinh học. Kéo theo đó, nhiều cửa hàng trà sữa, cà phê đã chuyển sang kinh doanh theo xu hướng "xanh" bằng cách sử dụng ống hút giấy, tre hoặc inox tái sử dụng thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy; chỉ sử dụng túi giấy thay vì sử dụng túi nilon…
Mặc dù tiêu dùng "xanh" mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống, nhưng để các sản phẩm "xanh" thay thế hoàn toàn các sản phẩm thông thường gây ô nhiễm còn nhiều khó khăn, nhất là trong việc giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa lợi nhuận và tăng trưởng "xanh"; chính sách chưa tạo động lực mạnh mẽ... Do vậy, cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tiêu dùng xanh, bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()