Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:21 (GMT +7)
Xét xử vụ Công ty AIC: Một bị cáo kêu oan bất ngờ xin nhận tội
Thứ 7, 24/12/2022 | 14:56:20 [GMT +7] A A
Tại phiên tòa xét xử vụ AIC sáng 24/12, bị cáo Lưu Văn Phương bất ngờ thay đổi lời khai và thừa nhận hành vi phạm tội, mong được hưởng tình tiết giảm nhẹ từ đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử.
Sáng 24/12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC) và 35 bị cáo vi phạm quy định về đấu thầu, lợi dụng chức vụ quyền hạn, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, đưa và nhận hối lộ tiếp tục với phần xét hỏi.
Trong phiên xử sáng 24/12, bị cáo Lưu Văn Phương (nhân viên AIC) đã bất ngờ xin nhận tội.
Trong số 28 bị cáo có mặt tại phiên tòa, đa số các bị cáo thừa nhận sai phạm, một số bị cáo thừa nhận một phần hành vi vi phạm, riêng bị cáo Lưu Văn Phương không thừa nhận hành vi phạm tội và kêu oan.
Bị cáo Lưu Văn Phương cho rằng bị cáo bị oan, bị cáo chỉ làm hồ sơ đấu thầu lần 1, nhưng sau đó hồ sơ này không trúng thầu. Tới lần thứ 2, khi chủ đầu tư hạ tiêu chí đấu thầu, AIC tham gia dự thầu mới trúng thầu.
Trong lần thứ 2 đó, bị cáo Phương cho rằng bị cáo không làm hồ sơ dự thầu vì khi đó bị cáo đang đi công tác Vũng Tàu 6 tháng.
Trong phần xét hỏi tại phiên tòa sáng 24/12, bị cáo Lưu Văn Phương bất ngờ thay đổi lời khai và thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Phương trình bày: Sau khi bị cáo nghe thêm những lời khai bổ sung của các bị cáo là cán bộ liên quan đến hồ sơ dự thầu lần 2 của Công ty AIC, bị cáo thấy mình không đưa ra được bằng chứng gì thuyết phục để chứng minh cho việc bị cáo không liên quan đến hồ sơ dự thầu lần 2.
Do vậy, bị cáo Lưu Văn Phương xin nhận tội và mong được hưởng các tình tiết giảm nhẹ từ đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử. Bị cáo mong được đại diện Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét các ý kiến của bị cáo và luật sư bào chữa, để xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Về phía gia đình, bị cáo Lưu Văn Phương cũng đã tác động tới gia đình để nộp tiền, tích cực khắc phục hậu quả trong vụ án.
Bị cáo Lưu Văn Phương phân tích thêm, công việc của bị cáo chủ yếu liên quan đến giai đoạn sau khi ký hợp đồng, giai đoạn trước là do kỹ sư của hãng hỗ trợ. Khi đã có hồ sơ dự thầu lần 1 thì công tác chuẩn bị cho hồ sơ dự thầu lần 2 rất đơn giản.
Nếu cần bổ sung thêm vào hồ sơ dự thầu lần 2 thì kỹ sư của hãng sẽ bổ sung theo yêu cầu. Bị cáo mong được Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc về mức độ hành vi vi phạm của bị cáo và cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt tối đa.
Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa đã đặt câu hỏi với bị cáo Lưu Văn Phương về việc bị cáo có bị ép buộc, dụ dỗ để thay đổi lời khai tại phiên xử sáng 24/12 không?
Bị cáo Lưu Văn Phương trả lời: “Sau một đêm bị cáo suy nghĩ rất nhiều và cho rằng bản thân không còn băn khoăn gì nữa. Bị cáo hoàn toàn tự nguyện nhận tội, mong Viện Kiểm sát và Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.”
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, thực hiện chỉ đạo của bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc AIC), Lưu Văn Phương liên hệ với Nguyễn Huy Mạnh - nhân viên Công ty TNT, đồng thời đại diện cho hãng Drager, lấy cấu hình, thông số kỹ thuật, catalogue và báo giá của các thiết bị dự kiến để lập Hồ sơ dự thầu gói thầu số 07.
Bị cáo Phương tính toán “giá đầu ra” cho các thiết bị của gói thầu trên cơ sở lấy “giá đầu vào” do Công ty TNT cung cấp nhân với 30% và xây dựng báo giá để chuyển cho đơn vị tư vấn thẩm định giá làm căn cứ xác định giá của gói thầu trong Chứng thư thẩm định giá. Sau đó, Công ty AIC trúng thầu Gói số 07 theo mức giá do Phương đưa ra, gây thiệt hại hơn 8,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, Lưu Văn Phương còn liên hệ với nhà thầu tư vấn thiết kế điều chỉnh thiết kế Hệ thống khí y tế để chuyển cho Chủ đầu tư phê duyệt; đồng thời là người được giao giám sát thi công xây lắp, nghiệm thu gói thầu số 07 do Công ty TNT trực tiếp xây lắp.
Liên quan đến phần bồi thường dân sự, tại phiên tòa sáng 24/12, Hội đồng xét xử đã hỏi ý kiến của đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc đại diện Công ty AIC đã tự nguyện bồi thường toàn bộ số tiền thiệt hại trong vụ án.
Đại diện Ủy ban Nhân dsaan tỉnh Đồng Nai đã đồng ý với sự tự nguyện này của Công ty AIC, tuy nhiên cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc số tiền 107 tỷ đồng của Công ty AIC đang ở trong tài khoản của ngân hàng không đủ để bồi thường số tiền thiệt hại trong vụ án.
Vì vậy, bên cạnh bị đơn dân sự là Công ty AIC, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thêm một bị đơn dân sự nữa là bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC).
Lý do đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đưa ra là vì bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là bị cáo đầu vụ, có trách nhiệm lớn trong việc để xảy ra vi phạm cũng như các thiệt hại trong vụ án./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()