Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:26 (GMT +7)
Xem xét cho phép Chính phủ sử dụng hơn 30 nghìn tỷ đồng đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội
Thứ 3, 16/01/2024 | 22:22:59 [GMT +7] A A
Trong số vốn hơn 63 nghìn tỷ đồng tăng thu của năm 2022 đã được đưa vào nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, còn hơn 30 nghìn tỷ đồng chưa được phân bổ do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Đại biểu Quốc hội đề xuất cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn này ngay trong giai đoạn chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư để kịp thời đưa vào phát triển kinh tế-xã hội.
Đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế-xã hội
Chiều 16/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá cao việc Chính phủ đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị quyết và tờ trình về việc bổ sung này và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp bất thường để đưa nguồn vốn vào phát triển kinh tế-xã hội.
Quan tâm tới dự thảo nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đối với khoản vốn hơn 63 nghìn tỷ đồng tăng thu của năm 2022, Quốc hội đã quyết định đưa khoản này vào nguồn dự phòng chung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn nên việc trình Quốc hội quyết định nội dung này là đúng thẩm quyền.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ, trong 63 nghìn tỷ đồng đã phân bổ 33 nghìn tỷ đồng đối với các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, có danh mục kèm theo dự thảo nghị quyết.
Đối với số vốn còn lại, do Chính phủ chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên theo quy định của Luật Đầu tư công thì phải tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng phải xác định được nguồn vốn.
Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nghị quyết nên quy định theo hướng cho phép Chính phủ sử dụng nguồn vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Khi hoàn thiện thủ tục đầu tư phải báo cáo Quốc hội quyết định. Trong trường hợp cấp bách thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Cần thiết bổ sung vốn đầu tư công trung hạn cho dự án cấp điện Côn Đảo
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng bày tỏ đồng tình cao với dự thảo Nghị quyết về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đại biểu Tô Ái Vang nhận thấy, hiện nay, trước thực trạng nguồn cấp điện cho Côn Đảo chỉ đáp ứng đủ nhu cầu điện sinh hoạt, trong khi dân số cơ học của hòn đảo này đang tăng nhanh, điện cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ du lịch gần như không đáp ứng, còn các nhà đầu tư đang mong chờ có điện để triển khai kế hoạch đầu tư.
“Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thống nhất thông qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo để trưng cầu ý kiến của các chuyên gia rất kỹ lưỡng, cơ bản đủ căn cứ để đầu tư điện gió, điện mặt trời”, nữ đại biểu nêu rõ.
Vì vậy, việc cấp lưới điện quốc gia cho Côn Đảo sẽ đáp ứng mục tiêu cấp điện ổn định, an toàn và lâu dài, giảm thiểu tác động môi trường sinh thái, đặc biệt là bảo tồn rừng quốc gia, các di tích lịch sử và bảo đảm quốc phòng an ninh, đại biểu Tô Ái Vang nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm đây là dự án đặc thù vừa sử dụng vốn ngân sách trung ương, vừa sử dụng vốn của EVN.
Theo đại biểu, dự án đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và phối hợp triển khai dự án của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng. Chính phủ đã giao địa phương thực hiện đầy đủ các thủ tục giải phóng mặt bằng dự án, đáp ứng tiến độ, hiệu quả, tránh việc lãng phí tài nguyên, yêu cầu chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường, giám sát triển khai dự án đúng tiến độ và quy định.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Trường Giang, đây là những ý kiến xác đáng, việc thiết kế dự thảo nghị quyết hiện nay chưa làm rõ nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ, cơ quan thẩm tra sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì xây dựng tờ trình để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội xem xét, thông qua tại ngày cuối kỳ họp.
Về việc sử dụng nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, theo Nghị quyết 93 của Quốc hội về phân bổ chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, phân bổ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, do việc chuẩn bị các dự án trong chương trình đầu tư công trung hạn chưa kịp thời, nên đã quyết định để lại kinh phí, cho phép tiếp tục rà soát đề xuất các dự án.
Đối với ý kiến phát biểu của đại biểu Tô Ái Vang, bày tỏ đồng tình với những đề xuất đại biểu đã nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho biết, ủy ban sẽ phối hợp với cơ quan trình tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Dự án cấp điện cho Côn Đảo là một nội dung, dự án trước đây đã được giao nhiệm vụ để chuẩn bị đầu tư, nhưng do không chuẩn bị được kịp thời thủ tục đầu tư nên đã phải thu lại nguồn này, đưa vào dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đến nay, quá trình chuẩn bị đã được thực hiện kỹ lưỡng, cơ bản đã có căn cứ xem xét bố trí đầu tư. Do vậy, Chính phủ đề xuất Quốc hội sử dụng nguồn dự phòng để bố trí vốn cho dự án này.
Liên quan ngân sách nhà nước, dù chỉ 1 đồng cũng phải ứng xử có trách nhiệm, tránh thất thoát Trước đó, sáng 16/1, tại phiên thảo luận tổ về việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã phát biểu làm rõ nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng cho biết, theo thông lệ, khi có nguồn tăng thu thì Chính phủ đề xuất phân bổ bảo đảm hợp lý, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước. Việc bố trí vốn lần này ưu tiên mạnh cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và lĩnh vực an ninh quốc phòng cùng với một số nhiệm vụ khác để bảo đảm giải quyết được những vướng mắc hiện nay. Qua thảo luận cho thấy các đại biểu đồng tình cao với đề xuất của Chính phủ. Trước ý kiến đại biểu đề xuất có cơ chế mạnh mẽ để bố trí vốn ngay những dự án chưa đủ thủ tục đầu tư, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ, số vốn còn lại 30.568,013 tỷ đồng dự kiến bố trí cho danh mục dự án chưa đáp ứng thủ tục đầu tư không phải là khoản tiền nhỏ. “Đã liên quan đến ngân sách nhà nước, cho dù chỉ là 1 đồng cũng phải ứng xử hết sức có trách nhiệm và tuyệt đối không để thất thoát. Do đó, đòi hỏi các dự án phải bảo đảm đủ hồ sơ, thủ tục, đáp ứng các yêu cầu điều kiện thì trình Quốc hội xem xét, quyết định”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. |
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()