Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 22:25 (GMT +7)
Xu hướng mới trên thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp
Thứ 2, 10/01/2022 | 11:00:43 [GMT +7] A A
Khi tiếp cận thị trường, đặc thù của các nhà đầu tư nước ngoài là thận trọng, cân nhắc kỹ giữa các lợi ích. Trong khi đó, nhà đầu tư trong nước thường nhanh chóng đưa ra quyết định khi cơ hội đến, nhờ lợi thế am hiểu thị trường và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao hơn.
Hai năm chống chịu với đại dịch cũng là lúc các tập đoàn kinh tế Việt Nam có tiềm lực tranh thủ các cơ hội thị trường để thực hiện tái cấu trúc, mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái thông qua con đường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A).
Doanh nghiệp trong nước làm chủ cuộc chơi
Mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 nhưng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn thông qua hoạt động M&A vẫn có sự tăng trưởng 9,2% so năm 2020, đạt 31,15 tỷ USD. Trong đó có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị vốn góp đạt gần 6,9 tỷ USD, giảm 38,2% về thương vụ và giảm 7,7% về giá trị vốn góp. Còn tính chung trên thị trường M&A, số liệu của Công ty KPMG Việt Nam thống kê, trong 10 tháng năm 2021 đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so năm 2020 và tăng 13,7% so năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Theo Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Trần Quốc Phương, những số liệu này cho thấy thị trường M&A tiếp tục là một thị trường hấp dẫn, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như các giải pháp phòng, chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.
Ðáng lưu ý, trong khi thị trường có xu hướng giảm hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài thì doanh nghiệp trong nước lại có xu hướng "lên ngôi" khi tỷ trọng giá trị thương vụ do doanh nghiệp Việt Nam là bên mua, tăng mạnh. Các thương vụ có giá trị lớn được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Vingroup, Hòa Phát, NovaLand, Vinamilk… Vì các nhà đầu tư Việt Nam có lợi thế am hiểu thị trường, dễ dàng nhận ra tiềm năng của các cơ hội đầu tư. Ông Phan Ðức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: Dưới tác động của dịch Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp nội tham gia M&A với tư cách là bên mua. Cụ thể, năm 2018 chỉ có 18% số doanh nghiệp bên mua là của Việt Nam nhưng trong hai năm 2019, 2020 tăng lên 30% trong tổng giá trị giao dịch với 70% giao dịch tại Việt Nam và 30% số giao dịch tại nước ngoài. Ðiều này cho thấy, sự vươn lên của doanh nghiệp Việt và sân chơi M&A không còn dành riêng cho doanh nghiệp ngoại. Các thương vụ M&A cũng không còn dừng lại ở sự thôn tính, sáp nhập mà là sự hợp tác và liên kết.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách để "bùng nổ"
Nhận định về thị trường M&A năm 2022, giới quan sát và các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có sự "bùng nổ" trở lại khi thị trường bị "nén" trong đại dịch và dòng tiền mặt lớn đã sẵn sàng, cùng xu hướng ngày càng có nhiều doanh nghiệp chọn M&A là con đường ngắn nhất để nhanh chóng tiếp cận các lĩnh vực kinh doanh mới, mở rộng thị phần, bổ sung nhân tài cũng như hoàn thiện hệ sinh thái để cấu trúc lại sau đại dịch. Năm 2021, lĩnh vực thu hút đối với các nhà đầu tư là ngành hàng tiêu dùng thiết yếu, bất động sản, tài chính, chiếm 58% tổng giao dịch. Dự kiến "khẩu vị" của các nhà đầu tư trong năm 2022 có thể mở thêm sang các ngành chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, logistics, năng lượng...
Là người gắn bó và am hiểu thị trường Việt Nam, ông Seck Yee Chung, Luật sư điều hành của Công ty Luật Baker McKenzie nhận định, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang rất hấp dẫn với nguồn lực dồi dào, dân số đông, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Còn theo bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF, năm 2022 có thể là một năm có sức bật cho Việt Nam. Các doanh nghiệp và các nhà làm chính sách đã thích ứng rất nhanh đối với biến chuyển của dịch bệnh, nhanh chóng đưa ra và thực hiện các chiến lược cho phục hồi và phát triển. Việc thực thi các hiệp định thương mại tự do đã ký, bao gồm EVFTA đã có hiệu lực tháng 8/2020 và RCEP có hiệu lực đầu năm 2022 cùng xu hướng số hóa có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, cải thiện các quy chế về tiếp cận thị trường, giúp tăng sức hấp dẫn của việc đầu tư vào Việt Nam đối với các tập đoàn đa quốc gia. Do đó, các quỹ đầu tư đang nhìn thị trường châu Á như một chiến lược dài hạn.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết: Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực… để đón đầu dòng vốn đang dịch chuyển. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, đầu tư công, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước… là động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho kinh tế phục hồi, tăng tốc. Cùng với đó là việc thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là "kim chỉ nam" để Việt Nam tăng cường thu hút và tối ưu hóa lợi ích dòng vốn đầu tư nước ngoài cho giai đoạn phát triển sắp tới.
Sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn trong bối cảnh dòng tiền đầu tư trong nước và quốc tế đang tìm hướng để đổ vào các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo sức bật của thị trường M&A bùng nổ trong năm 2022.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()