Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 22:24 (GMT +7)
Xót xa chuyện nhiều ngư dân lãnh án vì tham tiền hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ
Chủ nhật, 17/04/2022 | 08:32:13 [GMT +7] A A
Ngoài các bị cáo là cựu cán bộ chi cục thủy sản, nhiều ngư dân phải lãnh án tù do trục lợi tiền hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ.
Sáng 15/4, TAND tỉnh Quảng Nam tuyên án vụ Phạm Thị Hoàng Tâm (cựu chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam) nhận hối lộ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Gây thiệt hại hơn 2,7 tỉ đồng
HĐXX tuyên phạt bị cáo Tâm bảy năm tù về tội nhận hối lộ và bảy năm tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt chung bị cáo phải thi hành là 14 năm tù.
Bị cáo Trần Quốc Việt (cựu trưởng Phòng tàu cá và dịch vụ hậu cần nghề cá) bị tuyên phạt 42 tháng tù, Nguyễn Huỳnh Nam (cựu phó Phòng khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thuộc Chi cục Thủy sản Quảng Nam) bị tuyên phạt 24 tháng tù, cùng về tội nhận hối lộ.
19 bị cáo là ngư dân hoặc có liên quan bị tuyên phạt từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 10 năm tù, cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một người liên quan đến vụ án đã chết nên không bị truy tố.
Theo cáo trạng, lợi dụng chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa (theo Quyết định 48 của Chính phủ), một số ngư dân tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) không thực hiện đánh bắt xa bờ nhưng muốn nhận tiền hỗ trợ nên đã có hành vi gian dối. Những ngư dân này đã tháo máy định vị gửi cho các chủ tàu đi đánh bắt xa bờ, hợp thức hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhiên liệu, chiếm đoạt tiền của Nhà nước.
Thực hiện kế hoạch của Chi cục Thủy sản Quảng Nam về việc kiểm tra niêm phong, niêm phong bổ sung máy VX-170 đối với tàu cá mà chủ tàu đăng ký hoạt động khai thác thủy sản vùng biển xa bờ, bị cáo Nam đã nhận hối lộ số tiền 20 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong với tàu của Đỗ Văn Hùng. Sau khi nhận hối lộ, bị cáo Tâm chỉ đạo chia cho Tâm, Nam và Việt mỗi người 5 triệu đồng.
Bị cáo Việt đã nhận hối lộ 50 triệu đồng để bỏ qua lỗi vi phạm niêm phong đối với hai tàu của Trần Văn Cương và Phạm Hải. Sau khi nhận hối lộ, Việt nói chỉ nhận 30 triệu đồng và bị cáo Tâm chỉ đạo chia cho Tâm, Việt và Nam mỗi người 10 triệu đồng.
“Biết sai nhưng không nhận thức được hậu quả”
VKS cho rằng với chức vụ là người đứng đầu Chi cục Thủy sản Quảng Nam, đồng thời là phó chủ tịch hội đồng thẩm định, bị cáo Tâm đã không thường xuyên và đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát việc niêm phong máy trên các tàu cá.
Điều này tạo sơ hở để các chủ tàu tự ý tháo niêm phong máy rồi gửi cho Nguyễn Văn A, Nguyễn Thanh Quang, Trần Văn Ước mang đến vùng biển được Nhà nước quy định hỗ trợ nhiên liệu, bấm tin nhắn và cung cấp tọa độ để tạo điều kiện cho các chủ tàu hợp thức hồ sơ đề nghị hỗ trợ, gây thiệt hại số tiền hơn 2,7 tỉ đồng.
Đại diện VKS cho rằng trong quá trình điều tra, bị cáo Nam đã thành khẩn khai báo, bị cáo Việt khai báo quanh co, còn bị cáo Tâm không thừa nhận nên đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Nam, không áp dụng đối với hai bị cáo Tâm và Việt.
Tại tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn A cho rằng hầu hết ngư dân nhận thức thấp. Các bị cáo bị áp lực nợ nần, tư duy kiếm tiền trả nợ, mặc dù biết sai nhưng không nhận thức được hậu quả. “Nếu biết hậu quả thì không ai dám làm” - luật sư nêu quan điểm.
Theo luật sư, nếu cán bộ quản lý tài sản của Nhà nước thực hiện đúng, nghiêm ngặt thì sẽ không có hậu quả, VKS đề nghị mức án đối với bị cáo A và các bị cáo ngư dân khác là nặng…
HĐXX cho rằng trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đã thành thật khai báo. Cùng với đó, các bị cáo đều phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt. Do đó, HĐXX đã tuyên mức án thấp nhất trong khung hình phạt mà VKS đề nghị truy tố.
Sau khi HĐXX tuyên án, nhiều bị cáo là ngư dân rưng rưng, ngồi thất thần trong phòng xử. Bên ngoài, người thân của các bị cáo không giấu được sự đau buồn, nhiều người bật khóc nức nở. Họ bị sốc bởi hậu quả quá lớn, không ai lường trước.
Theo plo.vn
Liên kết website
Ý kiến ()