Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:46 (GMT +7)
Xem xét cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực giáo dục
Thứ 3, 11/04/2023 | 09:05:21 [GMT +7] A A
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Xem xét cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực giáo dục vì hiện nay, nhà nước đang có chủ trương tiến tới cho trường học các cấp từ THPT đến đại học thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính; điều này đồng nghĩa với việc sẽ tăng học phí đối với học sinh, sinh viên, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình, nhất là những gia đình có mức thu nhập thấp. Để giảm bớt khó khăn cho học sinh và sinh viên, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm rõ lộ trình tự chủ đối với từng cấp học; đồng thời ban hành các chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trả lời cụ thể như sau:
1. Về kiến nghị xem xét cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập ở lĩnh vực giáo dục
Thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 17/3/2020 của Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trình Chính phủ ban hành để áp dụng chung cho các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GDĐT, không ban hành Nghị định riêng quy định tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực GDĐT, Bộ GDĐT đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình dự thảo Nghị định. Ngày 21/6/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (thay thế Nghị định số 16/2015/NĐ-CP).
Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập để áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực GDĐT. Theo đó, cơ chế tự chủ về tài chính thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, Bộ GDĐT sẽ phối hợp trong quá trình tham gia ý kiến với Bộ Tài chính.
2. Về đề nghị Chỉnh phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm rõ lộ trình tự chủ đối với từng cấp học
Điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình quy định tại điểm a khoản này, Bộ Y tế, Bộ GDĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
Do lĩnh vực GDĐT có tác động lớn đến an sinh xã hội nên Bộ GDĐT đã phối hợp với các các cơ quan liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (sau đây gọi là Nghị định số 81); trong đó quy định khung giá dịch vụ GDĐT áp dụng đối với các cơ sở GDĐT chưa tự chủ chi thường xuyên dự kiến đến năm 2025 tính đủ chi phí giáo dục đại học công lập, đến năm 2030 tính đủ chi phí giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và nhiệm vụ kiểm soát lạm phát nên trên thực tế, lộ trình tính giá dịch vụ GDĐT tại Nghị định số 81 của năm học 2022-2023 cũng chưa thực hiện được (thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Bộ GDĐT đã có Tờ trình số 1136/TTr-BGDĐT ngày 26/8/2022 và Công văn số 4612/BGDĐT-KHTC ngày 19/9/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết giữ ổn định học phí năm học 2022-2023 bằng mức học phí năm học 2021-2022 để góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ học sinh và gia đình phụ huynh giảm bớt gánh nặng, ổn định đời sống nhân dân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022-2023).
3. Về kiến nghị ban hành các chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Nghị định số 81 đã quy định các chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cụ thể như sau:
Khoản 4, Khoản 5, Khoản 8, Khoản 12 Điều 15 Nghị định số 81 quy định miễn học phí đối với: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; học sinh trung học cơ sở ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền được miễn học phí từ năm học 2022-2023 (được hưởng từ ngày 01/9/2022); học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiếu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
Điểm c Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81 quy định giảm 70% học phí đối với: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số (ngoài đối tượng dân tộc thiểu số rất ít người) ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”.
Điểm b Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 81 quy định giảm 50% học phí đối với: “Trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông bà (trong trường hợp ở với ông bà) thuộc diện hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
Như vậy, hiện nay Nhà nước đã có các chính sách miễn giảm học phí đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngọc Ánh (Biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()