Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:32 (GMT +7)
Trợ lý Ban CHQS cấp huyện khi nghỉ hưu sẽ được xem xét thăng quân hàm đến cấp Trung tá nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn
Thứ 4, 08/01/2025 | 10:32:51 [GMT +7] A A
Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Hiện nay, quân hàm sĩ quan là trợ lý cấp huyện, thị và tương đương có cấp bậc quân hàm là Trung tá. Hiện nay khi nghỉ hưu ở vị trí trợ lý chỉ là Thiếu tá. Trong khi đó đối với lực lượng Công an thì công tác ở các phòng, các xã thì nghỉ hưu ở cấp bậc Trung tá. Đề nghị Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyển sửa đổi, ban hành quy định mới nhằm nâng mức quân hàm cho sĩ quan quân đội làm việc tại vị trí Trợ lý khi nghỉ hưu là Trung tá. Đồng thời, đề nghị có chế độ đãi ngộ riêng đối với sĩ quan công tác tại vùng biên giới.
Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Về chức vụ, chức danh, trần quân hàm của sĩ quan
Hiện tại, hệ thống chức vụ, chức danh, trần quân hàm của sĩ quan thuộc Ban CHQS cấp huyện (trừ Ban CHQS thành phố Thủ Đức/BTL TP.HCM) đang thực hiện theo Thông tư số 160/2017/TT-BQP ngày 04/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chức vụ, chức danh tương đương và chức vụ, chức danh có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy của sĩ quan QĐND Việt Nam; trong đó quy định:
- Chức danh Chỉ huy trưởng, Chính trị viên tương đương với Trung đoàn trưởng, trần quân hàm Thượng tá.
- Chức danh Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Chủ nhiệm Hậu cần - Kỹ thuật, Tiểu đoàn trưởng (dự bị động viên) tương đương Tiểu đoàn trưởng, trần quân hàm Trung tá.
- Chức danh Trợ lý tương đương Đại đội trưởng, trần quân hàm Thiếu tá.
Đối với chức danh Trợ lý thuộc Ban CHQS cấp huyện, Bộ Quốc phòng đã nghiên cứu, so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng; do chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quân sự địa phương, quy mô tổ chức của Ban CHQS cấp huyện tương đương với cấp Trung đoàn, trong khi cơ cấu tổ chức trong Bộ Quốc phòng các đơn vị có quy mô cấp Trung đoàn, Lữ đoàn và tương đương là tổ chức cơ bản và chiếm đa số; nếu điều chỉnh nâng trần quân hàm Trợ lý thuộc Ban CHQS cấp huyện và tương đương từ Thiếu tá lên Trung tá sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu cấp bậc quân hàm, không bảo đảm nguyên tắc quân hàm của chức vụ cấp trên cao hơn quân hàm của chức vụ cấp dưới. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng đang thực hiện khi cán bộ giữ chức vụ Trợ lý Ban CHQS cấp huyện khi nghỉ hưu được xem xét thăng quân hàm đến cấp Trung tá nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.
Ngày 28/11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024; trong đó có điều chỉnh, bổ sung hệ thống chức vụ, chức danh trong QĐND Việt Nam. Trên cơ sở Luật sửa đổi, bổ sung lần này, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 160/2017/TT-BQP, bảo đảm phù hợp, cân đối trong toàn quân.
Về chế độ đãi ngộ riêng đối với sĩ quan công tác ở vùng biên giới
Bộ Quốc phòng trân trọng sự quan tâm của cử tri đối với các đối tượng công tác ở vùng biên giới nói chung và sĩ quan nói riêng. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành (Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) thì cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang nói chung và sĩ quan nói riêng khi đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nơi xa xôi, hẻo lánh, đảo xa đất liền, vùng biên giới có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn... ngoài chế độ tiền lương, tùy theo từng điều kiện, đối tượng cụ thể còn được hưởng chế độ phụ cấp khu vực, phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút, phụ cấp biên giới... Các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành đã thể hiện sự quan tâm, ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang khi đến công tác, làm việc ở vùng sâu, vùng biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn (trong đó đã bao gồm sĩ quan công tác ở vùng biên giới), bảo đảm cân đối với hệ thống chính sách chung của nhà nước hiện nay.
Thu Hoài (biên soạn)
Liên kết website
Ý kiến ()