Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:12 (GMT +7)
Xét tốt nghiệp THCS theo quy định mới, học sinh được hưởng lợi rất nhiều
Thứ 5, 01/02/2024 | 09:13:45 [GMT +7] A A
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT một số địa phương cho rằng, điểm mới trong xét tốt nghiệp THCS trong Thông tư 31 có tính nhân văn và nhận được sự ủng hộ rất lớn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, Thông tư này có hiệu lực từ 15/02/2024 và chính thức áp dụng từ năm học 2024 - 2025.
Theo đó, trong thông tư này có một số điểm mới được phụ huynh, học sinh đánh giá cao về tính nhân văn khi triển khai thực hiện. Cụ thể, tại Điều 3 của thông tư này quy định về số lần xét công nhận tốt nghiệp trong một năm, thay vì chỉ được 1 lần như trước đây thì quy định mới được xét tốt nghiệp trung học cơ sở nhiều nhất 2 lần trong năm, tạo điều kiện cho học sinh được xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở, thực hiện mục tiêu phổ cập trung học cơ sở.
Bên cạnh đó, Thông tư 31/2023 cũng quy định việc học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp mà không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định hiện hành.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc này, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, học sinh sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những điểm mới trong Thông tư 31.
Lãnh đạo Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương nhận định: "Những hiệu trưởng trường trung học cơ sở như tôi chính là những "người trong cuộc" khi thực hiện Thông tư 31 nên hơn ai hết, khi thông tư này được ban hành tôi cũng đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu trước khi nó chính thức được áp dụng.
Trải qua nhiều năm làm nhiệm vụ công tác xét tốt nghiệp cho học sinh tôi nhận thấy rằng, những điểm mới của Thông tư này mang nhiều ý nghĩa nhân văn, tích cực. Trong lúc ngành giáo dục đang hướng tới phổ cập bậc trung học cơ sở thì việc tạo ra các điều kiện thuận lợi cho học sinh để có mặt bằng chung trong giáo dục trung học cơ sở là điều nên ưu tiên thực hiện".
Cụ thể với các điểm mới nói trên, vị Hiệu trưởng này cho hay, không thực hiện xếp loại trên bằng tốt nghiệp là hoàn toàn hợp tình, hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Vị này cho biết: "Thực tế cho thấy, khi thực hiện phổ cập thì việc xếp loại học sinh trên bằng tốt nghiệp trung học cơ sở là không cần thiết. Từ đó, điểm mới này có thể tạo ra động lực, giảm sự tự ti đối với những học sinh có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Bởi lẽ, việc đánh giá, xếp loại đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở chưa phản ánh đúng thực chất được năng lực học tập thực sự của học sinh đó. Chính tôi cũng đã ghi nhận trường hợp, học sinh có học lực yếu ở cấp trung học cơ sở nhưng sau khi lên cấp trung học phổ thông em đó đã có nhiều bứt phá và trở thành học sinh khá, giỏi.
Trên cơ sở đó, việc không đưa xếp loại vào bằng tốt nghiệp phần nào đó sẽ giúp bản thân mỗi học sinh tự nhận thức được năng lực học tập của mình, tạo cơ hội để em đó có thể phấn đấu ở cấp học cao hơn".
Đối với quy định được xét tốt nghiệp không quá 2 lần trong một năm, theo thầy Tuấn Anh điểm mới này cùng với quy định không ghi xếp loại trong bằng tốt nghiệp sẽ mở rộng hơn cơ hội học tập đối với học sinh cấp trung học cơ sở.
"Có thể trong năm học đó vì một lý do hoặc sự cố bất khả kháng mà học sinh không thể hoàn thành được chương trình học để có thể đảm bảo việc xét tốt nghiệp định kỳ thì việc có thêm 1 lần xét tốt nghiệp là tạo thêm cơ hội cho học sinh.
Từ đó giúp các em không bị lỡ cả một năm học để có thể chờ đến đợt xét định kỳ của năm học tiếp theo mà quy định hiện hành đang áp dụng", Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương nhận định.
Tuy nhiên, theo nhận định của vị hiệu trưởng này, bất cứ một quy định mới nào khi đưa vào áp dụng thì không tránh khỏi việc có kẽ hở để một số cá nhân tìm cách "lách" luật. Vì thế, khi triển khai các trường cần thực hiện một cách nghiêm túc và cần sự chung tay giám sát của cộng đồng.
"Tính nhân văn khi thực hiện những điểm mới trong Thông tư 31 là nhìn thấy rõ. Tuy nhiên sẽ có những bất cập, thậm chí là nảy sinh tiêu cực nếu công tác quản lý bị buông lỏng. Khi ấy rất có thể xảy ra trường hợp học sinh đó không đủ điều kiện nhưng vẫn được xét tốt nghiệp.
Có thêm một lần trong năm học để thực hiện việc xét tốt nghiệp cho học sinh là thêm cơ hội cho học sinh nên nếu việc này được thực hiện nghiêm túc thì ý nghĩa tích cực của nó mang lại là rất lớn.
Nhưng nếu có trường hợp lợi dụng việc này để "nâng đỡ" cho một số cá nhân không đủ tiêu chuẩn thì sẽ xảy ra sự bất công trong xã hội và khiến phụ huynh có cái nhìn sai lệch về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo", thầy Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Cùng chung nhận định về việc này, thầy Lê Thanh Kính - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, điểm mới trong Thông tư 31 về việc bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp trung học cơ sở có thể góp phần hạn chế tiêu cực, bệnh thành tích trong giáo dục.
"Về cơ bản thì những điểm mới trong thông tư này sẽ xóa đi khoảng cách về xếp loại giữa các học sinh. Việc này được đưa ra trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện phổ cập trung học cơ sở là hợp tình hợp lý.
Hơn nữa, việc đánh giá xếp loại của học sinh đó ở cấp trung học cơ sở chưa thể đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh đó sau này. Nhiều em học lực bình thường ở lớp 9 nhưng khi lên lớp 10 thành tích vượt trội hơn hẳn nên việc ghi rõ xếp loại học lực trên bằng tốt nghiệp như quy định cũ là không cần thiết, thậm chí còn gây ra tâm lý so sánh giữa các học sinh với nhau.
Về việc này, qua khảo sát tinh thần của giáo viên và phụ huynh khi tiếp cận nội dung Thông tư 31 chúng tôi cũng nhận thấy sự ủng hộ và tán thành rất lớn của họ", thầy Lê Thanh Kính cho biết thêm.
Theo nhận định của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức, việc bỏ xếp loại trong bằng tốt nghiệp có thể xóa đi khoảng cách giữa các học sinh và xóa bỏ áp lực học tập, thành tích.
Nêu thêm nhận định về việc tổ chức xét công nhận tốt nghiệp nhiều nhất 02 (hai) lần trong một năm học ở trung học cơ sở, vị Trưởng phòng này cho rằng, quy định này có tính "cởi mở" và tạo cơ hội cho học sinh để không em nào "bị bỏ lại phía sau".
"Trên thực tế chúng tôi cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp, vì một điều kiện nào đó mà đúng thời điểm học sinh xét tốt nghiệp đã bị ảnh hưởng nên không thực hiện được.
Như vậy, có thể cả một năm cố gắng, phấn đấu, học lực của em đó tốt nhưng chỉ vì các yếu tố khách quan như vậy làm ảnh hưởng và chậm lại cả một năm học đối với học sinh đó là đáng tiếc và thiệt thòi với học sinh", thầy Lê Thanh Kính nêu quan điểm.
Đối với việc quán triệt tinh thần với các đơn vị trên địa bàn, thầy Lê Thanh Kính cũng lưu ý thêm rằng, những trường hợp học sinh chưa đủ điều kiện thực hiện việc xét tốt nghiệp ở thời điểm kết thúc năm học thì các trường cũng nên có kế hoạch để học sinh hoàn thiện chương trình trong thời gian hè để có thể thực hiện xét tốt nghiệp sớm nhất cho học sinh vào đầu năm học tiếp theo.
Vị lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, kế hoạch để hoàn thành chương trình ở đây chính là các trường hỗ trợ ôn tập khối lượng kiến thức còn thiếu cho học sinh chứ không phải để các em tự học.
"Dù Thông tư 31 chưa chính thức được áp dụng nhưng thời điểm này để việc triển khai gặp thuận lợi, chúng tôi yêu cầu các trường nghiêm túc trong việc ôn tập cho học sinh để làm sao kết quả học sinh đạt được trong đợt xét tốt nghiệp lần thứ 2 là khách quan, trung thực nhất.
Trong đó, với trường hợp các em bị rơi rớt, hoặc chưa đủ điều kiện xét trong đợt 1 thì chúng tôi lưu ý các trường là bồi dưỡng cho các em chỉ nên tập trung vào những môn học mà học sinh ấy đang bị yếu hoặc chưa hoàn thành vì lý do khách quan.
Chúng tôi cũng giao nhiệm vụ cho các hiệu trưởng trong việc đôn đốc, kiểm tra và không tổ chức bồi dưỡng dàn trải vừa tốn thời gian mà học sinh lại khó tiếp thu kiến thức", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Đức cho hay.
Chia sẻ thêm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về phương án để ngành giáo dục địa phương có thể triển khai có hiệu quả những điểm mới và hạn chế được bất cập khi Thông tư 31 chính thức có hiệu lực, thầy Lê Thanh An - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An) cho biết, việc này cần sự phối hợp đồng bộ và vai trò của hiệu trưởng các trường trung học cơ sở phải được phát huy hiệu quả.
Theo đó, vị này nhấn mạnh: "Qua tìm hiểu đối với Thông tư 31 chúng tôi cũng ghi nhận có nhiều điểm mới mẻ và mang tính nhân văn đối với người học. Dưới góc độ là người đứng đầu ngành giáo dục của huyện, tôi đánh giá cao và hoàn toàn ủng hộ những quy định này vì giúp nâng cao tính tự chủ của các trường trong việc thực hiện xét tốt nghiệp cho học sinh. Như vậy phần nào nó giảm bớt được áp lực đối với giáo viên.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không loại trừ khả năng có cơ sở sẽ lợi dụng những "kẽ hở" để thực hiện thiếu nghiêm túc các quy định này. Điều này nó làm mất đi tính nhân văn và tạo sự thiếu công bằng trong đánh giá năng lực học sinh.
Vì thế, trước khi thông tư này chính thức có hiệu lực, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã quán triệt đến các hiệu trưởng trường trung học cơ sở trong việc hài hòa trong chỉ đạo. Không đặt nặng vấn đề thành tích, nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng học tập của các học sinh".
Theo giaoduc.net.vn
Liên kết website
Ý kiến ()