Miếng dán bảo vệ màn hình smartphone có nhiều loại, trong đó có sử dụng chất lỏng đổ lên màn hình máy, sau đó đặt miếng dán lên rồi dùng đèn chiếu tia UV làm khô. Miếng dán này rất phổ biến, kể cả ở Việt Nam, vì dễ dán hơn các loại khác vốn cần công đoạn tỉ mỉ, đặc biệt cho máy có màn hình cong.
Theo khuyến cáo, sử dụng miếng dán UV dùng chất lỏng không đúng cách có thể khiến chất này thấm vào các khu vực nhạy cảm của thiết bị, như loa, khe hở nút bấm, cổng sạc, dẫn đến nhiều vấn đề khác như khởi động lại đột ngột, trục trặc ở nút bấm hay gây rè loa, thậm chí gây hỏng vỏ máy.
"Vấn đề phát sinh trong quá trình dán là keo dùng để gắn miếng dán màn hình có thể vô tình đi vào bộ phận nhạy cảm của thiết bị. Sau khi được xử lý bằng đèn chiếu tia UV, loại keo này có thể cứng lại, gây hư hỏng và có khả năng làm mất hiệu lực bảo hành của thiết bị", tài khoản Redmi India đăng trên X.
Theo lời khuyên từ thương hiệu con của Xiaomi, người dùng không nên sử dụng miếng dán có sử dụng chất lỏng. Thay vào đó, nên xem xét lựa chọn thay thế như kính cường lực hoặc miếng dán film.
Bảo vệ màn hình bằng tấm dán dùng keo UV cũng từng bị một số kỹ thuật viên sửa chữa tại Việt Nam cảnh báo. Năm 2022, một số cửa hàng sửa điện thoại ở TP HCM cho biết đã nhận được nhiều thiết bị gặp lỗi cháy cáp màn hình do keo UV gây ra, nhất là trên thiết bị có màn hình cong. Trong khi đó, miếng này không rẻ, hiện có giá dao động từ 150.000 đến 400.000 đồng.
Ý kiến ()