Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:26 (GMT +7)
Xe quá tải lại bùng phát khắp nơi
Thứ 4, 17/11/2021 | 08:28:22 [GMT +7] A A
Sau một thời gian vắng bóng do giãn cách xã hội, khi các hoạt động KTXH dần trở lại bình thường cũng là lúc xe quá tải bùng phát ở nhiều nơi.
Thực tế cho thấy việc xử lý trên đường của lực lượng chức năng rất khó để ngăn chặn triệt để, đồng thời việc ứng dụng công nghệ để kiểm soát càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Rầm rộ khắp nơi
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Tổng cục Đường bộ VN kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng quá tải trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, một trong những tuyến đường được phản ánh có nhiều xe ô tô chở hàng có dấu hiệu quá tải. Chỉ một thời gian ngắn, đoàn công tác đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm.
Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3), Phòng Hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT - đơn vị quản lý tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết, từ đầu năm đến nay, Đội đã xử lý 101 trường hợp, riêng từ ngày 14/10 đến nay, lập biên bản 46 trường hợp chở quá tải trên đoạn tuyến cao tốc này.
Trong khi đó, theo ghi nhận tại nhiều tuyến đường trên địa bàn các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa cho thấy tình trạng xe cơi nới thành thùng, chở quá tải đang tái diễn trở lại, nguy cơ bùng phát mạnh.
Cụ thể, ở Ninh Bình, trên các cung đường 477, QL10, QL1A, hàng ngày có tới hàng trăm lượt phương tiện, xe đầu kéo chở các mặt hàng như clinke, xi măng, đất, đá… ngày đêm lưu thông.
Thượng tá Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện Ninh Bình đang duy trì các chốt kiểm soát phòng, chống dịch trên các tuyến đường nên lực lượng CSGT thực hiện TTKS mỏng hơn so với trước đây.
Tương tự tại Thanh Hóa, những ngày qua tại thị xã Bỉm Sơn và nhiều huyện, tình trạng xe vận chuyển vật liệu xây dựng tăng đột biến.
Nhiều xe cơi nới thành thùng, chở quá tải trên các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ. Thậm chí, do quá bức xúc, người dân sống hai bên tuyến tỉnh lộ 523 đoạn qua xã Hà Tiến, huyện Hà Trung đã mang các đồ vật như thùng phuy, gạch đá, cây gỗ, lốp xe... ra chặn giữa đường, không cho đoàn xe tải lưu thông.
Tại Nghệ An, tình trạng xe chở vật liệu xây dựng cơi thùng, chở có ngọn, có dấu hiệu quá tải trên QL46B cũng diễn ra nhức nhối.
Theo ghi nhận, các xe này chủ yếu chở cát từ các mỏ hoặc các bãi tập kết cát sỏi nằm dọc tuyến đường QL46B rồi tỏa đi các hướng khác nhau. Đây cũng là thực trạng trên các tuyến QL7B, 48E và các tuyến đường tỉnh, đường huyện trên địa bàn huyện Yên Thành.
Thiếu tá Nguyễn Như Dũng, Đội phó Đội CSGT Công an huyện Thanh Chương (Nghệ An) cho biết, dù đã tăng cường kiểm tra và xử lý song chưa kể khép kín được địa bàn do lực lượng mỏng.
Trong khi đó, một lãnh đạo Đội CSGT Công an huyện Yên Thành thông tin, 9 tháng đầu năm 2021, Đội đã xử lý trên 180 trường hợp xe quá khổ, quá tải với số tiền xử phạt trên 600 triệu đồng.
Những ngày qua, PV cũng có mặt tại tuyến đường tránh Túy Loan - đường dẫn phía Nam hầm đường bộ Hải Vân, QL14B, QL1 qua địa phận Quảng Nam, Đà Nẵng, đồng thời ghi nhận tình trạng xe tải chở cát sỏi, vật liệu xây dựng có dấu hiệu quá khổ, quá tải hoạt động rầm rộ.
Tuy nhiên, việc phát hiện, xử phạt của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trước sự đối phó, né tránh của tài xế, chủ xe.
Tình trạng xe có dấu hiệu quả tải cũng diễn ra tương tự tại khu vực giáp ranh tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Trong khi đó, tại khu vực TP.HCM, sau một thời gian dài dừng hoạt động, ghi nhận cho thấy, xe có dấu hiệu chở quái tải lại hoạt động rầm rộ trên những “điểm nóng” mà trước đây Báo Giao thông đã nhiều lần phản ánh, đó là các tuyến đường Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng, Nguyễn Xiển...
Đủ chiêu trò đối phó
Ông Lê Tấn Lực, Đội phó Đội TTGT số 5, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM cho biết, thời gian qua, đơn vị thường xuyên phối hợp với Đội TTGT số 1, Đội CSGT quận 9 tuần tra kiểm soát, xử phạt phương tiện vi phạm chở quá tải trọng.
Tuy nhiên, quá trình xử lý, nhiều lái xe cố tình trốn tránh hoặc không chấp hành hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra... Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, với nhiều hình thức khác nhau.
Trực tiếp chứng kiến lực lượng Thanh tra Cục Quản lý Đường bộ I dừng phương tiện BKS 29C - 541.47 trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có dấu hiệu quá tải để kiểm tra, PV ghi nhận lái xe này không chấp hành yêu cầu xuất trình giấy tờ mà ngồi trên cabin liên tục gọi điện thoại nhờ “cứu viện”.
Đáng chú ý, để tránh phải đưa xe lên bàn cân kiểm tra tải trọng xe lưu động, lái xe này đã ngắt một đường dây được đấu nối bí mật dưới gầm xe và báo xe bị hỏng không nổ máy được.
Sau vài “ngón nghề” của lực lượng chức năng, lái xe này đã đấu nối lại dây và nổ máy nhưng vẫn không chấp hành kiểm tra. Vụ việc sau đó được bàn giao lại cho Đội CSGT số 3 tiếp tục xử lý.
Không chỉ có vậy, trên tuyến đường tránh Túy Loan - đường dẫn phía Nam hầm đường bộ Hải Vân, khi tổ công tác Trạm CSGT Hòa Nhơn, Phòng CSGT Công an Đà Nẵng phát hiện một xe chở cát sỏi có dấu hiệu quả tải, ngay lập tức các đối tượng “chim mồi” theo dõi thông báo về vị trí làm việc của lực lượng chức năng để các xe khác trên tuyến tìm cách né tránh.
Tương tự, tại tuyến QL1 khu vực giáp ranh 2 tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, khi tổ công tác Thanh tra giao thông đường bộ Chi Cục QLĐB III.1 (Cục QLĐB III, Tổng Cục đường bộ VN) ra hiệu lệnh dừng xe, kiểm tra 2 phương tiện xe tải BKS 43H - 006.67, 92C - 098.96, các tài xế điện thoại thông báo cho nhau.
Ngay sau đó, các phương tiện lưu thông trên tuyến bỗng “án binh bất động”, tấp vào lề đường, tài xế tắt máy, khóa cửa cabin, rời khỏi hiện trường.
Một trường hợp điển hình khác có thể kể đến là vụ việc xảy ra tại trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động trên QL14B. Khi Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng thực hiện cân tải trọng đối với các xe chở gỗ dăm, các tài xế “đối phó” bằng cách gia tăng trục xe khi chạy qua cân tải trọng.
Loại xe tải “cánh cụp, cánh xòe” chở gỗ dăm khi chạy trên đường có 4 trục nhưng khi được yêu cầu kiểm tra tải trọng xe thì tài xế hạ thêm 1 trục xe.
Trong nháy mắt, xe tải 4 trục biến thành xe tải 5 trục, xe quá tải trở thành xe đúng tải, dễ dàng “qua mặt” lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Văn Duy, Đội trưởng Đội Thanh tra An toàn, Cục Quản lý Đường bộ I cho hay, một bộ phận không nhỏ chủ xe, lái xe thiếu ý thức chấp hành pháp luật, luôn tìm cách trốn tránh, đối phó với sự kiểm soát của lực lượng chức năng như: Đóng cửa xe bỏ đi, lôi kéo nhiều người chống đối, gây rối, cản trở các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ...
Công nghệ vẫn là then chốt
Theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an Đà Nẵng, việc TTKS xử lý xe quá khổ, quá tải là việc làm thường xuyên của lực lượng CSGT.
Tuy nhiên, trong cùng một thời điểm, lực lượng CSGT Đà Nẵng đảm nhận nhiều nhiệm vụ, lại thiếu quân số nên hiệu quả chưa được đảm bảo.
Ông Nguyễn Danh Tiến, Chi Cục trưởng Chi Cục QLĐB III.1 (Cục QLĐB III) chia sẻ, việc xử lý xe quá khổ, quá tải, xe cơi nới kích thước thành thùng gặp nhiều khó khăn.
Tài xế, chủ xe luôn tìm mọi cách để né tránh xử lý vi phạm, thậm chí các đơn vị kinh doanh vận tải còn cử người theo dõi việc đi lại, vị trí làm việc của lực lượng chức năng.
“ Hệ thống kết cấu giao thông đường bộ được xây dựng bằng tiền thuế của nhân dân. Xe quá tải tàn phá cầu đường là phá hoại tài sản của nhân dân. Việc kiên quyết dẹp bỏ xe quá tải của các lực lượng chức năng phải làm triệt để và quyết liệt để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN ” |
Đánh giá về thực trạng xe quá tải trong toàn quốc, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho hay, sau khi nới lỏng hoạt động giãn cách xã hội, tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp.
“Trong khoảng 4 năm qua, nhờ những giải pháp quyết liệt, xe vi phạm chở quá tải trọng chỉ còn khoảng 10%, tuy nhiên đến nay vi phạm chở quá tải đã vượt trên con số này”, ông Huyện nói.
Theo ông Huyện, qua hiệu quả thí điểm hệ thống cân tự động do JICA tài trợ trên QL5, Tổng cục Đường bộ đã xây dựng trình Bộ GTVT đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên phạm vi toàn quốc. Đề án đã được Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt.
Đầu quý I/2022, Tổng cục Đường bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý về Tiêu chuẩn của hệ thống cân tự động. Đầu năm 2022, Tổng cục cũng sẽ thí điểm lắp đặt hệ thống cân tự động để kiểm soát xe quá tải tại 16 điểm ra vào cửa ngõ Thủ đô Hà Nội.
“Hệ thống cân tự động sẽ kiểm soát xe quá tải một cách triệt để vì không có sự can thiệp của con người vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Qua kết quả thí điểm trên QL5 cho thấy, doanh nghiệp tâm phục khẩu phục khi bị xử phạt và không xảy ra khiếu kiện”, ông Huyện cho hay.
Nói về giải pháp từ nay đến cuối năm, ông Huyện cho hay, Tổng cục Đường bộ VN đã chỉ đạo các Cục Quản lý đường bộ, sở GTVT kiểm tra và xử lý xe quá tải bất kể ngày đêm. Trong đó, Tổng cục yêu cầu phải áp dụng công nghệ bằng việc ghi lại hình ảnh để “phạt nguội” vi phạm.
Sau 15 ngày nhận được thông báo xử phạt, chủ phương tiện, lái xe không đến nộp phạt, toàn bộ dữ liệu vi phạm sẽ chuyển cho các trung tâm đăng kiểm cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.
Chủ phương tiện, lái xe chấp hành nộp phạt mới được đăng kiểm phương tiện. Tổng cục Đường bộ VN sẽ xây dựng phần mềm kết nối với dữ liệu của Cục Đăng kiểm và Công an để thông báo dữ liệu vi phạm chở quá tải và kích thước thành thùng đến các trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc. Qua phần mềm này, Tổng cục sẽ nắm được toàn bộ quá trình xử lý vi phạm quá tải.
Về giải pháp chính sách, ông Huyện cho biết, Bộ GTVT cũng đã đề xuất với Chính phủ sửa Nghị định 100/2019 theo hướng tiếp tục tăng nặng hành vi vi phạm chở quá tải.
Nghị định 100/2019 hiện nay xử phạt cả chủ doanh nghiệp và lái xe mức cao nhất là 150 triệu đồng. Lần sửa đổi này, Tổng cục Đường bộ đề xuất xử phạt ở mức cao nhất lên đến 280 triệu đồng.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()