Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:08 (GMT +7)
TP Cẩm Phả: Xoa dịu những nỗi đau da cam
Chủ nhật, 08/08/2021 | 09:28:52 [GMT +7] A A
Chiến tranh đã qua đi rất lâu, nhưng nỗi đau của chiến tranh vẫn còn đó. Những người lính một thời trai trẻ nay tất cả tóc đã bạc phơ, vẫn phải cùng vợ con ngày đêm gánh chịu hậu quả của chiến tranh, khi nỗi đau da cam vẫn ám ảnh trong gia đình họ.
TP Cẩm Phả hiện có 700 người đang được hưởng chế độ đối với nạn nhân chất độc da cam (CĐDC), trong đó có 613 người trực tiếp tham gia kháng chiến, còn lại là con cái của họ. Hàng năm, TP Cẩm Phả đã vận động nhiều tổ chức xã hội khác trên địa bàn cùng chăm sóc các nạn nhân CĐDC.
Từ năm 2011 đến nay, phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” ở TP Cẩm Phả đã kêu gọi được 500 lượt tập thể, cá nhân có lòng hảo tâm với số tiền hơn 10 tỷ đồng đã cải thiện nhà ở cho 97 gia đình nạn nhân CĐDC, trao hơn 10.000 suất quà nhân ngày Nạn nhân CĐDC (10/8) hàng năm... Hội nạn nhân CĐDC/Dioxin phường Cẩm Sơn đã vận động doanh nghiệp hỗ trợ 2 cháu là con nạn nhân CĐDC với số tiền 3 triệu đồng/tháng/cháu.. Các hoạt động này đã làm vơi đi không nhỏ nỗi đau da cam mà các gia đình đang ngày đêm phải gánh chịu.
Ông Nguyễn Xuân Sắc ở phường Cẩm Bình năm nay đã 79 tuổi. Một thời, ông Sắc là lãnh đạo Công ty CP Thương binh Đoàn Kết, ông đã giúp nhiều người khuyết tật trên địa bàn, mà trong số họ nhiều người là con các thương binh và nạn nhân CĐDC có nghề để ổn định phần nào cuộc sống. Cụ thể, năm 2007, Công ty của ông Sắc đã thành lập một lớp học cắt may cho trẻ em khuyết tật gồm 40 thành viên. Đến nay, một số học viên đã hành nghề tại nhà.
Tuy có nhiều sự vào cuộc của cộng đồng, nhưng nỗi đau da cam vẫn ẩn sâu trong nhiều gia đình, hàng ngày vẫn còn đó những tấm lòng hy sinh của những người vợ, người chồng dành cho nhau, hay những người mẹ, người cha dành cho con cái mình.
Bà Ngô Thị Tình, khu phố Hải Sơn 1, phường Cẩm Đông năm nay đã 77 tuổi, nhưng vẫn là lao động chính để chăm sóc 3 nạn nhân CĐDC là người thân trong gia đình. Ông Đặng Vũ Cư, 79 tuổi, chồng bà Tình bị nhiễm chất độc da cam mất trí nhớ. Khi trò chuyện với tôi, ông chỉ còn nhớ mình tham gia quân ngũ từ năm 1962, nhưng không nhớ trước đây mình ở đơn vị nào và xuất ngũ năm nào. Sau khi xuất ngũ trở về quê nhà, ông Cư còn tham gia công tác phường đến khi về hưu ông mới phát bệnh. Suốt mấy chục năm, bà Tình chăm sóc chồng cùng các con, những nỗi lo về tương lai các con trong bà không bao giờ vơi cạn.
Ông Trần Văn Toàn, nạn nhân CĐDC ở khu 3, phường Cẩm Phú đã 72 tuổi. Ông Toàn có cả con trai và con gái, cuộc sống “có nếp có tẻ”, nhưng hạnh phúc đã không mỉm cười với gia đình ông, khi cả 2 con ông đều bị ảnh hưởng CĐDC từ bố. Ông tâm sự, con trai năm nay đã 36 tuổi, con gái kém 2 tuổi, nhưng cũng chừng ấy năm, không mấy đêm vợ chồng ông có giấc ngủ ngon. Cô con gái bị bệnh tiểu đường, hàng tháng vợ chồng ông Toàn phải mất nhiều tiền để thuốc thang chữa chạy, trong khi họ chỉ trông chủ yếu vào đồng lương hưu. Anh con trai, thì ngày ngủ li bì, đêm tối thì thức hát, hò, chửi bới, quậy phá. Nghĩ đến tương lai của các con khi một ngày nào đó vợ chồng ông nhắm mắt xuôi tay, vợ ông Toàn lại ngấn hai dòng nước mắt.
Ông Vũ Huy Bảo, ở tổ 4, khu 10A, phường Quang Hanh hàng ngày vừa chăm con, còn phải chăm sóc vợ bị suy thận. Con trai ông Bảo anh Vũ Đức Minh, 35 tuổi cũng bị lây nhiễm từ bố, bị câm, điếc, liệt nửa người chỉ nằm một chỗ. Vợ chồng ông Bảo hàng ngày phải lo mọi sinh hoạt cho anh Minh. Cách đây 14 năm, bà Trần Thị Thái, vợ ông Bảo bị suy thận độ 3 phải cắt đi một bên thận nên sức khỏe sút đi nhiều, hầu như mọi công việc gia đình đều do ông Bảo gánh vác.
Ông Nguyễn Ngọc Tính, Phó chủ tịch Hội nạn nhân CĐDC/Dioxin TP Cẩm Phả chia sẻ: Tấm lòng những người vợ, người mẹ người cha chăm sóc các nạn nhân CĐDC thật đáng trân trọng. Chúng ta dù cố gắng bao nhiêu cũng chỉ bù đắp được phần nào, so với những hy sinh thầm lặng hằng ngày của họ để cùng nhau vượt qua nỗi đau da cam.
Anh Vũ
Liên kết website
Ý kiến ()