Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:22 (GMT +7)
Xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu
Thứ 4, 16/10/2024 | 14:03:41 [GMT +7] A A
Đẩy lùi những quan niệm mê tín, tập tục lạc hậu tồn tại len lỏi trong đời sống, nhất là vùng đồng bào DTTS, là nhiệm vụ quan trọng để góp phần nâng cao toàn diện chất lượng đời sống nhân dân, giữ gìn ANTT cơ sở. Nhiều địa phương đã có những chuyển biến tích cực nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Cách đây hơn 12 năm, xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ) đã thoát diện đặc biệt khó khăn, đang phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu vào năm 2025. Bên cạnh hạ tầng kinh tế - xã hội ngày một hoàn thiện; những tập tục lạc hậu đã dần lùi xa; những bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát triển trong cộng đồng dân cư. CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán của xã (thành lập năm 2019) là nòng cốt trong các hoạt động xóa bỏ mê tín, lạc hậu.
Cụ thể, bằng việc gìn giữ những cuốn sách chữ Nôm Dao (ghi chép nguyên gốc về phong tục, tín ngưỡng dân gian, từ cấp sắc, đầy tháng, ma chay đến cưới hỏi...), những quan niệm lạc hậu khi tổ chức cưới hỏi, việc tang, lễ hội... được điều chỉnh để hướng tới cuộc sống văn minh, an toàn hơn. Các thành viên CLB còn tích cực tham gia phục dựng nghi lễ múa rùa, nhảy lửa truyền thống, là nét đẹp đời sống văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng tại địa phương. Trước xu thế giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, các bài múa đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo trong nhiều sự kiện lớn của địa phương.
Huyện Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào DTTS. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn chú trọng tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân từ bỏ dần những hủ tục, sản xuất manh mún, kém hiệu quả; không trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, người uy tín tiêu biểu là những hạt nhân gương mẫu, trực tiếp nắm địa bàn, cầm tay chỉ việc, từng bước thay đổi nhận thức để bà con tiếp cận có hiệu quả các chính sách hỗ trợ. Từ năm 2020 huyện xây dựng mô hình “Phát huy vai trò thầy cúng, thầy mo trong tuyên truyền, vận động giữ gìn ANTT ở cơ sở”. Đến nay toàn huyện có gần 60 thầy cúng, thầy mo, người uy tín trong các dòng họ... tham gia mô hình. Những tuyên truyền viên đặc biệt này đã tích cực phối hợp với chính quyền, công an vừa bảo tồn những bản sắc văn hóa cốt lõi, vừa loại bỏ dần những quan niệm lạc hậu, lỗi thời, nhất là đẩy lùi những quan niệm lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, chữa bệnh... gây tốn kém chi phí, mất thời gian, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần của người dân.
Việc xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào DTTS là vấn đề nhạy cảm, không thể giải quyết chỉ bằng các giải pháp từ góc độ hành chính hay pháp luật. Điều quan trọng là phải thay đổi căn bản từ nhận thức của cộng đồng, tức là giúp người dân xác định đâu là các tập quán không còn phù hợp với thời đại, không còn các giá trị mang tính văn hoá, làm cho xã hội bị trì trệ, chậm phát triển; thực tế con em của đồng bào đang và sẽ phải trực tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những mê tín, lạc hậu này. Khi đó việc đẩy lùi lạc hậu sẽ xuất phát từ nhu cầu tự nguyện, thống nhất của cộng đồng dân cư, phát huy trách nhiệm của từng người dân trong tổ chức thực hiện.
Trước hết phát huy vai trò của cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chuyên môn trong khảo sát, đánh giá, xác định các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu cần tập trung tuyên truyền, vận động xóa bỏ. Các cán bộ, đảng viên ở cơ sở cần thực hiện nghiêm việc nêu gương thực hiện xóa bỏ hủ tục, tập quán mê tín, lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.
Quan điểm của Quảng Ninh không chỉ dừng lại ở việc lo cho đồng bào DTTS có cơm ăn, áo mặc, trẻ con được học hành, mà còn từng bước tạo dựng nên vùng đồng bào DTTS có nền kinh tế phát triển bền vững, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống; gắn kết cùng giữ vững quốc phòng - an ninh biên giới, quốc gia...
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã phê duyệt 4 đề án và các kế hoạch thực hiện khôi phục, sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, nghiên cứu, đề xuất công nhận các giá trị văn hóa phi vật thể của một số DTTS trên địa bàn tỉnh và xây dựng các thiết chế thể thao, văn hóa tại các xã vùng đồng bào DTTS.
Từ năm 2021 đến nay, Quảng Ninh ưu tiên bố trí trên 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến nay, 100% xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản; 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia; 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh...
Thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tính đến hết năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước.
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()