Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 10:52 (GMT +7)
Xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 4, 21/02/2024 | 08:48:44 [GMT +7] A A
Sắc màu văn hóa phong phú của các dân tộc góp phần tạo nên thương hiệu, bản sắc riêng của tỉnh trong phát triển, hội nhập. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều quan niệm mê tín, lạc hậu, gây hại đến tiến bộ xã hội, tiềm ẩn mất ANTT, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Từng bước đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng này luôn là nhiệm vụ được các ngành, địa phương trong tỉnh chú trọng.
Huyện biên giới Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào DTTS, trình độ dân trí không đồng đều, tồn tại nhiều hủ tục (tảo hôn, kinh tế manh mún, canh tác nông nghiệp lạc hậu, dùng bùa ngải khi đau ốm, ăn ở không hợp vệ sinh…). Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế này, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện xác định muốn thay đổi tình trạng kém phát triển thì phải bắt đầu từ những chuyển biến trong nhận thức, nền nếp sinh hoạt, lao động của mỗi người dân. Những năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, chương trình 135, giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ vùng DTTS... đều hướng vào khuyến khích vai trò chủ động, chủ thể của người dân, loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp cho không. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, người uy tín tiêu biểu... là những hạt nhân gương mẫu, trực tiếp nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận với nếp sống mới, xóa bỏ những thói quen không tốt trong nếp ở, sinh hoạt.
Bên cạnh duy trì có hiệu quả những mô hình, phong trào đã trở thành thương hiệu của các tổ chức đoàn thể, những năm gần đây huyện còn thêm nhiều cách làm mới trong đẩy lùi hủ tục trên địa bàn. Tiêu biểu, từ năm 2020 BCĐ công tác phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ huyện xây dựng mô hình “Phát huy vai trò thầy cúng, thầy mo trong tuyên truyền, vận động giữ gìn ANTT ở cơ sở” gắn với xóa bỏ tập quán lạc hậu. Đến nay toàn huyện có gần 60 thầy cúng, thầy mo tham gia mô hình, tích cực phối hợp với chính quyền, công an địa phương xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Với sự vào cuộc của đội ngũ đặc biệt này, những bản sắc văn hóa cốt lõi của đồng bào vẫn được bảo tồn, phát huy, trong khi những quan niệm sai, lỗi thời được loại bỏ dần cho phù hợp.
Tại TP Móng Cái, nhiệm vụ đẩy lùi hủ tục luôn được quan tâm chỉ đạo sâu sát, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương liên quan, để tạo được hiệu quả cao nhất. Để giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS theo chỉ đạo của tỉnh (Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 25/2/2021), thành phố xây dựng phương án với nhiều giải pháp cụ thể, phân công rõ vai trò của từng đơn vị chủ trì, phối hợp. Trong đó ngành Y tế củng cố và nhân rộng các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, các CLB “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết”, đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về sức khỏe sinh sản và quản lý dân số ở tuyến xã. Ngành GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng thời lượng giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế và từng lứa tuổi học sinh DTTS trong việc thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, ngăn ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết...
Xóa bỏ những hủ tục, nhất là trong đồng bào DTTS, không phải là nhiệm vụ có thể thực hiện nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, đây là điều kiện quan trọng để tạo môi trường an toàn, ổn định, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để góp phần phát triển nguồn nhân lực các DTTS, UBND tỉnh đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022-2025, trong đó có vùng DTTS, miền núi, biên giới. Cùng với đó, tỉnh còn hoàn thiện Đề án phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030... Các địa phương đều triển khai áp dụng chính sách ưu tiên người DTTS dự tuyển vào công chức hoặc viên chức công tác ở vùng DTTS, như: Miễn phần thi ngoại ngữ kỳ thi tuyển, cộng 5 điểm vào kết quả thi ở vòng 2 kỳ thi tuyển hoặc xét tuyển. Kỳ tuyển viên chức năm 2022 của tỉnh đã có 68 người DTTS được tuyển dụng...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()