Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 05:28 (GMT +7)
Xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú: Vì sao lắm ồn ào?
Thứ 3, 12/12/2023 | 11:44:52 [GMT +7] A A
Những lần xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đều khó tránh những ồn ào. Nhiều nghệ sĩ chạnh lòng nói không cần danh hiệu. Thực tế quá trình xét tặng danh hiệu thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi.
Nhiều tranh cãi, nghệ sĩ chạnh lòng
Dịp xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) vừa qua, nhiều cái tên trong danh sách còn xa lạ với công chúng. Ngược lại, một số nghệ sĩ nổi tiếng, được đông đảo khán giả biết đến lại chưa có duyên với danh hiệu.
Không ít ồn ào xoay quanh cơ chế xin - cho, thừa - thiếu giải thưởng, phiếu bầu... khiến danh hiệu không chỉ đi kèm với vinh dự, mà còn vướng vào những thị phi đáng tiếc.
Đợt xét tặng năm 2015, nghệ sĩ Tuyết Minh dù có thành tích vượt trội trong lĩnh vực nghệ thuật múa nhưng bị gạt hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT vì đạo đức.
Khi làm hồ sơ xét tặng, chị có 17 năm gắn bó với nghiệp múa, từng đoạt 12 huy chương vàng, 11 huy chương bạc trong nước và quốc tế về múa (trong đó có cả huy chương cho vai trò diễn viên biểu diễn và vai trò biên đạo). Nghệ sĩ Tuyết Minh khi đó là một trong 17 thành viên trong BCH Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam.
Lý do đánh trượt hồ sơ được một thành viên hội đồng xét duyệt danh hiệu NSƯT, NSND năm 2015 đưa ra là biên đạo múa Tuyết Minh có vấn đề trong văn hóa ứng xử. "Trước đó từng xảy ra vài chuyện ầm ĩ ở cơ quan, rồi sau đó lại liên quan đến đoàn múa Khám phá mà Tuyết Minh có tham gia", vị này nói.
Kết quả xét tặng khiến biên đạo Tuyết Minh bức xúc, cho rằng mình bị xúc phạm. Tuyết Minh đặt câu hỏi: Hội đồng xét duyệt có định lượng rõ ràng về số huy chương phải đạt được, vậy định lượng về đạo đức sẽ như thế nào? Quy định về phẩm chất đạo đức hiện rất mơ hồ. Như thế nào là không có phẩm chất đạo đức?
Nghệ sĩ Xuân Hinh cũng trượt danh hiệu NSND trong đợt xét tặng năm 2015 vì có đơn thư kiện cáo. Thời gian sau khi có người hâm mộ hỏi về câu chuyện danh hiệu, NSƯT Xuân Hinh thẳng thắn nói "đừng nên nhắc đến danh hiệu nghệ sĩ nhân dân nữa". Ông thẳng thắn nêu bất cập về các thành viên hội đồng xét duyệt.
NSƯT Lê Thiện được khán giả yêu mến gọi là "bà nội quốc dân" trên màn ảnh cũng không có tên trong danh sách hồ sơ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đăng tải để lấy ý kiến nhân dân. Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10.
Người hâm mộ ngỡ ngàng, bức xúc nhưng NSƯT Lê Thiện quyết không làm đơn xin xét lại và sẽ không bao giờ làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu NSND nữa.
“Đối với tôi, NSND là nghệ sĩ được nhân dân yêu mến và được cống hiến hết mình với nghề, vậy là đủ. Nhiều NSND chắc gì đã được nhân dân biết đến họ là ai, sản phẩm của họ là gì. Tôi thấy rất hạnh phúc vì ở tuổi này còn được làm việc, được cống hiến", nghệ sĩ gạo cội nói.
Có hội đồng vẫn bất cập
NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - cho rằng nguyên nhân tranh cãi vẫn xảy ra mỗi kỳ xét tặng danh hiệu là bộ tiêu chí xét tặng thiếu tính định lượng cụ thể.
“Việc xét tặng không thể chỉ dựa vào tiêu chí có hai huy chương vàng. Có người không đủ hai huy chương vàng vẫn được xét tặng, điều này dễ gây ra sự so sánh, nhất là đối với nghệ thuật biểu diễn nơi mỗi người đều có ý kiến, đánh giá khác nhau. Nếu chúng ta không có tiêu chí về định lượng rõ ràng, những tranh cãi xung quanh mỗi kỳ xét tặng danh hiệu sẽ tái diễn”, NSND Lê Tiến Thọ khẳng định với Tiền Phong.
Bên cạnh đó ông cũng cho rằng việc các hội đồng xét tặng danh hiệu có nhiều đại diện đến từ nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau dẫn đến tình trạng không thể biết được hết tất cả nghệ sĩ. Tình trạng chủ quan trong việc cho phiếu, cho điểm cũng có thể xảy ra.
Dự thảo nghị định sửa đổi về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT sẽ quy định cụ thể tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu, quy định chi tiết cách tính thành tích, thời gian và đối tượng đặc thù.
Thực tế quá trình xét tặng danh hiệu thời gian qua cho thấy còn có những đối tượng hoạt động nghệ thuật cần bổ sung để bảo đảm quyền lợi của cá nhân như quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình, bổ sung thêm việc quy đổi giải thưởng của tác phẩm để tính thành tích.
Mặt khác Bộ VHTTDL cũng cho biết về quy trình, thủ tục xét tặng sẽ điều chỉnh cho khoa học hơn, sửa đổi một số quy định còn lặp lại quy định của Luật Thi đua, khen thưởng hiện hành.
Từ những lý do nêu trên lãnh đạo Bộ VHTTDL khẳng định để triển khai thi hành hiệu quả Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 và bảo đảm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu, việc xây dựng Nghị định mới là cần thiết.
NSƯT Hà Thủy được phong danh hiệu NSND dịp này cũng chia sẻ rằng một số trường hợp nghệ sĩ chuyển hướng sang công tác giảng dạy không có điều kiện để thi thố, giành huy chương ở các hội diễn. Khi Bộ VHTTDL thay đổi quy định xét tặng với nghệ sĩ làm công tác giảng dạy, quá trình chuẩn bị hồ sơ xét tặng mới dễ dàng hơn.
"Giá như Bộ VHTTDL bổ sung luật sớm hơn, tôi và các đồng nghiệp không phải chờ đợi lâu như vậy", nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()