Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:49 (GMT +7)
Xe khách hoạt động cầm chừng chờ tăng giá vé?
Thứ 3, 22/03/2022 | 07:55:44 [GMT +7] A A
Xăng dầu leo thang, không gồng gánh nổi chi phí, nhiều nhà xe lên phương án tạm ngưng hoạt động đợi giá xăng dầu hạ nhiệt. Nhiều chủ xe khách đang điêu đứng với giá xăng dầu. Nhiều nhà xe đã làm đơn kiến nghị gửi lên Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và UBND TP Hồ Chí Minh xin điều chỉnh giá vé.
Bình thường chúng tôi đi xe khách từ Cẩm Đường, Long Thành, Đồng Nai lên TP Hồ Chí Minh, xe đưa đón tận nơi, chỉ hết 80 ngàn đồng/lượt. Nay đi 100 ngàn/lượt, cũng có nhà xe lấy 120 ngàn/lượt, xa hơn thì giá cao hơn nữa.
Trao đổi với một tài xế cùng tuyến trên, anh cho biết, dịp Tết, nhà xe tăng để cho anh em tài xế có tí bồi dưỡng, tính sau Tết thì sẽ quay về giá cũ nhưng không ngờ, xăng dầu tăng giá nhanh quá, giờ mà giảm thì nhà xe lỗ nặng. “Tính ra giá xăng dầu hiện tại tăng hơn 70% so với thời dịch, giờ nhà xe tăng có 25% thì đáng là bao. Tăng như vậy vẫn chưa thấm gì”, tài xế cho biết.
Anh Nguyễn Hoan, chủ một xe 7 chỗ, chuyên chạy xe “dân biểu” ai nhờ chở đi đâu thì đi đó cho biết, giá đi xe… vẫn vậy. Ví dụ một chuyến xe chạy hết 20 lít xăng thì anh chỉ lấy thêm khách 13 ngàn đồng/lít. Anh làm bài toán đơn giản, trước xăng 17 ngàn đồng/lít, giờ 30 ngàn đồng/lít vậy nên anh lấy bù 13 ngàn cho… tròn. Như vậy cùng một tuyến đường, một chuyến xe trước khách chỉ phải trả 1,2 triệu/ chuyến thì nay khách phải trả thêm 260 ngàn/chuyến vì xăng dầu tăng. Theo cách tính của anh Hoan thì khách phải “cõng” giá xăng dầu tăng chứ anh chẳng thiệt hại gì. Tuy nhiên, phép tính là vậy nhưng “Bắt khách chịu cả thì ai dám đi xe mình nữa, thôi thì cả hai cùng chịu thiệt để còn có chỗ đi lại, không lỗ là ok!”, anh Hoan chia sẻ.
Đó là những tuyến xe ngắn, xe tư nhân, còn với những nhà xe đường dài thì nhiều nhà xe đang “méo mặt” vì giá xăng dầu, đang tính tới chuyện tạm ngưng hoạt động chờ sự điều chỉnh giá vé, giá xăng dầu từ nhiều cấp…
Đảo qua một vòng tại Bến xe miền Đông, vào chiều cuối tuần, chúng tôi thấy số lượng xe có vẻ nhiều hơn số lượng khách. Tại khu vực bán vé, khi đông khách, nhân viên lắm lúc ngó lơ, giờ thoáng thấy khách, nhân viên đon đả mời gọi, chỉ dẫn… Khách ít, nhà xe phải tranh thủ chở thêm hàng hóa. Bình thường xe phải xếp lốt, mỗi lần đậu bến thời gian chỉ 30 phút, nay đậu cả ngày chẳng ai hối, giục, miễn sao tiền bến bãi đóng đủ. Đứng cả buổi, theo quan sát của chúng tôi có rất ít xe xuất bến.
Trao đổi với một tài xế nhà xe Duyên Hà đã có 33 năm trong nghề vận chuyển khách, bác tài xế nhiều kinh nghiệm này chia sẻ, Hợp tác xã có có 5 xe khách loại 40 giường chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Đắk Nông. Do ảnh hưởng của dịch COVID – 19 và xăng dầu tăng giá, nhà xe đã phải tạm ngưng hoạt động 2 xe và cho 5 nhân viên nghỉ việc. Đó chỉ là tình thế trước mắt, lâu dài có thể phải bán xe, hiện cũng đã rao bán nhưng lúc này mấy ai dám bỏ tiền tỉ ra để kinh doanh vận tải hành khách, trong khi rất nhiều hãng vận tải khác cũng đang đắp chiếu…?
"Giá nhiên liệu tăng cao, giá vé không đổi, đậu bến cũng không được mà càng chạy thì càng lỗ. Bây giờ, mỗi chuyến xe huề vốn là tôi mừng lắm rồi", bác tài xế nhà xe Duyên Hà chia sẻ.
Mỗi chuyến xe của nhà xe Duyên Hà từ Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đi Đắk Nông trong những ngày này hết hơn 4 triệu đồng, trong khi đó giá vé vẫn 130.000 đồng. Chủ nhiệm Hợp tác xã đã có đề xuất gửi Sở Giao thông vận tải, Sở Tài chính TP Hồ Chí Minh… nâng giá vé lên thêm 20.000 đồng nhưng chưa được phê duyệt.
Giá nhiên liệu tăng, đây là gánh nặng không chỉ của doanh nghiệp mà còn cả với người dân. Việc xin tăng giá vé cũng chỉ hy vọng hành khách chia sẻ gánh nặng cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Dù biết mỗi chuyến xe đều lỗ vẫn phải chạy vì nếu tạm ngưng thì khách sẽ quay lưng với doanh nghiệp", ông chủ nhà xe Duyên Hà bộc bạch.
Công ty TNHH Vận tải Kumho Samco Buslines (Công ty KUMHO) cũng phải gồng mình chống đỡ với “cơn bão” xăng dầu tăng giá. Tài xế cầm lệnh xuất bến rồi mà trên xe chưa có hành khách. Anh Trần Thanh Văn, nhân viên điều hành tại Bến xe miền Đông của Công ty KUMHO, cho biết, “cú khủng hoảng kép” này, dịch COVID – 19 và nhiên liệu tăng giá, nhà xe nào cũng điêu đứng chứ chẳng riêng gì Công ty KUMHO. Hiện Công ty cũng đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giá vé.
Theo ông Tạ Chương Chín, Phó giám đốc Bến xe Miền Đông, giá nhiên liệu tăng nên các đơn vị vận tải đang gặp khó khăn, lượng khách khởi hành tại bến giảm mạnh. Ngoài việc áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo quy định của Nhà nước, đơn vị cũng hỗ trợ doanh nghiệp vận tải khai thác các quầy bán vé, giảm giá để hỗ trợ phần nào. Hiện đã có gần 30 nhà xe kiến nghị tăng giá vé và đang chờ các cơ quan chức năng xem xét.
Trong lúc chờ các cơ quan chức năng điều chỉnh giá vé, một vài doanh nghiệp chịu không thấu đã bắt đầu rục rịch lên giá. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế. Các doanh nghiệp vận tải hành khách đang rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc.
Theo cand.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()