Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:06 (GMT +7)
Xóa bỏ bất bình đẳng giới
Thứ 6, 15/10/2021 | 13:35:51 [GMT +7] A A
Bất bình đẳng giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, hạn chế phát triển kinh tế - xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống của phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Vì thế, bình đẳng giới vùng DTTS được các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh rất quan tâm, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức về hành vi thực hiện bình đẳng giới.
Hiện nay, ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS của tỉnh vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giới. Nguyên nhân chủ yếu là người dân còn tư tưởng trọng nam, khinh nữ, nên nhiều gia đình dành ưu tiên đầu tư học hành cho con trai... Trước thực trạng đó, công tác bình đẳng giới vùng DTTS tích cực được triển khai. Các ngành chức năng của tỉnh đã xây dựng nhiều kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thực hiện sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bình đẳng giới.
Cụ thể, giai đoạn 2018-2021, các đơn vị, ngành chức năng đã phối hợp với 11 địa phương vùng DTTS tổ chức 38 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, phổ biến trực tiếp tại các xã DTTS về kiến thức pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, bảo vệ trẻ em, hệ lụy của lựa chọn giới tính trước khi sinh, tảo hôn và hôn nhân cận huyết, nhận biết và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Đồng thời, phối hợp với các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục tổ chức 6 diễn đàn “Học sinh DTTS nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết” thu hút gần 1.000 học sinh và giáo viên tham gia; tổ chức 13 buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa về nội dung giáo dục đời sống gia đình, phòng chống bạo lực gia đình tại các xã vùng DTTS: Lương Mông (huyện Ba Chẽ), Hà Lâu (huyện Tiên Yên), Húc Động (huyện Bình Liêu)…
Nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, các ngành, đơn vị, địa phương đã tích cực triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho phụ nữ là nạn nhân của việc phân biệt đối xử và bạo lực gia đình. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước (Sở Tư pháp) đã tổ chức 1.093 cuộc trợ giúp pháp lý cho 1.152 người, chủ yếu là pháp luật về dân sự, trẻ em, hôn nhân và gia đình.
Từ năm 2019, các địa phương đã triển khai 3 mô hình điểm là: Bình đẳng giới; Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Phòng chống tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS tại các xã Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), xã Tình Húc (nay đã sáp nhập vào thị trấn Bình Liêu). Các mô hình hoạt động bài bản, khoa học, duy trì sinh hoạt định kỳ với các nội dung chuyên đề phong phú, như: Phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ và chăm sóc trẻ em; ngăn ngừa tình trạng bạo lực, kết hôn trước tuổi pháp luật quy định đối với trẻ em vùng DTTS nhằm nâng cao nhận thức và giải quyết vấn đề tảo hôn, ép kết hôn, bảo đảm thực hiện tốt quyền trẻ em trong gia đình.
Bên cạnh đó, tham gia sinh hoạt, thành viên CLB còn được tư vấn, hỗ trợ về phát triển kinh tế, từ đó nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến rõ nét; trong mỗi gia đình, nam giới đã chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ; phụ nữ có tiếng nói hơn trong gia đình và có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội, góp phần hiệu quả trong việc giảm thiểu vấn nạn gia đình. Năm 2020, toàn tỉnh có 73 vụ bạo lực gia đình, giảm 147 vụ so với năm 2019.
Tuy nhiên, để chấm dứt hoàn toàn các hành vi phân biệt đối xử, bất bình đẳng giới, các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục tăng cường tạo cơ hội cho phụ nữ DTTS tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, dịch vụ, nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế cũng như thêm cơ hội được học tập, lao động...
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()