Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:43 (GMT +7)
Xóa bỏ phao xốp trong nuôi trồng thuỷ sản
Thứ 5, 09/11/2023 | 07:27:40 [GMT +7] A A
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản (NTTS) lợ, mặn trên địa bàn tỉnh, đến nay Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong NTTS.
Vì mục tiêu phát triển bền vững
Quảng Ninh hiện có trên 32.000ha NTTS, tập trung ở 8/13 địa phương, trong đó riêng nuôi biển chiếm 68%. Đặc biệt, bờ biển của tỉnh dài 250km, diện tích mặt biển hơn 6.000km², trên 43.000ha rừng ngập mặn và bãi triều có thể nuôi nhiều giống thủy, hải sản có giá trị kinh tế cao... Đây là lợi thế nổi trội để phát triển các hình thức nuôi lồng bè, nuôi đáy mà rất ít địa phương trong cả nước có được.
Tuy nhiên, thời gian trước đây, người nuôi thủy sản có thói quen sử dụng phao xốp để làm lồng bè. Mặc dù phao xốp là vật liệu có giá rẻ, dễ đầu tư, có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền sử dụng của phao trung bình chỉ 2-3 năm. Đồng thời, do NTTS bằng vật liệu phao xốp, lồng, bè gỗ nên mỗi khi mưa bão, người nuôi bị thiệt hại rất nặng nề. Ngoài ra, phao xốp bị phá hỏng, trôi dạt trên biển rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái.
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững NTTS trên biển tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là “xóa sổ" phao xốp trong hoạt động NTTS, ngày 31/8/2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong NTTS lợ, mặn trên địa bàn tỉnh (QCĐP số 08:2020/QN). Theo đó, quy định rõ lộ trình thực hiện là từ ngày 1/1/2021, các cơ sở NTTS lợ, mặn thực hiện đầu tư mới phải đáp ứng đúng theo quy chuẩn; từ ngày 1/1/2023, các cơ sở NTTS đang sử dụng vật liệu làm phao nổi không phù hợp sẽ phải thực hiện chuyển đổi toàn bộ vật liệu để đáp ứng yêu cầu của quy chuẩn. Đây được coi là giải pháp đột phá và cách làm mới của Quảng Ninh trong việc quản lý, rà soát và giám sát chặt chẽ, giảm thiểu rác thải từ các vật liệu không thân thiện, không bền vững trên vùng biển. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong NTTS.
Phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE không những có độ nổi tốt như phao xốp, mà còn có kết cấu bền vững, thích ứng được với biến đổi khí hậu, sóng to, gió lớn, tuổi thọ 30-50 năm. Bên cạnh đó, vật liệu nhựa HDPE rất bền, chịu được va đập cao, an toàn với nguồn nước, không bị ăn mòn, rỉ sét bởi môi trường nước biển. Đặc biệt, NTTS bằng phao nhựa HDPE được đánh giá là một hình thức nuôi thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm, thủy sản sinh trưởng khỏe mạnh.
Như vậy, chủ trương chuyển đổi phao xốp sang phao nhựa HDPE của tỉnh là hoàn toàn đúng đắn, nhằm bảo vệ môi trường biển, đảm bảo NTTS bền vững. Chủ trương này cũng được đông đảo người nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh đồng thuận ủng hộ. Anh Vũ Văn Tình (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) cho biết: Gia đình tôi có 20 dây nuôi hàu, sau khi được tuyên truyền cũng như thấy tác hại của phao xốp, tôi đã chuyển đổi toàn bộ sang phao nhựa hợp quy chuẩn. Thời gian tới khi được xã phê duyệt mở rộng diện tích nuôi, tôi cũng cam kết sẽ tiếp tục dùng phao nhựa để bảo vệ môi trường và phát triển nghề nuôi biển bền vững.
Hoàn thành dứt điểm chuyển đổi vật liệu nổi
Để đảm bảo đúng lộ trình thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND, thời gian qua, các địa phương, ban, ngành liên quan đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp NTTS thực hiện chủ trương chuyển đổi, xóa phao xốp; cùng với đó là xử lý những cá nhân, doanh nghiệp cố tình không thực hiện, mặc dù đã ký cam kết chuyển đổi.
Huyện Đầm Hà có gần 8.700ha đất, mặt nước biển NTTS, trong những năm qua, phát triển thủy sản của huyện đã có những bước đột phá tích cực, tăng cả về quy mô và sản lượng. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện về việc chuyển đổi phao xốp sang phao hợp quy chuẩn, các xã ven biển như Tân Lập, Đại Bình, Tân Bình và Đầm Hà đã ban hành thông báo về việc di dời, giải tỏa hoạt động NTTS không phép, xử lý vật liệu nổi bằng phao xốp không đạt tiêu chuẩn trên khu vực biển do địa phương quản lý.
Các xã cũng đã chủ động làm việc với các hộ dân có hoạt động NTTS trên biển, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã và thực hiện ký cam kết với các hộ dân đang NTTS trên biển về việc chấp hành nghiêm quy định về sử dụng vật liệu làm phao và lồng nuôi đảm bảo theo quy chuẩn, nuôi trồng đúng theo diện tích được giao. Huyện cũng đã thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành của huyện, 4 đoàn kiểm tra cấp xã, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản, buộc di dời, tháo dỡ công trình NTTS vi phạm trên biển, khôi phục trả lại hiện trạng ban đầu.
Với những nỗ lực của chính quyền và sự đồng thuận của người NTTS, Đầm Hà là một trong 2 địa phương của tỉnh hoàn thành chuyển đổi 100% phao xốp sang phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn, đúng lộ trình đề ra.
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có trên 6,85 triệu quả phao xốp được các hộ sử dụng trong NTTS. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai chủ trương, việc chuyển đổi phao xốp trong NTTS sang phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường đã cơ bản hoàn thành, tỷ lệ chuyển đổi đạt 99,5%. Trong đó, các địa phương đã hoàn thành chuyển đổi 100% gồm: Tiên Yên và Đầm Hà, các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi cao trên 95% gồm: Vân Đồn (98,8%), Cẩm Phả (98%), các địa phương có tỷ lệ chuyển đổi trung bình và thấp: Hải Hà (78,1%), Móng Cái (32,7,5%), Quảng Yên (21,1%), Hạ Long (46,3%). Được biết, số phao xốp còn lại chủ yếu là ở những bè đang trong quá trình nuôi thủy sản chuẩn bị đến kỳ thu hoạch. Khi người dân thu hoạch xong sẽ tiến hành thay thế hoàn toàn.
Nhằm giải quyết dứt điểm việc chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn kỹ thuật địa phương trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương sẽ tích cực phối hợp khẩn trương lập đề án nuôi biển, đề nghị cấp có thẩm quyền giao khu vực biển theo quy định gắn với thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi vật liệu nổi và cấp giấy chứng nhận cơ sở NTTS. Ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết: Hiện ngành thủy sản đang tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ thẩm định các vùng, vị trí nuôi đảm bảo an toàn, phù hợp với quy hoạch của huyện, của tỉnh để tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức giao cho người dân yên tâm sản xuất, NTTS, sử dụng vật liệu nổi hợp quy, đảm bảo môi trường nuôi an toàn.
Cùng với đó, các ngành chức năng cũng tăng cường mở các đợt cao điểm kiểm tra các hoạt động mua bán, vận chuyển, sử dụng vật liệu nổi trong nuôi biển. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp mua bán, vận chuyển, cung ứng các sản phẩm phao nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, kiểm tra rà soát, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động NTTS trên biển không đúng quy định và kiên quyết xử lý nghiêm khắc, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trong NTTS và sử dụng vật liệu nổi gây ô nhiễm môi trường.
Sở NN&PTNT tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị sản xuất phao nhựa dùng trong NTTS chủ động đa dạng hóa mẫu mã, kích cỡ sản phẩm theo nhu cầu thực tế, sản xuất và hoàn thiện thủ tục công bố hợp quy. Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc hoàn thành thủ tục công bố hợp quy cho các sản phẩm phao nhựa cỡ lớn, có độ bền cao hơn phao xốp, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với hình thức nuôi biển bằng nhà bè, giàn bè.
Về phía các địa phương, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện lập Đề án NTTS trên biển; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cấp phép, giao mặt nước theo quy định. Chấn chỉnh một số xã, phường chưa thực hiện xong việc chuyển đổi vật liệu nổi hoặc còn để xảy ra việc xuống phao xốp mới. Tăng cường công tác quản lý, xử lý sản phẩm hàng hóa không đảm bảo theo quy định, hoàn thành dứt điểm việc chuyển đổi vật liệu nổi xong trước ngày 20/11/2023.
Thu Hoài - Ngọc Ánh
Liên kết website
Ý kiến ()