Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 03:42 (GMT +7)
Xe hợp đồng trá hình: Tiện lợi hay đánh cược tính mạng?
Thứ 5, 16/03/2023 | 15:19:38 [GMT +7] A A
Những chiếc xe hợp đồng trá hình nhỏ gọn, luồn lách các tuyến phố đón/trả tận nơi ngỡ là tiện lợi nhưng lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với khách hàng.
Trong ba ngày 13-15/3, Báo Giao thông đã đăng tải 3 bài viết Xe hợp đồng trá hình "len lỏi" trong doanh nghiệp tuyến cố định , Tràn lan vi phạm, nhiễu loạn vận tải và Truy rõ nguyên nhân doanh nghiệp vận tải khách tuyến cố định "biến tướng", phản ánh tình trạng các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định sử dụng xe hợp đồng “trá hình” vận chuyển khách tuyến cố định. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ sự phát triển mạnh mẽ của loại hình xe hợp đồng trá hình đã khiến các nhà xe tuyến cố định “biến tướng”.
Nhiều vụ TNGT liên quan xe hợp đồng trá hình
Các chuyên gia cho biết, xe hợp đồng “trá hình” đang đem đến nhiều tiện lợi trước mắt khiến người dân có nhiều nhu cầu sử dụng. Với hình thức xe nhỏ, loại 10 chỗ hoặc 16 chỗ; không bị khống chế số chuyến lượt, những chiếc xe này có thể len lỏi vào từng tuyến phố để đón/trả khách tận nơi, giúp tiết kiệm thời gian so với việc ra bến xe.
Do đó, nhiều doanh nghiệp phân bổ lượt chạy các xe này dày đặc từ 30 phút - 1 tiếng/chuyến với mục tiêu cao nhất là lợi nhuận. Bởi vậy, không ít hành khách đi xe thấy lo lắng vì tốc độ di chuyển của những chiếc xe này mà gọi chúng bằng cái tên “quan tài bay”.
Thực tế đã có nhiều vụ TNGT xảy ra, thậm chí thảm khốc liên quan đến xe hợp đồng trá hình hay còn gọi là xe limousine.
Gần đây nhất, khoảng 22h30 ngày 4/3, chiếc xe limousine 16 chỗ BKS 17-021.74 lưu thông trên QL39B hướng TP Thái Bình đi Kiến Xương đến đoạn qua xã Vũ Chính bất ngờ đâm vào đuôi xe tải chở luồng đang đậu ven đường khiến tài xế xe limousine bị thương.
Trước đó, ngày 28/2, tại Hà Nội, chiếc xe limousine BKS 17F-000.65 lưu thông ngược chiều trên đường Giải Phóng phía gần cầu vượt Vọng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã va chạm với ô tô con Hyundai Accent BKS 30G-423.49 khiến nhiều người hoảng loạn.
Đáng chú ý là vụ TNGT xảy ra tại Quảng Nam sáng 14/2 khi chiếc xe hợp đồng trá hình BKS 76B - 006.60 chở 21 người, từ Quảng Ngãi ra Thừa Thiên - Huế, đến ngã tư giao nhau giữa đường 129 và đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), đã va chạm với xe đầu kéo BKS 92H - 004.33 khiến xe khách lật ngược, làm 10 người tử vong.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Núi Thành nhận định, nguyên nhân của vụ TNGT do tài xế xe khách chở quá số người quy định (21/16 người), đi vào đường cấm, chạy quá tốc độ (69/60km/h), khi qua nút giao thông Võ Chí Công và đường trục chính ra cảng Tam Hiệp đã không chú ý quan sát dẫn đến tông vào bánh trước bên phải xe đầu kéo đang qua gần hết giao lộ.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu chiếc xe hợp đồng trá hình này vi phạm quy định về tốc độ. Bà Lê Thị Bích Hồng, Giám đốc HTX GTVT Sơn Tịnh (đơn vị quản lý xe khách BKS 76B-006.60) cho biết, đầu tháng 2/2023, HTX giám sát hành trình, thấy phương tiện chạy vượt tốc độ lên 64km/h nên đã nhắc nhở tài xế.
Trong khi đó, ngày 6/2 (trước ngày xảy ra tai nạn 8 ngày), Sở GTVT Quảng Ngãi phát đi Công văn 260 cảnh báo xe BKS 76B-006.60 vi phạm khi có tần suất hoạt động liên tục, lặp đi lặp lại trong nơi đi: TP Quảng Ngãi đi TP Quảng Ngãi và ngược lại.
Cũng theo bà Hồng, riêng ngày 14/2 (ngày xảy ra vụ tai nạn), xe khách BKS 76B-006.60 chở khách đi TP Đà Nẵng nhưng không báo HTX cụ thể chuyến đi, không có hợp đồng và danh sách vận chuyển hành khách theo hợp đồng. Đơn vị này cũng không quản lý lái xe mà chỉ quản lý hồ sơ của chủ xe và phương tiện. Điều này đã thể hiện những bất cập trong quản lý, giám sát hoạt động vận tải của xe khách này.
Trong các năm trước cũng tồn tại nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan xe limousine như vụ xe BKS 29B-191.36 đâm vào ô tô tải BKS 29C-228.66 đang bị hỏng đỗ trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương.
Hay trường hợp xe limousine hoán cải từ 16 chỗ xuống 10 chỗ BKS 36B-027.16, gây tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, khiến một bác sĩ, một thiếu tá công an tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương. Trước đó, chiếc xe limousine này cũng từng gây TNGT trên QL1 qua huyện Quảng Xương (Thanh Hoá) khiến 1 người đi xe máy tử vong.
Đây chỉ là số ít trong những vụ TNGT liên quan đến xe limousine hay còn gọi là xe hợp đồng trá hình.
Đánh cược tính mạng
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trong chuyến đi từ Hà Nội - TP Hải Phòng ngày 9/3, tài xế xe BKS 14F-001.13 của nhà xe Kết Đoàn không chỉ dừng/đón trả khách dọc đường, dừng chờ giao hàng ngay trên lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cả chục phút mà suốt quá trình di chuyển còn thường xuyên sử dụng điện thoại di động. Đáng nói, tài xế còn vừa lái xe vừa cắn hạt hướng dương tí tách trên xe khiến nhiều hành khách lo lắng vì mất an toàn và thiếu văn minh.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, theo quy định, xe hợp đồng phải có danh sách khách hàng kèm theo điểm đi - điểm đến trong hợp đồng và phải gửi về cơ quan quản lý (Sở GTVT, Cục Đường bộ VN) trước khi chạy nhưng hiện nay việc này không được thực hiện.
Chính vì thế, cơ quan chức năng không nắm được hợp đồng trước khi vận chuyển, lực lượng chức năng kiểm soát trên đường không có cơ sở để đối chiếu. Chỉ cần một bản hợp đồng khống cùng vài câu trao đổi trước với khách hàng, những chiếc xe này vô tư qua mặt lực lượng chức năng. “Dẫu biết xe vi phạm nhưng không thể xử phạt” là khó khăn mà nhiều cơ quan chức năng tại các địa phương đang đặt ra.
Theo ông Quyền, hiện nay, quy định doanh nghiệp vận tải được phép áp dụng hợp đồng điện tử trong khi hợp đồng điện tử và hình thức đặt vé qua mạng tương tự nhau, tạo lỗ hổng để các doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng trá hình lợi dụng nhận gom khách lẻ qua mạng (app và website đặt chỗ).
Trong khi đó, việc quản lý các văn phòng đại diện của nhà xe tại nhiều địa phương gần như bỏ ngỏ khiến đây trở thành một “bến cóc” ngang nhiên gom khách, đón khách, giao nhận hàng suốt ngày đêm.
“Xe hợp đồng trá hình phát triển và hoạt động ngày càng phức tạp nhưng chính việc lực lượng chức năng kêu khó xử lý, không thường xuyên, liên tục kiểm tra, quyết liệt đã vô tình khiến những doanh nghiệp sử dụng xe hợp đồng trá hình “nhờn luật”, hoạt động ngày càng công khai, tinh vi”, ông Quyền nhận định.
TS Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho biết, các xe hợp đồng trá hình hiện nay đang có xu hướng bắt khách dọc đường và hợp thức hoá qua một bản hợp đồng khống. Điều này còn làm gia tăng nguy cơ mất an toàn trong các chuyến đi vi không được tổ chức tốt, nhất là việc quản lý phương tiện và người lái mà vụ TNGT ở Quảng Nam là một ví dụ điển hình. Chưa kể đến việc tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong toàn hệ thống vận tải công cộng và là kẽ hở cho các xe cũ, kém chất lượng hoạt động.
Đáng nói, trong các bản hợp đồng khống không có điều khoản giữa các bên về việc phải bồi thường thiệt hại cho hành khách, các xe hợp đồng trá hình bán vé qua mạng, qua điện thoại, không xuất vé, không có biên lai, khi xảy ra TNGT, việc bị rũ bỏ trách nhiệm là hoàn toàn có thể xảy ra và hành khách sẽ không được bồi thường bảo hiểm.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()