Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:58 (GMT +7)
Trở lại xóm "3 không”
Thứ 3, 06/07/2021 | 08:33:50 [GMT +7] A A
Hơn 20 năm “cắm dùi” khai hoang lập nghiệp tại thôn 7 (xã Hải Đông, TP Móng Cái), 7 hộ gia đình với 38 nhân khẩu đã nỗ lực sinh cơ lập nghiệp. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn không điện, đường, trường, trạm, người dân ở đây đã nỗ lực ổn định cuộc sống.
Sinh sống trong khu vực lòng hồ Quất Đông
Vượt qua khoảng 5km đường lầy lội, xuyên qua những cánh rừng, chúng tôi đến xóm dân cư nằm trong khu vực lòng hồ Quất Đông, thuộc thôn 7, xã Hải Đông. Xóm được hình thành hơn 20 năm nay, kể từ năm 1996 khi 2 hộ gia đình người dân tộc Dao Thanh Y ở thôn Thán Phún (xã Hải Sơn, TP Móng Cái) di dân tự do vào khu vực lòng hồ Quất Đông sinh cơ lập nghiệp.
Nói là xóm "3 không” bởi cách đây hơn 3 năm, khi chúng tôi đến, cuộc sống của người dân nơi đây gần như tách biệt với bên ngoài. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Để ra khỏi xóm, người dân phải đi bộ khoảng 5km, con đường đất này được hình thành bởi quá trình trồng, khai thác rừng, hoặc đi bằng bè mảng qua lòng hồ Quất Đông. Khi đó, cả xóm có 7 hộ dân, 7 căn nhà trình tường, nhưng mới chỉ có 1 hộ lắp đặt được tấm pin năng lượng mặt trời dùng để thắp sáng vào buổi tối. Không trường học cho trẻ nhỏ, không trạm y tế để khám bệnh khi ốm đau. Mặc dù được địa phương cấp thẻ BHYT nhưng việc dùng thẻ đi khám chữa bệnh là một điều hết sức xa vời đối với họ. Nhân khẩu của xóm từ trước đến nay thuộc thôn Thán Phún (xã Hải Sơn) nhưng lại do xã Hải Đông quản lý về mặt hành chính theo hình thức đăng ký tạm trú.
Trở lại xóm vào một ngày cuối tháng 6 này, chúng tôi cảm nhận được những đổi thay đáng kể trong đời sống của người dân nơi đây. Nhiều ngôi nhà ngói mới khang trang được mọc lên bên những căn nhà trình tường xưa. Đến đầu xóm, chúng tôi gặp anh Đặng Văn Đoàn đang cày ruộng trước nhà. Ngưng tay cày, anh Đoàn tâm sự: Tháng 3/1996 khi xây dựng đập Tràng Vinh, gia đình anh thuộc diện tái định cư, được Nhà nước bố trí đất, kinh phí, lương thực để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, do đông con, đất nông nghiệp ở khu tái định cư không đảm bảo sản xuất, nên bố, mẹ anh đã đưa cả nhà vào khu vực lòng hồ Quất Đông dựng nhà tạm, khai hoang trồng lúa, phát nương, trồng rừng. Những năm đầu, cuộc sống vô cùng vất vả. Nhưng với nỗ lực của cả gia đình, cuộc sống dần vơi bớt khó khăn, bước đầu đã ổn định. Hiện 4 anh, em của anh cùng các con, cháu đều có hàng trăm mét vuông đất trồng lúa, rau màu, vài ha rừng để sản xuất, xây được nhà mới.
Chúng tôi vào xóm gặp anh Đặng Văn Sơn là anh trai của anh Đặng Văn Đoàn. Lúc này, anh Sơn đang căn chỉnh hệ thống pin năng lượng mặt trời mới được lắp đặt của gia đình. Anh Sơn cho biết: Từ cái Tết năm 2019, cả xóm rất vui vì được Nhà nước hỗ trợ cho 7 gia đình, mỗi hộ một hệ thống pin năng lượng mặt trời, đủ thắp sáng, xem ti vi, bơm nước sinh hoạt. Có điện, cuộc sống của người dân trong xóm đã “bừng sáng” hơn, ăn Tết to hơn, vui hơn. Tuy nhiên, hiện nay có 6 bộ đã hỏng. Riêng bộ của nhà anh còn dùng được do đã tự thay thế toàn bộ các thiết bị.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, từ trước Tết Nguyên đán 2018, gia đình anh Sơn đã xây được ngôi nhà mới khang trang, kinh phí xây dựng hơn 200 triệu đồng. Anh Sơn cho hay: Nhà anh có 5ha rừng thông, 2ha rừng keo và 10.200m2 cấy lúa 1 vụ/năm cũng được hàng tấn thóc. Gia đình còn nuôi 7 con trâu và hàng chục con gia cầm các loại. Cùng với thu hoạch keo, còn có nguồn thu từ khai thác nhựa thông và đánh bắt cá từ hồ Quất Đông.
Từ khi vào khu vực này sinh cơ lập nghiệp, mọi người đều bảo ban nhau chăm chỉ làm ăn, nên đến nay cuộc sống đã bớt khó khăn. Gia đình anh và các hộ trong xóm đều nhận vài ha rừng trồng thông theo Dự án trồng rừng Việt - Đức từ năm 2004 và 1-2ha trồng keo. Vợ chồng anh có 8 đứa con, 2 con gái lớn đã lấy chồng, sinh sống ở địa phương khác. Con trai cả là Đặng Văn Phong đi làm cơ khí ở xã Hải Đông, đã lấy vợ, vẫn ở chung với bố, mẹ. Các cháu nội thì gửi tại nhà một người quen ở xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) để học lớp 2.
Các hộ khác trong xóm cũng đều ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, trồng rừng. Đến hộ nào chúng tôi cũng đều nghe những câu chuyện xoay quanh việc khai hoang phục hóa, trồng rừng, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Các hộ đều xây được nhà mới, mua được xe máy, máy cày, máy xát gạo… Một vài gia đình có con lớn đi làm sửa chữa ô tô, cơ khí, xây dựng... nơi khác, có thu nhập ổn định.
Triển vọng cuộc sống mới
Từ nhiều năm qua, do vấn đề hộ khẩu thuộc thôn Thán Phún (xã Hải Sơn) nhưng lại do xã Hải Đông quản lý về mặt hành chính, nên các hộ không được công nhận là hộ nghèo. Mặc dù vậy, các hộ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Đường sá khó khăn, đi lại vất vả, nên trẻ em không được đến trường. Vượt qua những khó khăn để sinh cơ lập nghiệp, người dân xóm mong muốn được cư trú ổn định tại xã Hải Đông để được định cư lâu dài, ổn định cuộc sống; được Nhà nước đầu tư, nâng cấp tuyến đường dẫn vào xóm để con, cháu họ được đến trường học chữ.
Vừa sửa sang lại gian bếp, anh Đặng Văn Hùng (anh trai anh Sơn) vừa tâm sự với chúng tôi: Từ khi các hộ dân sinh cơ lập nghiệp ở đây đến nay đã có gần 20 đứa trẻ sinh ra và lớn lên. Không có trường học, em trai tôi là Đặng Văn Sơn đã tự dạy chữ cho các con, các cháu. Một số trẻ năm nay đã 13, 14 tuổi nhưng không biết đọc, không nói được tiếng phổ thông. Năm 2015, TP Móng Cái đã tổ chức một lớp học xóa mù chữ cho trẻ em, người lớn trong xóm. Tuy nhiên, sau lớp học, tình trạng tái mù chữ lại diễn ra với học sinh của lớp học.
Trong xóm hiện có 2 cháu nhỏ trong độ tuổi đến trường được gia đình gửi ra nhà người quen ở xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) để học trường tiểu học. Người dân trong xóm, ngoài việc được xã Hải Sơn cấp thẻ BHYT thì chưa được hưởng một chế độ, chính sách nào. Đã nhiều lần chúng tôi đề nghị xin được nhập hộ khẩu về xã Hải Đông, nhưng vẫn chưa được xem xét. Anh Đặng Văn Sơn cho biết: Mấy năm gần đây, người dân xóm cũng nhận được sự quan tâm thăm hỏi của lãnh đạo TP Móng Cái và xã Hải Sơn, xã Hải Đông. Vừa rồi, đoàn công tác của thành phố đã đến động viên các hộ dân di dời ra xã Hải Sơn để ổn định cuộc sống. Chúng tôi rất mong muốn được di dời, nhưng vẫn giữ lại đất sản xuất ở đây.
Để ổn định cuộc sống cho người dân nơi đây, TP Móng Cái đã chỉ đạo các xã Hải Sơn, Hải Đông rà soát, đề xuất phương án di chuyển các hộ dân ra khỏi khu vực lòng hồ Quất Đông. Ông Bùi Đức Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Đông, cho biết: Theo chỉ đạo của thành phố, xã Hải Đông đã có phương án di dời các hộ ra khỏi khu vực lòng hồ về sinh sống tại xã Hải Sơn trên cơ sở xã Hải Sơn tạo điều kiện về đất ở, xã Hải Đông đảm bảo về đất sản xuất cho các hộ dân.
Ông Mễ Quang Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, cho hay: Để các hộ sớm ổn định cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội, xã đã đến trao đổi trực tiếp với các hộ dân và nhận được sự đồng thuận của các hộ. Theo đó, xã đã bố trí khu vực đất nằm trong quy hoạch đất ở và sẽ thực hiện giao đất, có thu tiền sử dụng đất để các hộ dân sớm di dời ra khỏi khu vực lòng hồ, ổn định cuộc sống.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()